Nghi vấn về chuyến thăm phi pháp của ông Mã Anh Cửu
Chuyến thăm phi pháp đảo Ba Bình của ông Mã Anh Cửu khiến dư luận nghi ngờ vị lãnh đạo sắp mãn nhiệm này hợp tác ngầm với đại lục.
Nghi vấn về chuyến thăm phi pháp của ông Mã Anh Cửu
Chuyến thăm phi pháp đảo Ba Bình của ông Mã Anh Cửu khiến dư luận nghi ngờ vị lãnh đạo sắp mãn nhiệm này hợp tác ngầm với đại lục.
Theo tờ China Post ngày 29.1, báo giới Đài Loan đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh việc lãnh đạo Mã Anh Cửu ngang nhiên đến Ba Bình, đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN nhưng bị Đài Bắc chiếm đóng phi pháp, hôm 28.1.
Ông Mã sẽ chính thức mãn nhiệm vào tháng 5, và trong 8 năm cầm quyền của ông, quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt hồi tháng 11.2015, lãnh đạo Mã đã có cuộc gặp lịch sử với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cũng ngay trong ngày 28.1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh không phản đối chuyến thăm Ba Bình của ông Mã mà còn ngang nhiên tuyên bố hai bên “có cùng trách nhiệm bảo vệ chủ quyền dân tộc”.
Vì thế, sau chuyến thăm, các phóng viên đã hỏi thẳng lãnh đạo Mã rằng hành động này có nằm trong sự hợp tác giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục hay không và có phải ông muốn chuẩn bị cho cuộc gặp lần thứ hai với Chủ tịch Tập hay không. Đáp lại, ông Mã tuyên bố chuyến đi “không liên quan đến quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan”. Sau đó, đến lượt Văn phòng phụ trách vấn đề đại lục của Đài Loan tiếp tục thanh minh rằng chính quyền vùng lãnh thổ này không liên lạc trước với Bắc Kinh về chuyến thăm, theo CNA.
Theo giới chuyên gia, việc chính quyền của ông Mã Anh Cửu quá chú trọng cải thiện quan hệ với đại lục là một trong những lý do khiến Quốc dân đảng (KMT) bại trận trước đảng Dân tiến (DPP) trong cuộc bầu cử ngày 16.1. DPP đã từ chối cử đại diện đi cùng ông Mã đến Ba Bình và lãnh đạo đắc cử Thái Anh Văn kêu gọi các bên cần tuân thủ luật pháp quốc tế, duy trì tự do lưu thông và giải quyết tranh chấp một cách hoà bình. Tuy nhiên, bà Thái vẫn ngang nhiên tuyên bố cái gọi là chủ quyền của Đài Loan đối với Ba Bình.
Trước đó, tờ Taiwan News dẫn lời ông Kha Thừa Thanh, thành viên cấp cao của DPP, tiết lộ rằng đảng này có thể sẽ cân nhắc khả năng từ bỏ yêu sách đường lưỡi bò tại Biển Đông. Ngoài ra, DPP lâu nay khẳng định tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết thông qua cơ chế đa phương và cực lực phản đối việc gác lại bất đồng cùng hợp tác với đại lục về vấn đề này.
Hôm 28.1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định chuyến thăm của ông Mã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền VN và yêu cầu Đài Loan chấm dứt ngay, không tái diễn những hành động tương tự. Mỹ và Philippines cũng chỉ trích gay gắt, cho rằng đó là hành động “vô bổ” đối với nỗ lực giải quyết tranh chấp.
Văn Khoa