23/01/2025

Khi ca dao, tục ngữ, nhạc vào… môn địa

Cô Đặng Thị Phương Tâm – Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, tỉnh Vĩnh Long – đã biến môn địa thành môn học lý thú khi đưa ca dao, tục ngữ, nhạc vào bài giảng của mình.

 

Khi ca dao, tục ngữ, nhạc vào… môn địa

 

 

Cô Đặng Thị Phương Tâm – Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, tỉnh Vĩnh Long – đã biến môn địa thành môn học lý thú khi đưa ca dao, tục ngữ, nhạc vào bài giảng của mình.

 

 

 

 
 

 

Khi ca dao, tục ngữ, nhạc vào... môn địa
Trong những tiết dạy đầy sáng tạo của mình, cô Tâm đã biến môn địa lý thành môn học đầy lý thú với học sinh – Ảnh: Minh Tâm

Đưa thực tế vào tiết học là một trong những mục đích giảng dạy của cô Tâm. Chứng kiến cảnh học trò học chỉ để đối phó với thi cử, khi thi xong không còn đọng lại điều gì trong đầu, cô Tâm rất băn khoăn.

Việc học sinh ít mặn mà với môn địa cũng khiến cô trăn trở, đau đáu bởi cô hiểu học tốt môn này sẽ giúp các em có những kiến thức hỗ trợ ngành nghề mình chọn sau này. Vì vậy cô Tâm quyết tâm tìm mọi cách gieo vào lòng học trò tình yêu với môn địa bằng cách áp dụng những phương pháp giảng dạy hay.

Nhạc trước, học sau

Một trong những cách dạy độc đáo của cô Tâm là đưa nhạc làm nền chủ đạo cho bài giảng, khiến tiết học trở nên sôi động và hào hứng. Chẳng hạn cô sử dụng bài hát Gửi nắng cho em cho bài giảng “Thiên nhiên phân hóa đa dạng” để giải thích hiện tượng thiên nhiên nước ta phân hoá theo chiều Bắc – Nam.

Học sinh sẽ nghe trước lời ca khúc nồng nàn: “Thật diệu kỳ là mùa đông phương Nam/ Muốn gửi ra em một chút nắng vàng/ Thương cái rét của thợ cày thợ cấy/ Nên cứ muốn chia nắng đều ra ngoài ấy/ Có tình thương tha thiết của trong này…”.

Sau đó cô Tâm giải thích cho các em hiểu sở dĩ không khí mùa đông ở miền Bắc lạnh, miền Nam vẫn ấm do miền Bắc chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, khi xuống phía Nam gió mùa đông bắc yếu dần và bị chặn lại ở dãy Bạch Mã…

Hoặc khi giảng bài “Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa”, cô Tâm chọn ca khúcSợi nhớ, sợi thương để đi vào bài giảng với câu “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, bên nắng đốt, bên mưa quây…”.

Lời ca khúc trữ tình này được cô Tâm lý giải bằng kiến thức khoa học tự nhiên: từ tháng 5 đến tháng 7 gió tây nam gây mưa nhiều bên sườn tây dãy Trường Sơn, đến khi gió này vượt qua bên sườn đông dãy Trường Sơn thì khối khí trở nên khô và nóng…

Đối với cô, khi học địa học sinh phải nắm vững kiến thức cơ bản để có thể tự lý giải, phân tích được những hiện tượng tự nhiên diễn ra xung quanh. Vì vậy trong tiết giảng, cô thường đố cả lớp giải thích những câu ca dao, tục ngữ: “Đêm tháng 5 chưa nằm đã sáng, ngày tháng 10 chưa cười đã tối”, “Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa”…

Từ bài giảng, cô Tâm đưa học trò ra thực tế để lý giải vì sao trong những ngày đầu tháng 10 Vĩnh Long chìm trong sương mù hay giữa tháng chạp trời Vĩnh Long rất lạnh, cô đều yêu cầu học trò giải thích bằng những kiến thức địa lý đã học.

Em Vũ Đào Tuấn Anh, lớp 12T1, thổ lộ: “Nhờ cách dạy độc đáo như vậy nên giờ học của cô Tâm rất thú vị và sôi động. Chúng em hiểu bài ngay tại lớp. Về nhà chỉ cần ôn sơ lại là nhớ luôn”.

Hướng nghiệp 
bằng môn địa

Cô Tâm cũng rất quan tâm chuyện hướng nghiệp cho trò bởi theo cô, 12 năm đèn sách thì giây phút quan trọng nhất vẫn là lúc đặt bút chọn nghề. Cái độc đáo là cô hướng nghiệp bằng… môn địa.

Trong tiết giảng của mình, cô thường đưa thông tin về tuyển sinh cho học sinh tham khảo. Chẳng hạn như khi dạy về bài “Lao động và việc làm”, cô đưa ra số liệu các ngành nghề, trong đó nhấn mạnh những ngành nghề mà nhu cầu xã hội đang cần, ngành nào đang bão hòa, ngành đầu vào lấy điểm cao, những ngành học có “bà con họ hàng” với nhau…

Khi giảng về chương địa lý các ngành và các vùng kinh tế, cô giảng về đặc điểm của một số ngành học cũng như tỉnh thành nào cần những nghề gì…

Cứ mỗi bài giảng cô tư vấn một ít về chuyện ngành nghề. Và điều này đã giúp rất nhiều thế hệ học sinh.

Bạn Lương Thùy Khuê – cựu học sinh Trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, hiện là kiến trúc sư một công ty ở TP.HCM – tâm sự chính nhờ môn địa của cô Tâm đã khiến bạn chọn ngành kiến trúc. Vốn là học sinh thích kiểu học tư duy, suy luận nên cách giảng của cô Tâm khiến Khuê thích môn địa. Mặc dù định thi khối A, nhưng Khuê vẫn vô đội học sinh giỏi môn địa và đoạt giải khuyến khích toàn quốc.

Những tiết học ở lớp, chương trình bồi dưỡng học sinh giỏi khiến Khuê hiểu các yếu tố thiên nhiên như dông bão, mưa lũ… tác động đến đời sống người dân ra sao. Điều này khiến Khuê mạnh tay đặt bút chọn ngành kiến trúc với khao khát thiết kế những ngôi nhà tránh được bão lũ… Khuê chia sẻ: “Kiến thức về môn địa đã giúp Khuê rất nhiều trong chuyên môn. Nhìn lại mình rất may mắn khi được là học trò của cô Tâm”.

Hoặc như bạn Nguyễn Tấn Lộc, nhân viên công ty du lịch ở TP Cần Thơ, khi còn là học sinh nghe cô Tâm giới thiệu về ngành hướng dẫn viên du lịch, Lộc thấy mình hợp với ngành này. Lộc tâm sự: “Nhờ những lời cô tư vấn ngày ấy mà Lộc đã chọn trúng nghề. Giờ Lộc đã thoả ước mơ đi đây đi đó giới thiệu cảnh đẹp quê hương đất nước mình”.

Hằng năm, được Trường ĐH Cần Thơ mời tham gia chấm điểm thi đại học, cô Tâm luôn chắt lọc những cái hay của thí sinh để về chỉ lại cho học trò trường mình. Với rất nhiều học sinh Trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, cô Tâm không chỉ là cô giáo mà còn là người bạn lớn.

Có lẽ chính vì vậy mà nhiều thế hệ học sinh ra trường đến ngày lễ tết đều về thăm cô hoặc gọi điện về tâm sự. Nhờ đó, cô nắm được những khó khăn, thuận lợi của học trò mình, để rồi lấy đó làm kinh nghiệm chia sẻ lại cho những thế hệ học trò kế tiếp.

Ông Nguyễn Hồng Phước – hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, tỉnh Vĩnh Long – nhận xét: “Cô Tâm là một trong những giáo viên giỏi của trường chúng tôi. Nhờ cách dạy tận tâm và nhiều sáng tạo của cô mà trường có nhiều học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia môn địa.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015, lớp cô Tâm có ba em thủ khoa môn địa khi đạt điểm 10 tròn trịa. Và một phần nhờ cô làm tốt công tác chủ nhiệm mà tỉ lệ đậu đại học ở lớp cô chủ nhiệm đạt 96 – 100%…”.

MINH TÂM