23/01/2025

Lãnh đạo Đài Loan đến Ba Bình

Phớt lờ sự phản đối của các nước, lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu đã đến đảo Ba Bình trong âm mưu củng cố chủ quyền phi lý mà Đài Bắc chiếm đóng phi pháp.

 

Lãnh đạo Đài Loan đến Ba Bình

 

Phớt lờ sự phản đối của các nước, lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu đã đến đảo Ba Bình trong âm mưu củng cố chủ quyền phi lý mà Đài Bắc chiếm đóng phi pháp.





Ông Mã Anh Cửu (thứ hai, từ phải sang) tại Ba Bình ngày 28.1.2016 - Ảnh: AFP

Ông Mã Anh Cửu (thứ hai, từ phải sang) tại Ba Bình ngày 28.1.2016 – Ảnh: AFP


Theo AFP, với đoàn tháp tùng gồm khoảng 30 người, ông Mã Anh Cửu đã rời khỏi Đài Bắc vào sáng sớm 28.1 trên máy bay vận tải quân sự C-130 trực chỉ đảo Ba Bình cách đó 1.600 km.
Ba Bình là thực thể tự nhiên có diện tích lớn nhất tại Trường Sa nhưng đang bị Đài Bắc chiếm đóng phi pháp. Nơi đây có lực lượng đồn trú khoảng 200 người, gồm các đội tuần duyên, khoa học gia và nhân viên y tế (quản lý bệnh viện nhỏ gồm 10 giường bệnh). Trong bài phát biểu trước lực lượng đồn trú, ông Mã ngang ngược nói rằng quần đảo Trường Sa là “lãnh thổ cố hữu” của Đài Loan.
Đài Loan hiện chi hơn 100 triệu USD để nâng cấp đường băng phi pháp trên đảo và xây dựng cầu tàu có khả năng tiếp nhận các tàu tuần tra có độ choán nước 3.000 tấn. AP dẫn lời nhà phân tích Bonnie Glaser của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington nhận định: “Nhà lãnh đạo Mã xem việc mở rộng lợi ích lãnh hải của Đài Loan là một phần trong di sản chính trị sau nhiều năm cầm quyền”. Ông Mã là lãnh đạo Đài Loan đầu tiên đến Ba Bình kể từ khi người tiền nhiệm Trần Thủy Biển đến nơi này vào tháng 2.2008.
Chuyến đi mang tính khiêu khích của ông Mã đã bị các nước như Mỹ, Philippines chỉ trích gay gắt, cho rằng đó là hành động “vô bổ” đối với nỗ lực giải quyết tranh chấp tại khu vực. “Thẳng thắn mà nói chúng tôi thất vọng”, theo CNA dẫn lời ông Mark Toner, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ. Nhân dịp này, ông Toner cũng một lần nữa phản đối các hoạt động xây cất phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông. Còn phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose tuyên bố: “Chúng tôi nhắc nhở mọi bên liên quan về trách nhiệm chung nhằm kiềm chế thực hiện cách hành động có thể gia tăng căng thẳng ở Biển Đông”.
Một ngày trước khi ông Mã đến Ba Bình, Đài Loan đã triển khai cuộc tập trận rầm rộ trong nỗ lực chứng tỏ năng lực phòng thủ của mình. Theo AFP, tổng cộng 8 tàu chiến đã tham gia diễn tập ngoài khơi thành phố Cao Hùng trong khi các đội người nhái tinh nhuệ đã đổ bộ lên đảo Kim Môn, nằm sát đảo Hạ Môn thuộc tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc.
Yêu cầu Đài Loan chấm dứt vi phạm chủ quyền Việt Nam
Đây là tuyên bố được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đưa ra ngày 28.1, khi trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước chuyến đi của ông Mã Anh Cửu.
Ông Lê Hải Bình tái khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền không tranh cãi của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo ông Lê Hải Bình, việc lãnh đạo Đài Loan, bất chấp quan ngại của Việt Nam và của cộng đồng quốc tế, vẫn tiến hành chuyến đi đến đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại những phát biểu gần đây của phía Đài Loan mong muốn đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
“Chúng tôi kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Đài Loan chấm dứt ngay việc vi phạm chủ quyền của Việt Nam, không tái diễn các hành động tương tự, làm leo thang căng thẳng, phức tạp tình hình ở Biển Đông”, ông Lê Hải Bình tuyên bố.
Trường Sơn


Mỹ sẽ tăng cường quy mô tuần tra Biển Đông
Trả lời báo giới tại một hội nghị ở thủ đô Washington ngày 27.1, Đô đốc Harry Harris, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, cho hay các sứ mệnh tuần tra Biển Đông không những sẽ tiếp tục được triển khai mà còn được tăng cường về số lượng, quy mô và độ phức tạp. Đề cập đến việc tàu khu trục USS Lassen đi vào phạm vi 12 hải lý quanh một đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây phi pháp ở Trường Sa vào tháng 10 năm ngoái, ông Harris nói: “Sẽ có thêm nhiều chiến dịch như vậy trong thời gian tới”. Đô đốc Mỹ cũng cảnh báo giới lãnh đạo Washington phải luôn duy trì ưu thế quân sự trước Trung Quốc tại Thái Bình Dương, đồng thời liệt kê các loại vũ khí, khí tài quân sự hiện đại đang nối đuôi nhau đến khu vực, như chiến đấu cơ F-35, siêu chiến hạm lớp Zumwalt, tàu sân bay hạt nhân lớp Gerald R.Ford, trực thăng V-22 Osprey và máy bay trinh sát P-8A Poseidon.

Thuỵ Miên