Thuỵ Điển trục xuất người tị nạn
Thuỵ Điển từng là một trong những nước tiếp nhận người tị nạn nhiều nhất châu Âu năm 2015, nhưng nay lại trở thành quốc gia cứng rắn trong quyết định trục xuất.
Thuỵ Điển trục xuất người tị nạn
Thuỵ Điển từng là một trong những nước tiếp nhận người tị nạn nhiều nhất châu Âu năm 2015, nhưng nay lại trở thành quốc gia cứng rắn trong quyết định trục xuất.
Người nhập cư ngủ tạm ở cửa ra vào trung tâm tiếp nhận của Cơ quan di trú Thuỵ Điển tại Malmo hồi tháng 11-2015 – Ảnh: Reuters |
Mới đây, Bộ trưởng Nội vụ Anders Ygeman tuyên bố nước này dự tính sẽ trục xuất đến 80.000 người di cư đã đến Thuỵ Điển trong năm 2015 nhưng bị chính quyền Stockholm từ chối đơn xin tị nạn.
Khó nhưng vẫn phải làm
“Chúng tôi đang nói về khoảng 60.000 người nhưng con số này có thể tăng lên đến 80.000 người” – Bộ trưởng Ygeman nói với truyền thông Thuỵ Điển.
Năm 2015, Thuỵ Điển đã tiếp nhận đơn tị nạn của hơn 163.000 người và 55% trong số này, tương đương 58.800 đơn tị nạn, đã được chấp thuận. Tuy nhiên, số người nhập cư đến Thụy Điển trong năm 2016 đã giảm mạnh kể từ khi nước này siết chặt việc kiểm tra danh tính theo hệ thống ngay tại biên giới đối với những người vào nước này từ ngày 4-1. |
Ông Ygeman thông tin thêm rằng chính quyền Stockholm cũng đã yêu cầu cảnh sát và các đơn vị chịu trách nhiệm về người di cư đứng ra tổ chức quy trình trục xuất này. Các đơn vị chuyên môn và toà án có nhiệm vụ xử lý từng đơn xin tị nạn.
Bộ trưởng Ygeman cho biết các cuộc trục xuất mà thông thường được tiến hành bằng các chuyến bay thương mại thì nay sẽ phải dùng đến các máy bay chuyên dụng, bởi số lượng người tị nạn bị trục xuất là quá lớn và công việc này sẽ kéo dài trong nhiều năm.
Chính phủ Thuỵ Điển nhận định việc trục xuất là “một thách thức lớn” đối với nước này và sẽ có “nguy cơ lớn” rằng nhiều nhóm người tị nạn sẽ tìm cách trốn tránh để không bị trục xuất.
Theo AFP, Thuỵ Điển đưa ra quyết định cứng rắn trên trong bối cảnh cả châu Âu đang chật vật giải quyết cuộc khủng hoảng khi mà hàng chục ngàn người di cư tiếp tục liều lĩnh bất chấp điều kiện thời tiết mùa đông khắc nghiệt cập vào các bãi biển Hi Lạp.
Hầu hết trong số này là những người chạy trốn các cuộc xung đột đẫm máu tại Syria, Iraq và Afghanistan.
Liên Hiệp Quốc cho biết hơn 46.000 người đã đến Hi Lạp trong hơn ba tuần qua và hơn 170 người thiệt mạng trong các chuyến hải trình nguy hiểm trên những con tàu thiếu các điều kiện an toàn.
Giữa tuần này, Chính phủ Hi Lạp cũng đã phản ứng trước các kết luận trong một bản dự thảo báo cáo của Uỷ ban châu Âu (EC) cho rằng Hi Lạp “rất lơ là” trách nhiệm trong việc kiểm soát đường biên giới bên ngoài khu vực miễn thị thực Schengen của châu Âu.
Người phát ngôn Chính phủ Hi Lạp Olga Gerovasili cáo buộc EC đang “chơi trò đổ lỗi” và đã thất bại trong việc thực hiện một chương trình được thông qua trong năm 2015 để di chuyển và bố trí nơi đến cho hàng chục ngàn người di cư bị mắc kẹt ở Hi Lạp.
Bất ổn an ninh tại trại tị nạn
Thuỵ Điển với dân số khoảng 9,8 triệu người là một trong những quốc gia đã tiếp nhận số người tị nạn lớn nhất trong Liên minh châu Âu. Cùng với Đức, Thuỵ Điển là một trong những điểm đến hàng đầu với những người nhập cư và tị nạn đến châu Âu một cách bất hợp pháp.
Trong tuần này, các quan chức Thuỵ Điển kêu gọi tăng cường an ninh tại các trại tị nạn sau khi xảy ra một vụ tấn công nghiêm trọng nhằm vào một nhân viên hỗ trợ. Kẻ tấn công là một thiếu niên 15 tuổi đang sống trong trại tị nạn dành cho những người trong độ tuổi từ 14 đến 17 không có người thân đi cùng tại Molndal.
Truyền thông Thuỵ Điển cho biết nhân viên bị đâm đến chết là Alexandra Mezher (22 tuổi) có gia đình gốc Libăng. Cảnh sát vẫn chưa công bố động cơ của vụ tấn công.
Cái chết của nhân viên Mezher cũng dẫn đến hàng loạt câu hỏi về tình trạng quá tải tại một số trại tị nạn, nơi vốn có quá ít người lớn và nhân viên để trông nom và quản lý các em nhỏ bị sang chấn tâm lý vì chiến tranh tại quê nhà này.
BBC dẫn lời các quan chức di trú cho biết khoảng 35.400 thiếu niên không người thân thích đã nộp đơn xin tị nạn ở Thuỵ Điển trong năm 2015, gấp 5 lần so với năm 2014.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron đã từ chối lời kêu gọi tiếp nhận hàng ngàn trẻ tị nạn bị chia cắt với cha mẹ trên hành trình đến châu Âu tìm cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, Anh đã đề nghị tái định cư cho những trẻ em bị tổn thương đến từ các trại tị nạn gần Syria và hỗ trợ trẻ em di cư tại châu Âu.