23/01/2025

Nghị lực của cô bé mồ côi

Dù mất cả cha lẫn mẹ nhưng Phạm Quỳnh Trâm (16 tuổi, thị trấn Tân Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) vẫn vượt qua mọi khó khăn, nghịch cảnh để vừa học tập tốt văn hoá, vừa đạt nhiều thành tích cao trên 
đường chạy.

 

Nghị lực của cô bé mồ côi

 

 

Dù mất cả cha lẫn mẹ nhưng Phạm Quỳnh Trâm (16 tuổi, thị trấn Tân Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) vẫn vượt qua mọi khó khăn, nghịch cảnh để vừa học tập tốt văn hoá, vừa đạt nhiều thành tích cao trên 
đường chạy.





Quỳnh Trâm (hàng trên, thứ hai từ phải sang) trong buổi tập cùng các đồng đội chiều 30-1 - Ảnh: Bùi Liêm
Quỳnh Trâm (hàng trên, thứ hai từ phải sang) trong buổi tập cùng các đồng đội chiều 30-1 – Ảnh: Bùi Liêm

Sinh ra trong một gia đình nghèo có ba anh chị em, Quỳnh Trâm là con út trong gia đình. Không có ruộng vườn nên quanh năm cha mẹ Trâm phải đi làm thuê kiếm tiền nuôi các con ăn học. Cuộc sống bấp bênh, nhiều lúc cả nhà lâm vào cảnh thiếu ăn, thiếu mặc.

Đã khó càng thêm khó

Năm 2007, khi Quỳnh Trâm lên 8 tuổi thì mẹ Quỳnh Trâm mất vì căn bệnh ung thư gan. Cuộc sống của anh em Trâm đã khó lại càng thêm khó. Không đầu hàng trước số phận, người cha vẫn một nắng hai sương đi làm thuê, gắng gượng nuôi các con ăn học. “Lúc mẹ mất, em còn rất nhỏ, chưa hiểu biết gì nhiều nhưng việc mẹ ra đi là một mất mát lớn của gia đình, mọi gánh nặng của gia đình đè hết cả lên vai bố. Em nhớ nhiều lúc khó khăn, bố mang các em đi gửi nội ngoại trông coi, ăn học, khi làm có tiền lại rước về. Nghèo nhưng bố rất thương con” – Quỳnh Trâm kể trong nghẹn ngào.

Cuộc sống nhiều nghiệt ngã nhưng vẫn không ngăn được ý chí vươn lên của Quỳnh Trâm. Ý thức được mình con nhà nghèo nên từ nhỏ ngoài việc đến trường học tập, về đến nhà Quỳnh Trâm lại phụ giúp bố, anh chị cơm nước, lấy củi. Cuộc sống quá khó nhọc nên anh chị của Quỳnh Trâm phải bỏ học giữa chừng để đi làm thuê kiếm sống qua ngày, chỉ mình Quỳnh Trâm được cha tiếp tục cho đi học. Không chỉ học tập tốt, Quỳnh Trâm còn là cô học trò đam mê thể thao và luôn đạt thành tích cao về điền kinh tại các Hội khoẻ Phù Đổng do địa phương tổ chức.

Lại chịu nỗi đau mất cha

Thấy Trâm có năng khiếu, đam mê thể thao và hoàn cảnh lại đáng thương nên năm 2012 (lúc Quỳnh Trâm lên lớp 7) ông Võ Quốc Thắng, phó giám đốc Sở Văn hoá – thể thao và du lịch tỉnh Bình Phước, đã đưa Quỳnh Trâm về Trung tâm thể dục thể thao tỉnh để em được tiếp tục theo học văn hoá, tập luyện, thi đấu thể thao. Được học tập, rèn luyện trong môi trường chuyên nghiệp nên Quỳnh Trâm nhanh chóng tiến bộ, phát huy được tố chất thể thao trong em. “Năm lớp 7, cuộc sống gia đình quá khó khăn, tưởng em cũng phải nghỉ học thì may mắn được chú Thắng nhận về trung tâm” – Quỳnh Trâm tâm sự.

Nhìn vào bảng thành tích tại Giải vô địch việt dã leo núi toàn quốc “Chinh phục đỉnh cao Bà Rá” những năm qua của Quỳnh Trâm, ai cũng nể phục. Năm 2013, Trâm vô địch hệ thiếu niên. Năm 2014, dù gặp chấn thương khá nặng ở chân nhưng em cũng gắng gượng về đích để giành vị trí thứ 5. Năm 2015, Trâm đoạt danh hiệu Nữ hoàng lên núi hệ trẻ. Mới đây ngày 6-1-2016, mặc dù bị chấn thương vùng hông nhưng Quỳnh Trâm xuất sắc về nhì hệ trẻ. Ngoài ra, Quỳnh Trâm còn đoạt rất nhiều giải tại các cuộc thi điền kinh trong nước.

Đang sống cuộc sống bình yên ở môi trường mới, giữa năm 2015 Trâm lại nhận thêm nỗi buồn: cha mất vì ung thư gan. Điểm tựa tinh thần được coi là duy nhất cũng sụp đổ với Trâm. “Những ngày cuối đời của bố, em cũng thường về thăm bố, thấy ông nằm đau đớn trên giường bệnh với thân thể da bọc xương, hai bố con không thể cầm được nước mắt. Bố dặn em phải cố gắng học tập để không phụ lòng các chú, các bác ở trung tâm đã rộng tay cưu mang. Bố cũng dặn em phải siêng năng tập luyện, thi đấu tốt để mang thêm nhiều thành tích về cho tỉnh. Lúc hấp hối, câu mà em luôn nhớ đó là bố nói bố có lỗi, bố sinh ra con nhưng không thể nuôi dưỡng, bảo vệ được con” – Quỳnh Trâm xúc động nói.

Nỗ lực hướng đến 
tương lai

4g sáng hằng ngày Trâm thức dậy tập luyện cùng đội tuyển; 6g về vệ sinh cá nhân, ăn sáng, sau đó đến trường học văn hoá; 15g tiếp tục tập luyện đến 17g. Tối đến ngoài thời gian dành cho học văn hoá, Quỳnh Trâm còn phải tập luyện riêng để tăng sức bền, dẻo dai. Nói về tương lai, cô gái đang học lớp 10 này cho biết: “Em mong rằng sẽ tiếp tục được trung tâm nuôi dưỡng, đào tạo. Em sẽ cố gắng tiếp tục học văn hoá và siêng năng tập luyện để đạt thêm nhiều danh hiệu ở các giải đấu cao hơn trong nước và quốc tế. Học xong phổ thông em sẽ tiếp tục thi đấu cho đội điền kinh tỉnh Bình Phước cho đến khi nào còn có thể, sau đó sẽ đi học đại học thể dục thể thao để có kiến thức về trung tâm làm việc”. Quỳnh Trâm cũng cho biết từ tiền ăn cộng với khoản chế độ ít ỏi nhận được, hằng tháng Trâm luôn dành một chút gửi cho chị gái nuôi con nhỏ.

Nhận xét về Quỳnh Trâm, HLV Bùi Lương nói: “Quỳnh Trâm có ý chí và nghị lực phi thường. Dù còn trẻ nhưng cháu luôn có ý thức cao trong tập luyện, thi đấu. Cháu luôn tuân thủ nghiêm túc giờ giấc, giáo án tập luyện của HLV và rất nghiêm túc trong học tập văn hoá cũng như tuân thủ tốt nội quy của trung tâm. Trâm là tấm gương cho các bạn khác trong đội noi theo”.

* Công ty võng xếp Duy Lợi đã nhờ báo Tuổi Trẻ chuyển số tiền 5 triệu đồng cho VĐV Quỳnh Trâm với mong muốn động viên và hỗ trợ cô vượt qua khó khăn.

Tạo điều kiện tốt để Quỳnh Trâm phát triển

Ông Võ Quốc Thắng cho biết: “Quỳnh Trâm là trường hợp rất đặc biệt mà trung tâm nhận về nuôi dưỡng, đào tạo. Mồ côi cha mẹ nhưng bằng ý chí, nghị lực phi thường, Trâm đã vượt qua mọi khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Lãnh đạo sở, trung tâm cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để giúp Trâm học tập, rèn luyện, thi đấu, kể cả đáp ứng nguyện vọng của Trâm ở tương lai”.

 

BÙI LIÊM