Thi nhiều môn, nhiều cơ hội xét tuyển
Ý tưởng tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia đã được đưa ra từ năm 2007, với mong muốn sẽ triển khai từ năm 2009. Tuy nhiên trên thực tế đến năm 2015, điều này mới trở thành hiện thực.
Thi nhiều môn, nhiều cơ hội xét tuyển
Ý tưởng tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia đã được đưa ra từ năm 2007, với mong muốn sẽ triển khai từ năm 2009. Tuy nhiên trên thực tế đến năm 2015, điều này mới trở thành hiện thực.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Mở TP.HCM kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 – Ảnh: Như Hùng |
Đây thật sự là một thay đổi rất lớn trong thi cử, vì lần đầu tiên khâu thi và khâu xét tuyển được tách riêng sau hàng chục năm loay hoay trong cải tiến, cải cách tuyển sinh.
Khâu thi đã trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều cho học sinh, khi số môn thi từ 6 môn trước đây chỉ còn 4 môn tối thiểu, trong đó có 3 môn bắt buộc (toán, văn, ngoại ngữ) và 1 môn tự chọn. Trong khâu xét tuyển, thí sinh và trường ĐH, CĐ gặp nhau ở các môn thi mà thí sinh đã dự thi trong kỳ thi trước đó, và nhà trường đưa ra thành tổ hợp (thường là 3 môn) để xét tuyển.
Sự khác nhau giữa hai cụm thi
Thống kê trên quy mô cả nước cho thấy môn lý và môn hóa có tỉ lệ cao nhất trong số các môn tự chọn:
(*): Năm 2015, môn ngoại ngữ là môn bắt buộc, nhưng ở các địa phương khó khăn trong tổ chức dạy môn ngoại ngữ thì có thể thay thế bằng môn thi khác.
Tuy nhiên, tỉ lệ chọn các môn tự chọn lại rất khác nhau giữa các cụm thi do các trường ĐH chủ trì và các cụm thi do các sở GD-ĐT chủ trì.
Khảo sát tại 4 cụm thi địa phương lớn nhất nước (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội, Đồng Nai, mỗi cụm đều có trên 10.000 thí sinh) và tại các cụm thi nhỏ nhất (trên dưới 1.000 thí sinh) cho thấy tại các cụm địa phương, môn thi được thí sinh chọn nhiều nhất lại là môn địa lý, với tỉ lệ chọn xấp xỉ 70%; trong khi tại các cụm thi do các trường ĐH chủ trì thì tỉ lệ này dao động xung quanh khoảng 20%.
Tình hình hoàn toàn ngược lại đối với môn lý: tỉ lệ chọn môn lý tại các cụm địa phương rất thấp, thậm chí có cụm chỉ khoảng 5% (Hà Nội), trong khi tỉ lệ chọn môn lý ở các cụm thi ĐH lại rất cao, trong khoảng 60-70%.
Qua các số liệu thống kê có thể thấy rằng về cơ bản, việc chọn môn thi của học sinh là không thay đổi nhiều lắm trong 2 năm cải cách thi cử. Nhưng chắc chắn việc chọn môn cũng dựa trên định hướng mục tiêu của thí sinh là chỉ để xét tốt nghiệp, hay dùng kết quả này để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Việc giảm nhẹ tỉ lệ đăng ký thi môn hóa năm 2015 (có trong tổ hợp khối thi truyền thống A và B) có thể giải thích là: chỉ cần với 4 môn thi tối thiểu toán, văn, ngoại ngữ, lý thì các thí sinh cũng có thể đăng ký xét tuyển vào 2 khối thi truyền thống là khối D (toán, văn, ngoại ngữ) và khối A1 (toán, lý, ngoại ngữ).
Tỉ lệ chọn môn địa lý trong 2 kỳ thi THPT năm 2014 và THPT quốc gia 2015 lại khá cao, có hơn 1/3 tổng số học sinh đã chọn môn địa lý là môn thi tốt nghiệp, và đặc biệt tại các cụm thi địa phương thì tỉ lệ chọn môn địa lý càng cao hơn nữa. Lý giải cho việc chọn này, nhiều học sinh cho rằng việc được phép sử dụng Atlat địa lý trong phòng thi khiến thí sinh tự tin hơn khi làm bài thi.
Thí sinh các trường chuyên chọn nhiều môn thi hơn
Tính chung trên cả nước, tỉ lệ thí sinh thi 4 môn nhỉnh hơn phân nửa (50,5%), trong khi số thí sinh thi 5 môn trở lên chỉ chiếm 38% (khoảng 10% thí sinh đã tốt nghiệp từ những năm trước, chỉ chọn thi 3 môn để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ).
Đương nhiên gần như 100% thí sinh dự thi tại các cụm thi địa phương chỉ thi 4 môn tối thiểu để xét tốt nghiệp, vì các thí sinh này có thi nhiều hơn 4 môn cũng chẳng để làm gì (không được cấp giấy chứng nhận kết quả thi).
Ở các cụm thi do các trường ĐH chủ trì, tỉ lệ thí sinh chọn môn thi từ 5 môn trở lên vào khoảng 43%. Đặc biệt, ở hầu hết các trường chuyên đều trên 50%, thậm chí có trường tỉ lệ thí sinh chọn từ 5 môn trở lên chiếm đến gần 70%.
Thế nhưng, tuyệt đại đa số đều dừng ở mức 6 môn thi, số thí sinh chọn thi 7 hoặc 8 môn rất ít (chỉ hơn 0,4%). Điều này trùng khớp với số môn thi tốt nghiệp THPT hằng năm trước đây (trước năm 2014), và cũng đủ để thí sinh thi 6 môn có nhiều lựa chọn khi đăng ký xét tuyển theo khối thi truyền thống (xem bảng).
Lưu ý là do quy định phải dành 75% chỉ tiêu của năm 2015 để xét tuyển theo các khối thi truyền thống, nên dù trong kỳ xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ năm 2015 có đến hơn 100 tổ hợp 3 môn xét tuyển, nhưng phần lớn thí sinh vẫn có khuynh hướng đăng ký thi các môn để có thể tổ hợp thành các khối thi truyền thống A, A1, B, C, D.
Chỉ có khác với trước đây, khi còn kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ tách biệt thì đa số thí sinh (trên dưới 50% hằng năm) đăng ký thi khối A, còn với quy định các môn thi bắt buộc trong kỳ thi THPT quốc gia là toán, văn, ngoại ngữ thì khối D đương nhiên trở thành lựa chọn tiềm năng của hầu hết thí sinh.
Số liệu của kỳ thi năm 2015 cho thấy tuy có sụt giảm nhưng xu hướng thí sinh chọn thi để xét tuyển theo khối A truyền thống vẫn còn rất cao.
Mặc dù hiện nay nhiều trường ĐH, CĐ có bổ sung nhiều tổ hợp môn xét tuyển mà trước đây chưa có như văn – sử – Anh, văn – địa – Anh…, tuy nhiên việc chọn lựa tổ hợp môn đăng ký xét tuyển của thí sinh vẫn còn theo quán tính.
Do vậy, các trường ĐH, CĐ cần cung cấp thông tin đầy đủ hơn về các tổ hợp môn xét tuyển cho học sinh, để ngay khi làm hồ sơ đăng ký dự kỳ thi THPT quốc gia 2016, học sinh có thể định hướng chọn môn thi phù hợp với việc đăng ký xét tuyển sau này.