Không chỉ được đổ bán tràn lan tại chợ với giá rẻ bèo, giày dép của Trung Quốc còn tràn ngập các kênh phân phối hàng hiệu, hàng xuất khẩu vào những ngày giáp tết.
Giày dép Trung Quốc ngập chợ
Không chỉ được đổ bán tràn lan tại chợ với giá rẻ bèo, giày dép của Trung Quốc còn tràn ngập các kênh phân phối hàng hiệu, hàng xuất khẩu vào những ngày giáp tết.
Trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.10, TP.HCM), hơn một tuần nay cứ tối tối là đoạn giữa đường Bắc Hải và Phạm Văn Hai cả xe và người bị kẹt cứng, rất khó di chuyển. Có tới hàng chục cửa tiệm bán giày dép, áo quần trên đoạn đường này trưng bảng “sale” hàng hiệu, hàng xuất khẩu giá rẻ, thu hút nhiều người tiêu dùng. Thậm chí, trên lề đường nhiều người bày bán giày dép mang các thương hiệu nổi tiếng, được gắn mác hàng xuất khẩu VN nhưng khi xem kỹ thì đều “made in China” nhập về theo đường tiểu ngạch.
Qua Quảng Châu đặt… hàng hiệu !
Người phụ nữ có dáng dấp khá đầy đặn đang ngồi bày bán một lượng giày phong phú chủng loại, thương hiệu ngoại trên lề đường Cách Mạng Tháng Tám khá thoải mái cho biết: “Tụi em “đánh” hàng đẹp từ Quảng Châu về, kể cả hàng gắn mác sản xuất tại VN cũng lấy từ Trung Quốc. Mua quanh năm và chủ yếu bỏ cho shop. Nay cuối năm xả hàng bán rẻ bằng nửa giá shop nên huy động cả bố, mẹ, anh em ra phụ bán vẫn không đủ”. Một đôi bốt cổ ngắn màu đen và xám giả hiệu A. ở đây bán 250.000 đồng, giày cao gót kín mũi màu đen giả hiệu C. 220.000 đồng/đôi, đôi màu trắng hiệu Ch. cũng bán đồng giá. Giày sandal giả hiệu F. 200.000 đồng/đôi… Ngoài ra, một số giày thể thao giả nhãn hiệu danh tiếng được bán từ 250.000 – 300.000 đồng/đôi. Người bán quả quyết: “Em mua tận gốc, bán tận ngọn, nên không thể tìm được ở đâu giá rẻ hơn với những hàng hiệu này”.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, chợ An Đông và chợ Bình Tây hiện là những “kho” cung cấp “hàng hiệu” giá rẻ mua từ Trung Quốc về bán tại VN. Đặc biệt, trong những ngày giáp tết, nhu cầu mua sắm nhiều, ngoài áo quần, giày dép là một trong 2 mặt hàng cực “hot” trên thị trường. Bà Lan bán sỉ giày dép trong nhà vòm của chợ Bình Tây từ chối mà như quát khách khi một phụ nữ người miền Tây đang dẫn hai đứa trẻ tầm 10 – 12 tuổi vào hỏi mua hai đôi giày cho con mang tết: “Giày dép trẻ em toàn hàng Trung Quốc, nhưng muốn mua lẻ ra mấy chợ bán lẻ mà mua. Mua lẻ ở chợ sỉ coi chừng đắt hơn chợ lẻ đó nghen”. Chỉ túi giày màu hồng cho bé gái ở trên kệ, bà Lan nhấm nhẳng: “Loại này bán sỉ 450.000 đồng/chục. Bán lẻ lên cả trăm, trăm mốt (100.000 – 110.000 đồng) một đôi. Lúc nãy có bà kia đòi mua 5 đôi hồng, 5 đôi trắng tôi còn không bán. Mấy ngày nay người đóng hàng về bán lẻ cả trăm đôi, mua vài chục đôi thì lấy nguyên chục chứ xé lẻ không ai rảnh mà làm”.
Tụi em “đánh” hàng đẹp từ Quảng Châu về, kể cả hàng gắn mác sản xuất tại VN cũng lấy từ Trung Quốc. Mua quanh năm và chủ yếu bỏ cho shop. Nay cuối năm xả hàng bán rẻ bằng nửa giá shop nên huy động cả bố, mẹ, anh em ra phụ bán vẫn không đủ
Một người bán giày dép trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.10, TP.HCM
Nhiều loại giày tuy gắn những thương hiệu thuần Việt, song những mẩu giấy bìa carton dùng để độn bên trong lại chi chít chữ Trung Quốc. Anh Huế, đang bán sỉ giày dép tại chợ An Đông, giải thích: “Những tên Việt là tên của sạp bán giày này. Đặt hàng từ Trung Quốc về rồi thuê in tên sạp hàng gắn lên thôi. Gắn tên tiếng Việt vừa để tạo cảm giác là hàng Việt, nhưng cũng để kiểm soát hàng nhỡ người mua trả hàng lại, biết là hàng mình hay sạp khác”. Anh Huế cho biết, với loại giày nữ kiểu dáng công sở đang bán chạy, chỉ cần chụp hình gửi qua Viber cho người sản xuất tại Quảng Đông đặt hàng, 3 – 5 ngày sau đã có hàng nhận ngay tại sạp. “Giá giày hàng chợ mua từ Quảng Đông đưa về tận trước chợ khoảng 50.000 đồng/đôi, bỏ mối 80.000 đồng, bán lẻ khoảng 150.000 đồng/đôi. Với những giày giả hàng hiệu, phía người sản xuất ở Trung Quốc thường chào mẫu, bán giá cao hơn gần 100.000 đồng/đôi. Loại này bán tại một số trung tâm thương mại, cửa hàng… từ 400.000 – 550.000 đồng/đôi”, Huế cho biết.
Nuốt chửng nghề đóng giày dép nội
Anh Huế từng có cơ sở gia công giày dép tại Q.Tân Bình. Trước năm 2009, cơ sở đóng giày có gần 20 thợ, chuyên gia công cho nhiều thương hiệu giày nổi tiếng tại VN; ngoài ra còn đóng cho nhiều sạp hàng tại chợ đầu mối An Đông. Nhưng do không cạnh tranh nổi với giày dép giá rẻ Trung Quốc, cách đây 6 năm anh bỏ sản xuất đi nhập hàng từ Trung Quốc về bỏ mối. “Thật ra, nếu tiếp tục làm hàng giá rẻ bán cho các thị trường vùng ven cũng sống được nhưng không khá lên nổi. Ngày tôi tuyên bố ngưng sản xuất, cơ sở còn đúng 4 thợ. 4 người này nay cũng theo tôi làm kinh doanh, chở hàng bỏ mối luôn. Mấy cơ sở đóng giày như tui biến mất hết rồi. Đa số chuyển sang kinh doanh hoặc bám trụ với hàng giá rẻ lời ít. Bỏ nghề đôi khi cũng tiếc, buồn, nhưng không thể theo được khi hàng Trung Quốc tràn vào”, anh Huế chùng giọng xuống khi cho biết nghề làm giày dép da là anh được thừa hưởng từ người cha của mình, cách đây đã 30 năm.
Không chỉ với người sản xuất giày dép, nhiều thương hiệu giày trong nước mấy năm qua cũng đã chựng lại trước cơn bão giày dép từ Trung Quốc tràn vào thị trường nội địa. N., người từng quản lý bán hàng cho một thương hiệu giày dép nổi tiếng tại VN chuyên giày công sở, có cửa hàng gần ngã tư Phú Nhuận, cho biết: “Không chỉ thu hẹp sản xuất, đa số các thương hiệu giày Việt nhập hàng về, in dập thương hiệu lên rồi bán sẽ có lãi gấp 2 – 3 lần so với sản xuất. Chẳng hạn, đôi giày nữ nội địa bán với giá 250.000 – 300.000 đồng, nếu mua nguyên liệu và sản xuất giá thành mỗi đôi gần 150.000 đồng rồi; trong khi nhập từ Trung Quốc không cần đầu tư máy móc nhà xưởng, cùng chất liệu và kiểu dáng, thậm chí mẫu mã đẹp hơn, nhập khẩu giá 70.000 đồng/đôi”.
Với các loại giày xuất khẩu gắn mác “hàng xuất khẩu VN”, theo Diễm, một quản lý sản xuất tại công ty chuyên gia công giày cho các nhãn hàng lớn của Mỹ, nhà xưởng đóng tại Bình Dương, các cơ sở gia công cho các nhãn hàng lớn không bao giờ dám đưa ra thị trường tiêu thụ với số lượng lớn như vậy. “Đa số là hàng giả, chủ yếu từ Trung Quốc đưa về, không phải là hàng hiệu xuất khẩu thật, có lỗi như người bán nói”, Diễm khẳng định.