23/12/2024

Doanh nghiệp Việt vươn tay ra nước ngoài

Đầu tư trực tiếp, hay thông qua việc mua bán sáp nhập những thương hiệu địa phương… là những giải pháp mà hàng loạt doanh nghiệp VN đã và đang đẩy mạnh để tiếp cận thị trường nước ngoài nhanh nhất.

 

Doanh nghiệp Việt vươn tay ra nước ngoài

 


Đầu tư trực tiếp, hay thông qua việc mua bán sáp nhập những thương hiệu địa phương… là những giải pháp mà hàng loạt doanh nghiệp VN đã và đang đẩy mạnh để tiếp cận thị trường nước ngoài nhanh nhất.





Gian hàng với nhãn hiệu nhượng quyền của Garmex ở Mỹ - Ảnh: Lê Quang

 

Gian hàng với nhãn hiệu nhượng quyền của Garmex ở Mỹ – Ảnh: Lê Quang

 


Tháng 7.2015, Công ty cổ phần SX – TM may Sài Gòn (Garmex) chính thức mua lại một thương hiệu thời trang thể thao tại Mỹ. Hợp đồng được ký kết trong 5 năm, Garmex trả phí bằng 3% doanh thu hằng năm cho đối tác.

Thâm nhập sâu thị trường
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Garmex Lê Quang Hùng, công ty sẽ được quyền phát triển, thiết kế và sản xuất sản phẩm dưới tên thương hiệu này tại thị trường Mỹ và châu Âu (thỏa thuận chưa được phép công bố tên trong thời điểm ban đầu), riêng tại thị trường châu Á thương hiệu này do Tập đoàn Itochu của Nhật khai thác. Trước mắt, Garmex sẽ tập trung sản xuất và kinh doanh tại thị trường Mỹ thông qua bán hàng qua Amazon và tại hệ thống cửa hàng có sẵn tại 7 tiểu bang. Công ty đặt ra kỳ vọng doanh thu trong năm nay sẽ đạt hơn 1 triệu USD và từ năm 2018 trở đi, doanh thu sẽ tăng lên khoảng 15 triệu USD.
“Nếu như với tên Garmex thì sẽ khó đưa hàng hóa vào các cửa hàng của Mỹ thì với tên thương hiệu này công ty có thể cung ứng hàng trực tiếp cho người tiêu dùng ở nước sở tại. Từ đó có thể mở rộng thị trường Mỹ theo phương thức bán hàng trực tiếp, giảm tỷ lệ gia công… Hơn nữa, công ty cũng sẽ giảm bớt được những rủi ro theo mùa vụ sản xuất vì phụ thuộc hoàn toàn vào đơn đặt hàng từ các khách hàng như trước đây”, ông Lê Quang Hùng chia sẻ.


Hơn 20 tỉ USD đầu tư ra nước ngoài
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính luỹ kế đến hết tháng 10.2015, VN đã có hơn 1.032 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 20,4 tỉ USD. Thị trường đầu tư ra nước ngoài vẫn tập trung nhiều tại một số thị trường truyền thống như Lào, Campuchia, Myanmar, Mỹ, Nga, Venezuela… Về lĩnh vực đầu tư, DN VN tập trung đầu tư vào ngành khai khoáng là nhiều nhất (111 dự án và 5,1 tỉ USD vốn đầu tư, chiếm 11,5% tổng số dự án và 34% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là ngành nông, lâm, ngư nghiệp và trong những năm gần đây, có thêm những dự án ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác như thông tin, truyền thông, sản xuất điện, bất động sản, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…


Trước đó, Garmex đã chính thức thành lập chi nhánh tại Mỹ từ cuối năm 2013 với vốn đầu tư 300.000 USD và được tăng vốn lên gấp đôi vào cuối năm 2015. Năm 2014, doanh thu từ chi nhánh đạt hơn 1 triệu USD và đã chuyển lợi nhuận về VN được hơn 30.000 USD, dự kiến năm 2015 doanh thu và lợi nhuận cũng có mức tương đương. Việc mua lại các thương hiệu nước ngoài như Garmex đã được nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước thực hiện trước đó. Chẳng hạn cuối năm 2013, Công ty sữa VN (Vinamilk) đã mua lại 70% cổ phần của Công ty sữa Driftwood Dairy tại Mỹ; đầu tư 22,8% cổ phần tại Nhà máy Miraka ở New Zealand và nắm giữ 51% cổ phần đầu tư nhà máy tại Campuchia, mở công ty con tại Ba Lan… Hay như Tập đoàn FPT mua lại Công ty công nghệ thông tin RWE IT Slovakia từ giữa năm 2014 và RWE sẽ trở thành khách hàng lớn nhất của FPT Software tại châu Âu, với hợp đồng trị giá 80 triệu USD trong vòng 5 năm. Lãnh đạo FPT cho biết thỏa thuận này không chỉ đơn thuần là việc FPT có thêm một công ty con và khoản doanh thu kỳ vọng 80 triệu USD trong vòng 5 năm, mà còn là cơ hội có được những khách hàng mới tại châu Âu, Nhật Bản, Mỹ…

Khát vọng và sự quyết tâm
Theo nhận định của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch – Đầu tư), hoạt động đầu tư ra nước ngoài của DN VN có tính đa dạng hơn so với thời gian trước, về cả thị trường lẫn lĩnh vực đầu tư. Bên cạnh dòng vốn của DN nhà nước như Viettel, Vinamilk, Tập đoàn cao su VN, các ngân hàng có vốn nhà nước… thì đầu tư của khối tư nhân BKAV, Tôn Hoa Sen, Kym Đan, Hoàng Anh Gia Lai…
Trong đó, Tập đoàn Viettel được biết đến như một trong những đơn vị có hoạt động ở nước ngoài rất mạnh. Hiện nay Viettel đã có mặt tại 10 nước và có 6 thị trường đã có lãi. Doanh thu từ hoạt động tại nước ngoài của Viettel năm qua đạt gần 1,5 tỉ USD, tăng trưởng 25% so với năm trước đó. Tương tự, chiến lược toàn cầu hoá cũng được FPT triển khai mạnh mẽ. Doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT trong 11 tháng năm 2015 tăng trưởng 35% so với cùng kỳ, đạt 4.154 tỉ đồng, tương đương 189 triệu USD. Dự kiến đến cuối năm sẽ đạt con số tăng trưởng khoảng 40% so với năm 2014. Đáng chú ý là thị trường Nhật, Mỹ và châu Âu đạt mức tăng trưởng cao. Chia sẻ kinh nghiệm, ông Trần Xuân Khôi, Giám đốc FPT Nhật Bản, cho rằng: Nhật Bản được xem là thị trường khó tính, trước hết do họ đặt yêu cầu về chất lượng ở mức cao nhất thế giới. Họ không chỉ yêu cầu phải có được một sản phẩm tốt mà cả quá trình sản xuất ra sản phẩm đó cũng cần phải hoàn hảo. Tiếp đến, người Nhật đòi hỏi các đối tác phải hiểu cách làm của họ, hiểu cách nghĩ của họ và làm đúng như họ yêu cầu, cũng như phải tuân thủ rất nhiều quy tắc trong cả công việc và giao tiếp xã hội.
“Ngoài những vấn đề cần phải có như học tiếng Nhật vì người Nhật chưa sẵn sàng làm việc bằng tiếng Anh với đối tác, hiểu rõ về văn hoá của nước sở tại từ cái nhỏ nhất như cách chào hỏi, thì điều quan trọng nhất để FPT vào được thị trường này là tinh thần quyết tâm của cán bộ nhân viên. Chúng tôi thực sự đã học hỏi không ngừng để lấy được niềm tin của khách hàng Nhật Bản. Chúng tôi muốn chứng minh với khách hàng, người VN có thể vượt qua mọi khó khăn trở ngại để đạt đến đẳng cấp thế giới”, ông Trần Xuân Khôi nói.

Mai Phương