23/01/2025

Mỹ nói Mã Anh Cửu thăm đảo Ba Bình “cực kỳ vô ích”

Mỹ đã lên tiếng chỉ trích lãnh đạo Đài Loan Mã 
Anh Cửu lên kế hoạch ra đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và gọi đây là hành động “cực kỳ vô ích”.

 

Mỹ nói  Mã Anh Cửu thăm đảo Ba Bình “cực kỳ vô ích”

 

 

Mỹ đã lên tiếng chỉ trích lãnh đạo Đài Loan Mã 
Anh Cửu lên kế hoạch ra đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và gọi đây là hành động “cực kỳ vô ích”.

 

 

 

 

Mỹ nói  Mã Anh Cửu thăm đảo Ba Bình "cực kỳ vô ích"
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh. Ông Kerry muốn tìm giải pháp giảm nhiệt tại Biển Đông – Ảnh: Reuters

Ngày 27-1, chính quyền Đài Loan thông báo ông Mã Anh Cửu sẽ bay ra đảo Ba Bình hôm nay (28-1) để chúc Tết Nguyên đán những người đang cư trú trái phép trên đảo này, chủ yếu là lực lượng tuần duyên và học giả về môi trường.

Theo Reuters, chuyến đi một ngày ra đảo Ba Bình của ông Mã diễn ra trong bối cảnh quốc tế đang quan ngại về tình hình căng thẳng trên Biển Đông và khiến Viện Mỹ ở Đài Loan (AIT) – nơi được coi như cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ ở vùng lãnh thổ này – phải lên tiếng.

“Cực kỳ vô ích”

Bà Sonia Urbom, người phát ngôn của AIT, tuyên bố: “Chúng tôi thất vọng về việc ông Mã Anh Cửu lên kế hoạch ra đảo Ba Bình. Những hành động như vậy cực kỳ vô ích và sẽ không đóng góp gì cho giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp ở Biển Đông”.

Bà Urbom nói thêm rằng Mỹ muốn Đài Loan cũng như các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông giảm căng thẳng, không có những hành động leo thang tình hình.

Đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trên đảo Ba Bình, Đài Loan cũng vừa hoàn tất công trình nâng cấp trái phép cảng tại đây trị giá 100 triệu USD và xây một ngọn hải đăng trái phép khác trên đảo.

Kế hoạch ra đảo Ba Bình của ông Mã diễn ra sau chiến thắng trong cuộc bầu cử của Đảng Dân tiến Đài Loan (DPP) đối lập. Theo Reuters, văn phòng của ông Mã đã gửi yêu cầu lãnh đạo DPP Thái Anh Văn cử một đại diện đi cùng. Nhưng DPP từ chối yêu cầu này và nói không có dự định làm điều đó.

Hôm 16-1, khi kết quả bầu cử sơ bộ được công bố vào buổi tối, bà Thái Anh Văn đã lên tiếng đề cập đến vấn đề Biển Đông, theo đó bà thông báo quan điểm của mình là ủng hộ tự do hàng hải và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Phản ứng trước kế hoạch ông Mã ra đảo Ba Bình, chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế và văn hoá Việt Nam tại Đài Bắc Trần Duy Hải hôm 27-1 đã lên tiếng “kiên quyết phản đối” hành động này.

Reuters dẫn lời ông Hải nói: “Nếu ông Mã thực hiện chuyến đi, điều đó sẽ làm tăng căng thẳng 
trong khu vực”.

Mỹ muốn tìm giải pháp cho Biển Đông

Trong chuyến công du đến Bắc Kinh, hôm qua Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng Washington và Bắc Kinh cần tìm một giải pháp giảm căng thẳng ở Biển Đông.

Theo Reuters, trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ông Kerry nói rằng hai nước cần nỗ lực để có những tiến bộ trước “những quan ngại và hoạt động ở Biển Đông”.

AFP dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên nói những căng thẳng liên tục và cách hành xử gây rắc rối của Trung Quốc ở Biển Đông là điều ông Kerry lưu tâm và muốn thảo luận sâu với phía Trung Quốc.

Ngoại trưởng Kerry nêu rõ Mỹ “quan ngại về các hoạt động ở Biển Đông”, đồng thời kêu gọi Trung Quốc ngừng các hoạt động cải tạo và xây dựng tại những khu vực có tranh chấp.

Theo Reuters, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng lên tiếng cam kết sẽ “không quân sự hoá ở Biển Đông”. Trước phản ứng của nhiều nước trong thời gian qua cho rằng Bắc Kinh nói không đi đôi với làm, ông Vương Nghị nhấn mạnh Trung Quốc sẽ không chấp nhận “cáo buộc” đó.

Theo Reuters, Bắc Kinh vẫn khăng khăng đòi giải quyết song phương các tranh chấp trên Biển Đông. Sau cuộc họp với ông Vương Nghị, ông Kerry có cuộc gặp với Uỷ viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và sau đó là với Chủ tịch Trung Quốc 
Tập Cận Bình.

Trung Quốc là chặng dừng chân cuối cùng của ngoại trưởng Mỹ trong chuyến công du châu Á đầu năm nay.

Trước đó, trong các chuyến thăm Lào và Campuchia, ông Kerry đã kêu gọi hai thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) này tham gia một mặt trận thống nhất nhằm tìm các giải pháp hoà bình cho tranh chấp ở Biển Đông.

Kêu gọi Trung Quốc kiềm chế Bình Nhưỡng

Theo Hãng tin AP, phát biểu với các phóng viên trước cuộc họp với Ngoại trưởng Vương Nghị, ông Kerry kêu gọi Trung Quốc kiềm chế các hoạt động hạt nhân của Triều Tiên.

Ông Kerry cho rằng Triều Tiên “là một thách thức lớn đối với an ninh toàn cầu” và Mỹ muốn Trung Quốc có quan điểm cứng rắn hơn trong việc hối thúc Bình Nhưỡng chấm dứt các vụ thử hạt nhân.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là đồng minh ngoại giao chủ chốt của Triều Tiên. Trung Quốc đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ về vụ thử hạt nhân lần thứ tư của Triều Tiên vì không tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.

THU ANH