24/01/2025

Lãng phí đào tạo cử tuyển

Theo chủ trương, sinh viên cử tuyển được nhà nước hỗ trợ chính sách trong đào tạo, sẽ được bố trí công việc sau khi tốt nghiệp.

Lãng phí đào tạo cử tuyển

 

 

Theo chủ trương, sinh viên cử tuyển được nhà nước hỗ trợ chính sách trong đào tạo, sẽ được bố trí công việc sau khi tốt nghiệp.



 


Triệu Tòn Chiêu với tấm bằng tốt nghiệp nhưng gần 4 năm nay vẫn chưa xin được việc - Ảnh: Nam Anh

 

Triệu Tòn Chiêu với tấm bằng tốt nghiệp nhưng gần 4 năm nay vẫn chưa xin được việc – Ảnh: Nam Anh


Thế nhưng trên thực tế, hàng loạt sinh viên diện này ra trường vừa không có việc làm, vừa vướng cảnh nợ nần sau thời gian học ĐH.
Theo quy định về chế độ cử tuyển, các địa phương phải căn cứ tình hình thực tế, nguồn nhân lực và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội phân bổ các chỉ tiêu cử tuyển để sau đó sinh viên (SV) ra trường sẽ được bố trí vào những vị trí còn thiếu hụt nhân lực, tạo sức bật cho địa phương.
Tuy nhiên, nhiều nơi lại thực hiện cử tuyển xa rời thực tế, dẫn đến tình trạng SV hệ cử tuyển rơi vào cảnh không công ăn việc làm, nợ nần chồng chất, địa phương không tạo ra sức bật từ nguồn nhân lực cử tuyển như kỳ vọng ban đầu.
Học xong về nuôi gà
Sau khi học xong lớp 12, Ma Văn Thọ (26 tuổi, quê H.Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên) nhận được thông báo của xã về việc tuyển sinh hệ cử tuyển khoa kế toán Trường ĐH Kinh tế – Quản trị kinh doanh Thái Nguyên năm 2007. “Lúc đó em sung sướng lắm. Em nghĩ đó là bước ngoặt của cuộc đời. Em sẽ có cuộc sống tốt hơn, có công ăn việc làm, thoát được nỗi ám ảnh về cảnh bần hàn, chân lấm tay bùn của bố mẹ…”, Thọ nhớ lại.
Thế nhưng sau hơn 4 năm đèn sách, giờ Thọ phải đi làm thuê để kiếm tiền. Thọ kể, sau khi ra trường, anh cũng nộp hồ sơ đến Sở GD-ĐT và Sở Nội vụ Thái Nguyên để chờ sắp xếp công việc. Nhưng chờ hoài chẳng thấy tin gì nên ở nhà chăn nuôi… 30 con gà và mấy con lợn để cải thiện cuộc sống. Có lúc Thọ đi vác gỗ thuê một ngày lấy 150.000 đồng nhưng công việc rất bấp bênh. Sau mấy năm lăn lộn mưu sinh, Thọ đi lơ xe với mức lương 2 – 3 triệu đồng/ tháng. Giờ Thọ lại quyết định học lái xe với hy vọng kiếm “cần câu cơm” khác…
Triệu Tòn Chiêu (27 tuổi, ngụ H.Văn Yên, tỉnh Yên Bái) cũng học hệ cử tuyển năm 2007 của Trường ĐH Kinh tế – Quản trị kinh doanh Thái Nguyên. Sau khi ra trường, Chiêu đi hỏi khắp nơi nhưng không xin được việc. Vì đã nhiều tuổi nên các công ty, nhà máy không nhận làm công nhân, Chiêu trở về lấy vợ rồi theo bố đi buôn quế. “Mỗi năm, địa phương có cả chục sinh viên tốt nghiệp cử tuyển. Số lượng người đông như vậy chắc chẳng đến lượt bọn em được sắp xếp việc làm. Trong khi đó, nhà nước lại đang tinh giảm biên chế, nên rất khó xin việc”, Chiêu cho biết.
Về xã thì cần gì “quản trị kinh doanh”
Trần Văn Kỳ (28 tuổi, ngụ xã Tình Húc, H.Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) cho biết năm 2007 được cử đi học tại Trường ĐH Kinh tế – Quản trị kinh doanh Thái Nguyên. Đến cuối năm 2012, Kỳ ra trường với tấm bằng hạng khá. Sau đó, anh đem hồ sơ đến Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh nộp và đề nghị sắp xếp việc làm. Kể từ đây, Kỳ bước vào giai đoạn vật vã xin việc.
Sau khi nộp hồ sơ, Kỳ được các cán bộ của sở viết giấy giới thiệu về Phòng Nội vụ H.Bình Liêu để xin sắp xếp công việc. Đến Phòng Nội vụ huyện, Kỳ nhận được câu trả lời “chuyên ngành quản trị kinh doanh không phù hợp với nhu cầu của địa phương”. Kỳ tiếp tục tìm hiểu xem có nơi nào cần ngành này thì xin việc, nhưng chỉ nhận được phản hồi “về xã thì cần gì quản trị kinh doanh”.
Hơn nửa năm, Kỳ trở lại Phòng Nội vụ H.Bình Liêu để hỏi thì nhận câu trả lời “chưa bố trí được công việc”. Sau đó vài tháng, Kỳ tiếp tục đến Phòng Nội vụ huyện hỏi. Lần này, anh nhận được câu trả lời là các vị trí ở huyện, xã đã đủ, không thể nhận thêm người. Lần gần nhất Kỳ đến Phòng Nội vụ H.Bình Liêu thì được phản hồi “huyện đang tinh giảm biên chế, cán bộ hợp đồng còn phải xem xét lại, chứ đừng nói đến chuyện thêm người mới”.
Tâm sự với chúng tôi, đôi mắt Kỳ đỏ hoe, giọng cay đắng: “Nhiều bạn học cử tuyển như em ở Quảng Ninh cũng chưa xin được việc. Cách đây mấy năm, có lần chúng em rủ nhau đến cơ quan chức năng hỏi việc làm nhưng tất cả đều phải ra về trong thất vọng”.
Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, rất nhiều trường hợp ra trường không xin được việc làm là do nhu cầu thực tế của chính quyền và ngành nghề đào tạo không khớp nhau. Triệu Tòn Chiêu là một ví dụ. Với ngành kế toán, Chiêu không thể xin việc ở tỉnh, huyện và cả xã bởi nhân lực làm kế toán ở những vị trí này đã đủ cả. Đi đến đâu, Chiêu cũng nhận lời từ chối không thể sắp xếp được vị trí làm việc.
Hàng chục SV cử tuyển của H.Văn Yên (tỉnh Yên Bái) ra trường nhưng chưa có việc làm. Hoàng Thị Hậu (28 tuổi, ngụ xã Mỏ Vàng) học chuyên ngành kỹ thuật của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, tốt nghiệp năm 2012 mà đến nay không tìm được công việc nào, kể cả xin làm công nhân ở các nhà máy ở Bắc Ninh, Thái Nguyên.
Hôm chúng tôi đến nhà, chị Hậu trên rừng với mẹ chồng đi phát cỏ trồng quế. Khi được hỏi về công ăn việc làm, chị ngoảnh mặt đi nơi khác không nói năng gì. Mẹ đẻ của chị – bà Lò Thị On cho biết: “Từ ngày ra trường không có việc làm, đi làm công nhân không xong, bỗng nó trở nên lầm lì trông thấy. Ai hỏi đến việc làm nó chỉ lặng im, thở dài. Giờ đã cạn niềm tin rồi thì đi lấy chồng, lên rừng trồng cây, hái quả kiếm miếng ăn hằng ngày”.
Nợ nần chồng chất

Nhiều trường hợp SV tốt nghiệp cử tuyển không có việc làm nên không có tiền trả nợ do phải vay thêm tiền đi học.
Theo quy định, người được cử đi học tại các trường ĐH, CĐ, TC sẽ được miễn hoàn toàn học phí và thêm tiền trợ cấp hằng tháng. Tuy nhiên, so với điều kiện kinh tế của SV vùng cao và điều kiện chi tiêu ở thành phố thì số tiền trợ cấp không đủ. Do đó, khi được cử đi học, đa số SV cử tuyển phải lo thêm chi phí sinh hoạt.
Ngô Văn Ký (28 tuổi, quê tỉnh Quảng Ninh) cho biết ngoài tiền trợ cấp của nhà nước, anh còn phải bỏ ra 1,4 triệu đồng/tháng. Số tiền này phải đi vay ngân hàng, thậm chí vay nặng lãi. Khi ra trường, Ký nợ hơn 20 triệu đồng. “Ở quê em, làm quanh năm mà vẫn không đủ ăn thì đâu có sẵn tiền để con cái đi học. Ai đi học cũng phải vay lãi ngân hàng hoặc vay nóng ở ngoài hết. Nếu không bố trí được việc làm cho chúng em thì thà đừng có cử tuyển. Như vậy nhà nước sẽ tốn một khoản hỗ trợ, mà cuộc đời chúng em cũng chật vật. Trước đây, khi học xong lớp 12, em định xin vào các nhà máy đi làm công nhân rồi tiết kiệm tiền tìm cách làm ăn. Giờ thì cái gì cũng dang dở”, Ký ngao ngán.
Lò Văn Thu (29 tuổi, dân tộc Thái, trú tỉnh Sơn La) sau khi tốt nghiệp nợ đến 36 triệu đồng cả ngân hàng và vay ngoài, giờ vẫn tìm mọi cách kiếm tiền trả nợ. “Các bạn học cử tuyển cùng lớp với em gần như chưa có ai xin được việc. Còn chuyện nợ nần sau khi ra trường thì nhiều người dính phải lắm”, Thu cho biết.

Hà An – Nam Anh