VN nói riêng và cả ASEAN nói chung đang trở thành điểm đầu tư ngày càng hấp dẫn, nhưng tính ổn định về chính sách là điều cần phải được bảo đảm.
Chủ tịch Hội đồng Kinh tế EU – ASEAN Francois Guibert:
Sợ nhất là thay đổi chính sách đột ngột
VN nói riêng và cả ASEAN nói chung đang trở thành điểm đầu tư ngày càng hấp dẫn, nhưng tính ổn định về chính sách là điều cần phải được bảo đảm.
Đó là những nhận định của Chủ tịch Hội đồng kinh tế EU – ASEAN Francois Guibert (ảnh) trong cuộc trả lời phỏng vấn với Thanh Niên. Theo ông, kinh tế tăng trưởng nhanh, thị trường tiêu thụ lớn và nhiều chính sách theo hướng cởi mở thương mại tự do… là những yếu tố then chốt giúp VN hấp dẫn đầu tư nước ngoài.
Với Hiệp định Thương mại tự do (FTA) ký ngày 2.12.2015, VN trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á ký FTA với EU. VN sẽ được hưởng lợi như thế nào từ điều này, thưa ông? Liệu VN có thể trở thành một cửa ngõ quan trọng để doanh nghiệp châu Âu tiếp cận thị trường Đông Nam Á?
FTA VN – EU là một bước tiến rất quan trọng. Đây chắc chắn là hiệp định thương mại toàn diện và tham vọng nhất mà EU từng ký với một nền kinh tế mới nổi. Hy vọng nó sẽ làm tiêu chuẩn cho các hiệp định thương mại với những nước mới nổi khác.
Ông Francois Guibert
Việc VN tham gia FTA với EU cho thấy quốc gia của các bạn đang mở rộng cửa đón thương mại và đầu tư quốc tế để có thể trở thành một cửa ngõ không chỉ của ASEAN mà cả châu Á – Thái Bình Dương (vì VN cũng tham gia TPP nữa). FTA giữa VN và EU có những điều khoản bảo vệ đầu tư. Điều này rất đáng hoan nghênh, nó sẽ giúp VN trở nên hấp dẫn hơn trong thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp châu Âu.
Tôi nghĩ VN hấp dẫn nhà đầu tư nhờ rất nhiều yếu tố nữa chứ không chỉ vì giá nhân công rẻ. Nền kinh tế tăng trưởng nhanh và lực lượng tiêu thụ lớn. VN cũng sẵn sàng với các chính sách thương mại tự do. Có thể thấy rõ điều này qua những thoả thuận mà VN đang tham gia như FTA với EU, TPP và các hiệp định khác nữa. Tất cả giúp đất nước các bạn trở thành một nơi hấp dẫn để đầu tư, kinh doanh.
Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu quan ngại điều gì nhất khi đầu tư vào các nước ASEAN, thưa ông?
Bất kỳ một công ty nào khi đầu tư cũng tìm kiếm sự ổn định: ổn định về luật và các quy định, ổn định về mặt bảo vệ pháp lý. Nhà đầu tư ngại nhất là sự thay đổi chính sách bất ngờ, gây bất lợi cho việc kinh doanh. Vì vậy, những quốc gia hay thay đổi quy định mà không tham khảo ý kiến chuyên gia hay doanh nghiệp trong ngành khiến các công ty, bất kể là đến từ nước nào, rất thận trọng khi muốn đầu tư.
Tuy nhiên, các nước ASEAN đang ngày càng hội nhập sâu rộng hơn, thể hiện qua sự hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) nên tôi hy vọng những thay đổi chính sách bất ngờ như vậy sẽ được giảm thiểu.
Nhiều nhà sản xuất nước ngoài đang di dời nhà máy từ Trung Quốc sang ASEAN. Ông dự đoán làn sóng này sẽ như thế nào trong năm nay? Những quốc gia nào sẽ được hưởng lợi nhiều nhất?
Tôi nghĩ chi phí nhân công không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang ASEAN mặc dù đó là một yếu tố quan trọng.
ASEAN là một nơi rất hấp dẫn để đầu tư vì nhiều lý do. Sự hình thành AEC sẽ tháo dỡ nhiều rào cản về thương mại và kinh doanh. Bên cạnh đó, đây là khu vực đông dân và phát triển nhanh, với tỷ lệ đô thị hoá thuộc hàng cao nhất thế giới. Tầng lớp tiêu dùng tăng nhanh, đội ngũ lao động trẻ và khá giỏi về công nghệ. Ngoài ra, một số nước cởi mở trong thương mại nhiều hơn trước.
Chúng tôi tin rằng xu hướng đầu tư vào ASEAN vẫn sẽ gia tăng nếu khối tiếp tục hành trình hội nhập và có những tiến bộ rõ ràng để tối ưu hoá cơ hội do AEC mang lại. Những quốc gia hưởng lợi chính từ làn sóng rút vốn khỏi Trung Quốc sẽ là những nước có môi trường kinh doanh thông thoáng và tránh thay đổi chính sách, quy định đột ngột.
EU đã ký FTA với VN, kết thúc đàm phán với Singapore, đang đàm phán với Malaysia, Thái Lan. Vậy tại sao vẫn cần có hiệp định với cả ASEAN, thưa ông?
Hội đồng kinh tế EU – ASEAN nhiệt tình ủng hộ FTA giữa 2 khu vực vì chúng tôi thấy rõ những lợi ích cả về mặt chính trị lẫn kinh tế. Có thể khẳng định đó sẽ là một tuyên bố chính trị từ phía EU, công nhận ASEAN là một khối kinh tế và là đối tác thương mại ngày càng quan trọng. Điều này có giá trị rất lớn đối với vị thế của EU ở ASEAN cũng như quan hệ kinh tế – chính trị lâu dài giữa hai bên về quy mô cả khối lẫn từng thành viên.
Về mặt làm ăn, một hiệp định giữa 2 khu vực sẽ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp châu Âu hoạt động ở ASEAN. Chẳng hạn như việc thực hiện tỷ lệ nội địa hoá sẽ gặp thuận lợi do tất cả những chi tiết, phụ kiện được sản xuất ở các nước ASEAN đều được tính là “nội địa”, thay vì bắt buộc phải sản xuất trong phạm vi nước sở tại như hiện nay. Ngoài ra, nếu ký FTA với ASEAN, các công ty châu Âu chỉ phải tuân theo một bộ quy tắc, quy định chung khi đầu tư vào bất cứ nước nào trong khu vực. Như vậy rõ ràng là thuận lợi hơn nhiều.
Với những quốc gia có nền kinh tế quy mô nhỏ hơn như Myanmar, Campuchia và Lào, có thể phải mất rất nhiều năm nữa Uỷ ban Châu Âu mới lên kế hoạch đàm phán FTA song phương. Nhưng nếu ký FTA với ASEAN, doanh nghiệp châu Âu có thể tiếp cận những thị trường này sớm hơn. Điều đó cũng sẽ góp phần giúp các nền kinh tế này phát triển nhanh hơn.