25/01/2025

​Chộn rộn “chợ” tiền lì xì

Dù bị xem là vi phạm pháp luật nhưng dịch vụ đổi tiền lì xì, tiền lẻ thu phí vẫn diễn ra khá nhộn nhịp.

 

​Chộn rộn “chợ” tiền lì xì

 

 

Dù bị xem là vi phạm pháp luật nhưng dịch vụ đổi tiền lì xì, tiền lẻ thu phí vẫn diễn ra khá nhộn nhịp.

 

 

 
 

 

Bộ tiền long, lân, quy, phụng sưu tầm từ bốn nước khác nhau - Ảnh: Hương Linh
Bộ tiền long, lân, quy, phụng sưu tầm từ bốn nước khác nhau – Ảnh: Hương Linh

Không chỉ đổi tiền mới, tiền mệnh giá nhỏ mà nhiều loại ngoại tệ có hình con giáp của năm, tiền tứ linh cũng được mời chào sôi nổi, phí cao giá gấp vài lần so với giá trị tiền quy đổi, chưa kể đủ chiêu trò làm giá.

Cơ quan quản lý nhà nước khẳng định sẽ xử phạt nặng nếu phát hiện các hành vi trên.

Tiền lạ, độc, xuyên… quốc gia hút khách

Theo NHNN, tiền mệnh giá nhỏ được sử dụng không đúng chức năng gây ra lãng phí lớn cho xã hội trong việc in ấn, phát hành, kiểm đếm, phân loại, vận chuyển, bảo quản lượng tiền này.

Nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ tăng cao đã phát sinh hiện tượng kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch nhằm trục lợi cá nhân, ảnh hưởng đến việc lưu thông tiền tệ và môi trường, cảnh quan khu di tích, lễ hội.

Nhằm hạn chế tiêu cực trong kinh doanh tiền lẻ hưởng chênh lệch dịp Tết Nguyên đán, NHNN đã có văn bản đề nghị Bộ Công thương và Bộ Công an phối hợp tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức kinh doanh, dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch.

Những ngày gần đây, tại các cửa hàng có dịch vụ trao đổi tiền lì xì đều treo quảng cáo có đủ các loại tiền in hình con dê, sưu tầm từ khắp các quốc gia trên thế giới.

Theo anh Nguyễn Trường Chinh – chủ một cửa hàng kinh doanh tiền lì xì tại Q.Gò Vấp, mới vào đầu mùa nhưng tiền 1.000 shilling (tiền quốc gia Uganda) và 50 rupee (tiền quốc gia Nepal) được săn lùng và đặt hàng tới tấp.

“Mỗi đợt nhập về gần 2.000 tờ, bỏ mối cho khách sỉ cũng gần hết mà đơn đặt hàng vẫn còn nhiều nên chắc tui phải đặt tiếp”, anh Chinh cho hay.

Hiện tờ 1.000 shilling được bán với giá 40.000 đồng/tờ, cao gấp gần sáu lần so với giá trị quy đổi thực chỉ ở mức 7.700 đồng/tờ.

Còn tờ 50 rupee giá trị quy đổi thực khoảng 10.400 đồng/tờ, trong khi thị trường lại “hét” đến mức 70.000 đồng/tờ.

Hút khách không kém là bộ tiền tứ linh (long, lân, quy, phụng). Đây là bộ bốn tờ tiền in hình linh thú của các quốc gia Bhutan, Myanmar, Brazil, có giá bán khoảng 200.000 đồng/bộ.

Tuy giá bán cao gấp 11 lần so với tổng giá trị quy đổi, nhưng các cửa hàng hiện vẫn đang trong tình trạng khan hiếm hàng bán, khách đặt mua phải chờ đợi nhiều tuần liền.

Riêng những loại tiền quen thuộc 1 USD, 2 USD vẫn luôn có khách tìm mua. Ở thời điểm này giá bán lẻ tờ 1 USD khoảng 28.000 đồng/tờ, trong khi loại 1 USD được quảng cáo “sản xuất riêng cho năm Ất Mùi” được đẩy lên tới 350.000 đồng/tờ.

Còn loại 2 USD bán ra khoảng 50.000-55.000 đồng/tờ. Nhưng với những tờ 2 USD phát hành năm đặc biệt, ví dụ như năm 1976, 1963, 1953… lại có giá cao hơn, có thể lên đến vài triệu đồng mỗi tờ.

Ngoài bán lẻ từng tờ tiền, các cửa hàng còn bán theo từng thếp hoặc nguyên bản 32 tờ chưa cắt rời, mức giá thường cao gấp đôi so với mỗi tờ tiền bán rời.

Tờ tiền 50 rupee của Nepal được bán với giá cao gấp bảy lần giá quy đổi - Ảnh: Hương Linh
Tờ tiền 50 rupee của Nepal được bán với giá cao gấp bảy lần giá quy đổi – Ảnh: Hương Linh

Nhộn nhịp đổi tiền lì xì trên mạng

Nhưng sôi nổi nhất vẫn là dịch vụ đổi tiền lẻ từ trên mạng lẫn tại các cửa hàng. Cho dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định thu phí đổi tiền lẻ là sai quy định nhưng dịch vụ đổi tiền lẻ vẫn diễn ra công khai, mức phí đưa ra cao hơn hẳn giá trị tiền và đủ chiêu làm giá.

Thông thường các loại tiền mệnh giá 500, 1.000, 2.000, 5.000, đến dưới 50.000 đồng được đổi nhiều nhất theo mức phí từ 1-3 triệu phí 12%, 3-5 triệu phí 10%, trên 8 triệu là 8%.

Với loại tiền có mệnh giá càng nhỏ phí đổi càng cao. Ví dụ với tờ 500 đồng thì khi đổi ở các dịch vụ này, người đổi tiền phải trả mức phí 60-70%, các mệnh giá còn lại phí từ 6-14%.

Phí đổi còn tăng theo số xêri đẹp, có các dãy số tiến lên, lộc phát (68), thần tài (79) có giá cao hơn. Thành, một người kinh doanh đổi tiền lẻ trên mạng, cho biết ngoài đổi tiền lẻ để lì xì, đi chùa, nhiều khách hàng còn để kinh doanh cây tiền tài lộc. Đây là loại cây được xếp từ các loại tiền mệnh giá nhỏ.

Gõ từ khóa “tiền lì xì”, hàng loạt trang chuyên đổi tiền lì xì với đủ hình ảnh và quảng cáo hấp dẫn.

Trang “đổi tiền lì xì mới” đã tung ra hình ảnh về các bó tiền mới mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng. Khách hàng chỉ cần nhắn số lượng tiền cần đổi, loại mệnh giá vào hộp thư sẽ được báo giá cụ thể, mức phí bình quân 5-12% tùy số lượng đổi.

Chị Trang (Phú Nhuận) cho biết được chủ trang này báo mức phí 12% nếu đổi 1 triệu đồng tiền mới, còn nếu đổi 2 triệu đồng mức phí giảm còn 11%. Tương tự, nếu đổi 5 triệu phí còn 9,5%, đổi 10 triệu đồng phí giảm xuống 9% và số lượng không giới hạn.

Năm nay phổ biến nhất là loại mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng và 50.000 đồng. Tiền mới mệnh giá 2.000 đồng cũng có nhưng rất ít nên phí cao, riêng tiền mới loại 5.000 đồng hầu như không có.

Một trang khác là “Đổi tiền lì xì tết 2015” mức phí thấp hơn, chỉ 6% nhưng mỗi loại mệnh giá phải đổi từ 100 tờ trở lên.

Ngân hàng không có nhiều tiền mới

Trong khi đó, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, những ngày gần đây NHNN chi nhánh TP.HCM đã phân bổ tiền mới đến các ngân hàng với đủ loại cơ cấu mệnh giá, nhưng do số lượng tiền mới mà các ngân hàng được phân bổ khá giới hạn nên không phải khách hàng nào cũng đổi được.

Ông Phan Huy Khang, tổng giám đốc Sacombank, cho biết ngân hàng không phân biệt khách hàng lớn nhỏ khi đổi tiền lì xì. Tuy nhiên, do số lượng hạn chế nên nếu khách hàng có nhu cầu và ngân hàng còn tiền mới thì ngân hàng sẽ đổi, ngược lại buộc phải từ chối.

Bà Lê Thị Thanh Hằng, phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, thừa nhận nhu cầu tiền mới để lì xì của người dân là chính đáng nhưng đây không phải nhiệm vụ thiết yếu của hệ thống ngân hàng. Địa bàn TP năm nay cũng được cung ứng một lượng tiền mới in với đầy đủ các loại mệnh giá nhưng lượng tiền về có giới hạn.

“Có thể vì nhu cầu quá lớn trong khi lượng tiền mới được cung ứng hạn chế nên ngân hàng cũng lựa chọn đối tượng khách hàng để phục vụ” – bà Hằng nói.

Cũng theo bà Hằng, nhu cầu tiền lì xì thường tập trung vào mệnh giá 20.000 đồng, 10.000 đồng nhưng có nghịch lý là những mệnh giá này chỉ sử dụng trong tết, sau tết trả ngược lại ngân hàng vì trong năm người dân chỉ muốn nhận tiền mệnh giá lớn để dễ giao dịch, vận chuyển.

“Trong năm từ chối nhưng cuối năm lại muốn thì ngân hàng rất khó đáp ứng. Người dân nên chia sẻ với ngân hàng” – bà Hằng nói thêm.

Trước câu hỏi vì sao trong ngân hàng đổi tiền mới rất khó trong khi các dịch vụ đổi tiền bên ngoài lại nở rộ, bà Hằng cho biết NHNN đã dự báo được tình huống này nên trong tất cả văn bản chỉ đạo, NHNN đều yêu cầu cán bộ ngân hàng không được trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp tay cho những đối tượng đổi tiền mới hưởng chênh lệch giá.

Còn việc ngân hàng chi cho doanh nghiệp và các khách hàng khác và được họ tích trữ, hoặc trong năm họ đã tích trữ cuối năm đem ra đổi hưởng chênh lệch thì ngân hàng không thể quản lý được. Tuy nhiên hành vi tích trữ đem đi đổi hưởng chênh lệch giá được xem là hành vi vi phạm và sẽ bị xử phạt.

Làm “cây tiền” là vi phạm

Cùng kinh doanh tiền lì xì, cửa hàng của anh Võ Minh Tú (Q.Tân Phú) bày bán la liệt các mẫu “cây tiền” với đủ kích cỡ. Hoa và lá của cây tiền được gấp từ các tờ tiền thật, chủ yếu sử dụng tờ tiền 10.000 đồng (loại tiền giấy cũ) vì khách hàng ưa chuộng màu đỏ.

Nhiều khách sang hơn đặt hàng cây tiền USD làm quà tặng hoặc cây chưng tết. Theo anh Tú, thông thường một cây dùng 39 tờ tiền sẽ thành một cây có ý nghĩa thần tài, kiểu “tiền vô như nước”!

Hiện mỗi cây tiền đồng loại tờ tiền 10.000 đồng có giá bán khoảng 690.000 đồng/cây, còn cây loại tờ 2 USD có giá bán khoảng 2,5 triệu đồng/cây.

“Khách cũng có thể đem tiền đến để nhân viên cửa hàng ráp thành cây tiền, giá công 300.000-600.000 đồng/cây tùy kiểu dáng cây khách hàng lựa chọn” – anh Tú thông tin.

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo NHNN chi nhánh TP.HCM cho rằng việc sử dụng đồng tiền VN vào mục đích không phải để thanh toán hay cất giữ, cho mượn… là vi phạm pháp luật.

Những hành vi sử dụng tiền đồng không đúng chức năng như làm trò chơi, vật trang trí đều bị xem là huỷ hoại đồng tiền VN. Dù có cho, biếu, tặng cũng trái pháp luật.

HƯƠNG LINH – A.HỒNG – N.BÌNH