24/01/2025

Làm gì để hàng Việt vào chuỗi bán lẻ toàn cầu ?

Để đưa hàng Việt vào các hệ thống bán lẻ lớn, uy tín là câu chuyện không hề đơn giản, cần sự thay đổi từ tư duy phát triển đến cung cách làm ăn của doanh nghiệp VN.

 

Làm gì để hàng Việt vào  chuỗi bán lẻ toàn cầu ?

 

 

Để đưa hàng Việt vào các hệ thống bán lẻ lớn, uy tín là câu chuyện không hề đơn giản, cần sự thay đổi từ tư duy phát triển đến cung cách làm ăn của doanh nghiệp VN.

 

 

 

 

 

 

Các doanh nghiệp VN gặp gỡ với nhà thu mua Walmart tại TP.HCM - Ảnh: N.Bình
Các doanh nghiệp VN gặp gỡ với nhà thu mua Walmart tại TP.HCM – Ảnh: N.Bình

Doanh nghiệp VN đang chủ động tìm kiếm cơ hội hội nhập thị trường quốc tế thông qua việc đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng thế giới, trong đó kênh phân phối siêu thị lớn được xem là yếu tố quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, để đưa hàng Việt vào các hệ thống bán lẻ lớn, uy tín là câu chuyện không hề đơn giản, cần sự thay đổi từ tư duy phát triển đến cung cách làm ăn của doanh nghiệp VN.

Tôi nghĩ giá mua hàng sẽ cải thiện rất nhiều nếu các doanh nghiệp trong nước được đàm phán và ký hợp đồng trực tiếp với Walmart, Costco…

Ông NGUYỄN CHÍ TRUNG (giám đốc Công ty TNHH giày Gia Định)

Giá rẻ và sản lượng lớn

Bước ra từ phòng gặp gỡ với bộ phận thu mua của Tập đoàn bán lẻ Walmart (Mỹ) diễn ra ngày 15-1 tại TP.HCM, bà Phương Ngô – phó tổng giám đốc Công ty Vinh Thông, đơn vị chuyên sản xuất giày dép – phấn khởi kể phía Walmart rất nóng lòng muốn đi tham quan nhà máy của doanh nghiệp.

Đó là bước khởi đầu rất tốt để tiến xa hơn trong chặng đường trở thành nhà cung ứng cho hệ thống bán lẻ lớn nhất Hoa Kỳ này. Hiện nay Vinh Thông đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, chủ yếu ở châu Âu với sản lượng 4 triệu sản phẩm/năm, nhưng nếu vào được thị trường Hoa Kỳ thì con số này sẽ tăng gấp đôi.

“Chúng tôi đang mở rộng, xây dựng thêm một nhà xưởng nữa để chuẩn bị cho cơ hội đưa hàng vào Mỹ” – bà Phương Ngô cho hay.

Trước đây, Vinh Thông xuất sang châu Âu nên toàn bộ tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng yêu cầu từ phía Walmart không làm doanh nghiệp quá lo lắng. Khi áp dụng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), chi phí sản xuất sẽ rẻ hơn nhờ nguyên vật liệu sản xuất nội địa hóa, thuế suất cũng giảm nên cơ hội cho giày dép VN sang Mỹ là rất lớn. Điều lo nhất là thời gian thanh toán của nhà bán lẻ này kéo dài khá lâu: sau 30 ngày.

Cũng vừa gặp gỡ với các nhà thu mua Walmart, đại diện doanh nghiệp may mặc Minh Hoàng rút ra rằng điều cơ bản để nói chuyện với những nhà bán lẻ quốc tế là doanh nghiệp phải đảm bảo hàng giá rẻ nhất, sản lượng lớn nhất.

“Chúng tôi đang làm gia công cho rất nhiều thương hiệu nổi tiếng, chất lượng không phải vấn đề. Nhà cung ứng chỉ cần yêu cầu đảm bảo giá rẻ nhất và khả năng cung ứng tốt nhất trong nhiều trường hợp” – đại diện Công ty Minh Hoàng nói.

Trong hơn 30 cuộc đăng ký gặp gỡ với nhà thu mua của Walmart được thực hiện với doanh nghiệp Việt vào giữa tháng 1-2016 tại TP.HCM, rất nhiều doanh nghiệp cho biết tín hiệu khá tốt, điều này cũng có nghĩa hàng hóa VN sẽ có cơ hội đi khắp nước Mỹ.

Lâu nay, dù không ký hợp đồng trực tiếp, nhưng có khá nhiều sản phẩm quần áo, giày dép, vali, túi xách của các doanh nghiệp sản xuất trong nước được bày bán trong hệ thống các siêu thị nổi tiếng như Walmart, Target, Costco, Kroger, Casino… dưới nhiều hình thức khác nhau.

Theo ông Diệp Thành Kiệt – phó chủ tịch Hiệp hội Da giày – túi xách VN (Lefaso), cách mua hàng thông thường của các siêu thị nước ngoài hiện nay đều thực hiện dưới hình thức đặt hàng thông qua thương hiệu của nhà sản xuất, hoặc đặt hàng sản xuất dưới thương hiệu riêng của hệ thống các siêu thị.

Chẳng hạn, Hãng túi xách Coach cũng là một nhà cung cấp túi xách thời trang cho Walmart, dù túi xách này đang được một công ty tại Bình Dương sản xuất, nhưng thương hiệu vẫn là của Coach, chỉ có “made in Vietnam” là được giữ nguyên.

Thuyết phục nhà cung cấp sản phẩm

Bà Trần Thị Vân Loan – chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty thuỷ sản Cửu Long An Giang, một trong những doanh nghiệp cung ứng mặt hàng cá tra vào Walmart tại Mexico – chia sẻ để tham gia vào chuỗi Walmart, công ty phải trải qua bốn lần kiểm định về nhà máy, tài chính, an ninh chuỗi cung ứng và trách nhiệm xã hội.

Trong nhiều tiêu chí, khó nhất là phải đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu với số lượng lớn và đồng nhất về kích thước. “Walmart chỉ lấy một kích thước hàng nhất định trong khi chúng tôi có đến bốn kích thước khác nhau. Để tránh hàng tồn kho, chúng tôi phải giám sát quy trình sản xuất rất chặt chẽ” – bà Loan nói.

Tính đến thời điểm này, ở VN đã có gần 200 doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thuộc các lĩnh vực đồ gỗ, dệt may, giày dép… được xem là nhà cung ứng tiềm năng của Walmart. Các doanh nghiệp này đều phải trải qua những quy trình kiểm tra về nhà xưởng, chất lượng sản phẩm, cập nhật thông tin thường xuyên trên dữ liệu điện tử; nắm rõ tình hình các cơ sở sản xuất của mình; minh bạch khi phát hiện các vấn đề, các tiêu chuẩn về lao động…

Theo bà Jocelyn Tran – giám đốc cao cấp bộ phận thu mua khu vực Đông Nam Á của Walmart, ngoài bảo đảm mức giá tốt nhất, sản lượng cung ứng ổn định, điều mà nhà thu mua quan tâm là chiến lược sắp tới của nhà sản xuất đó thế nào.

“Bởi vì để trở thành nhà cung ứng cho một hệ thống là phải hai bên cùng đồng hành, giúp đỡ lẫn nhau. Nếu nhà cung ứng cho thấy họ muốn phát triển thêm một ngành khác ngoài cái đang cung ứng cho Walmart thì chúng tôi sẽ không tiến tới ký hợp đồng” – bà Jocelyn Tran nói.

Ông Todd Kouns – giám đốc cao cấp phụ trách nguồn cung ứng lĩnh vực giày dép Walmart, người phụ trách đến 90% mặt hàng giày dép của chuỗi siêu thị này – cho rằng yếu tố khác biệt mới chính là điều thuyết phục nhà cung cấp chọn sản phẩm của mình.

Không dễ

Mỗi năm, Walmart mua khoảng 1,5 – 2 tỉ USD hàng hóa từ Trung Quốc, một nửa mua trực tiếp, một nửa qua các trung gian. Tại VN phần lớn doanh nghiệp cũng cung ứng cho các hệ thống siêu thị quốc tế qua một công ty trung gian, nhưng đây cũng là cách làm đầy rủi ro.

Ông N.L.V., phó tổng giám đốc Công ty cổ phần giày HĐ (Bình Dương), cho biết thông qua một công ty trung gian, công ty ông đã ký hợp đồng xuất khẩu loại giày thông dụng cho Walmart trong khoảng thời gian một năm. Giao xong hàng trong hai “mùa”, công ty ông quyết định không tái ký hợp đồng nữa vì “giá họ đưa cho rẻ quá, trong khi chi phí sản xuất tại VN ngày một tăng cao” – ông V. nói.

Ngoài Walmart, ông V. cho biết thêm công ty ông cũng vừa chấm dứt cung cấp sản phẩm giày cho hệ thống siêu thị Marks & Spencer (cũng thông qua trung gian), dù đã gắn bó… lâu hơn so với Walmart.

Theo ông này, khi nhận hợp đồng trên, công ty chấp nhận giá đặt hàng chỉ khoảng 4-5 USD/đôi, thấp hơn 15-20% so với các thương hiệu nước ngoài khác.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chí Trung – giám đốc Công ty TNHH giày Gia Định, việc Walmart “đánh tiếng” tìm nguồn cung tại thị trường VN là tín hiệu tốt, bởi để đáp ứng các yêu cầu từ Walmart, bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước phải xác định được phân khúc thị trường mà mình tham gia, sau đó quyết định có muốn trở thành “chân rết” cho chuỗi hệ thống siêu thị này hay không.

NHƯ BÌNH – TRẦN VŨ NGHI ([email protected])