24/12/2024

Không được là chính mình !

Theo các chuyên gia, những bạn trẻ phải ‘sống hộ’ cho cha mẹ giống như con chim bị nhốt trong lồng, miễn cưỡng hót theo ý người khác và không được sống cuộc đời của mình.

 

Bi kịch người trẻ sống thay cho cha mẹ: Không được là chính mình !

 

 

Theo các chuyên gia, những bạn trẻ phải ‘sống hộ’ cho cha mẹ giống như con chim bị nhốt trong lồng, miễn cưỡng hót theo ý người khác và không được sống cuộc đời của mình.





Khám phá năng lực, sở thích bản thân qua những hoạt động

Khám phá năng lực, sở thích bản thân qua những hoạt động

Năng lực bị thui chột, mất niềm vui sống

Theo tiến sĩ xã hội học – thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thuý, trong phạm vi tư vấn của mình, cô gặp nhiều trường hợp phụ huynh bắt con cái làm theo ước mơ của họ. Cô Thuý thẳng thắn: “Nhiều sinh viên ở trường tôi cho biết không thích học ngành hành chính. Thế nhưng cha mẹ các em là quan chức, đã dọn sẵn đường thăng tiến cho con nên bắt con thi và học ngành này”.
Bên cạnh đó, theo cô Thuý, hiện có khá nhiều cha mẹ tìm mọi cách thúc ép con đi du học dù con không muốn, hoặc bắt con theo nghề của mình cho dễ tìm việc làm, bắt theo những ngành đang “hot” vì nghĩ sau này con ra trường dễ kiếm tiền.
“Hậu quả rõ nhất là các em chán học, mất phương hướng, không có ước mơ của riêng mình. Tôi nghe rất nhiều sinh viên tâm sự là các em thấy tương lai mờ mịt, cứ nghĩ ra trường phải đi làm công việc cha mẹ sắp đặt mà thấy nản, muốn trốn đi đâu đó thật xa, thậm chí có em nghĩ đến chuyện tự tử. Tác hại vô cùng lớn khi thanh niên không được là chính mình, không có ước mơ riêng và được thỏa sức theo đuổi ước mơ đó”, tiến sĩ Phạm Thị Thuý trăn trở.
Cô Thúy so sánh: Các em như những con chim bị nhốt trong lồng, phải hót theo ý người khác. Năng lực sẽ bị thui chột, mất niềm vui sống…
Đồng tình với những ý kiến trên, thạc sĩ Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, TP.HCM cho rằng hiện có nhiều phụ huynh chọn nghề cho con em mình theo kiểu hên xui. Nếu may thì phù hợp với nguyện vọng của các em. Ngược lại, có nhiều em rơi vào tình cảnh dở dang việc học hoặc bỏ nghề, đổi ngành. Vị hiệu trưởng này kể rằng ông có người quen đang cho con học cùng lúc hai trường: Giao thông vận tải và Học viện Âm nhạc (hệ vừa làm vừa học 7 năm, chuyên ngành piano). Sở dĩ như vậy là do người này vốn rất thích chơi piano nhưng không có điều kiện học. Vì vậy, ông ấy đã “chuyển giao” ước nguyện của mình sang con, bất kể người con phải gồng mình học rất vất vả.
Bi kịch người trẻ sống thay cho cha mẹ: Không được là chính mình ! - ảnh 1

Học sinh tại TP.HCM hào hứng trong chương trình tham vấn tâm lý – Ảnh: Như Lịch

Làm chủ bản thân
Đang là học sinh lớp 8G Trường THCS Thành Cổ, tỉnh Quảng Trị, Lê Văn Hùng có bản thành tích khá ấn tượng. Học kỳ 1 năm nay, Hùng đứng đầu toàn khối với điểm trung bình là 9,3, trong đó môn toán và hóa đều đạt 10 điểm. Hùng từng đoạt rất nhiều giải thưởng, như: giải nhất kỳ thi Olympic tiếng Anh qua mạng cấp tỉnh, huy chương bạc kỳ thi giải toán qua mạng toàn quốc, bằng danh dự kỳ thi Olympic tiếng Anh cấp quốc gia… Ngoài việc học, Hùng còn tham gia nhiều hoạt động của trường, lớp và đam mê bóng đá, cờ vua. Ông Lê Văn Vỹ, cha của Hùng, trao đổi về cách dạy con như sau: “Trong gia đình, cháu có được sự tự do chứ không bị áp đặt. Chúng tôi để cháu làm quen với tính độc lập, có ý thức tự giác cao”. Theo ông Vỹ, cha mẹ cũng không nên quá “thả lỏng” mà cần có sự chia sẻ, định hướng cho con trong chừng mực nào đó, tùy sức học và tùy từng giai đoạn phát triển của con.
Thạc sĩ xã hội học Trần Minh Trọng, Chủ nhiệm CLB Dạy con nên người, lưu ý hai trạng thái cực đoan mà không ít phụ huynh mắc phải, bắt nguồn từ tính sĩ diện bản thân hoặc vì quá thương con. Đó là bắt con làm theo ý mình hay dễ dãi nuông chiều theo mọi yêu cầu của con. Trước thực trạng trên, câu lạc bộ này khuyến khích phụ huynh cho trẻ sống tự lập, trưởng thành và biết chịu trách nhiệm về cuộc đời mình.
Tuy nhiên, ông Trọng nhận xét: “Đa số phụ huynh có con em từ 12 tuổi trở lên khá bảo thủ. Mặt khác, những đứa trẻ trong độ tuổi này thông thường đã hình thành nhân cách, nên rất khó tác động để các em thay đổi những thói quen, suy nghĩ của mình. Chính vì vậy, phần lớn những người hợp tác với chúng tôi là các cha mẹ trẻ tuổi hơn, có con đang học mầm non, tiểu học”.
Theo tiến sĩ Phạm Thị Thuý, những ai dám sống với đam mê của mình mới có thể lao vào sóng gió, vượt qua khó khăn để bung hết khả năng, để khám phá và từng bước làm giàu năng lực bản thân. Sống hết mình, sống trọn vẹn với đam mê mới là hạnh phúc. Và đó cũng là cách hữu ích nhất để phát triển bản thân, giúp đỡ gia đình và xã hội.
Bà Thuý nhắn nhủ: “Nghe theo ai đó mà quên đi bản thân là một sai lầm, có khi phải trả giá bằng cả cuộc đời. Nhiều cha mẹ đã phải nuối tiếc vì bắt con theo ý mình, rốt cuộc con lại thất bại chứ không thành công. Ta không thể thành công khi sống dựa vào người khác, ngay cả dựa vào trong ý nghĩ. Ai làm chủ bản thân mới có thể vững vàng tiến lên!”.
Ý kiến:
Cần có hệ thống tư vấn học đường hiệu quả
Ở tuổi mới lớn, con cái cần cha mẹ nâng đỡ, dìu dắt một cách tích cực. Thế nhưng, nếu chúng ta áp đặt quá thì trở thành lực lượng đối kháng với con. Khi đó, con không còn động lực sống, dễ sinh ra tiêu cực, chán nản, thậm chí có thể dẫn đến tự sát. Theo tôi, bên cạnh việc phụ huynh phải học cách hiểu con thì cần có hệ thống tư vấn tâm lý học đường hiệu quả. Nơi đó, những người có chuyên môn chia sẻ, tháo gỡ cho các bạn trẻ không chỉ chuyện nghề nghiệp mà còn nhiều vấn đề khác nữa.
Bác sĩ Trịnh Tất Thắng
Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM
Không nên “úm” lẫn ép trẻ
Ở gia đình tôi, bố mẹ và ông bà dạy con cháu theo ba kiểu khác nhau, khiến đứa trẻ đôi lúc căng thẳng. Riêng bản thân tôi rất thích cách dạy con theo kiểu người Nhật. Cứ để con phát triển tự nhiên, tự lập, vừa học vừa chơi chứ không nên “úm“ lẫn ép trẻ.
Lê Minh Phụng
Cựu thành viên tàu thanh niên Đông Nam Á
Nên nói ra với ba mẹ
Nếu như mình thích ngành này nhưng ba mẹ bắt đi ngành khác không phù hợp thì nên nói ra với ba mẹ. Trường hợp ba mẹ không chịu thì mình vẫn cứ đi theo ngành nghề mình lựa chọn, vì đó là tương lai của chính mình. Điều quan trọng là mình cần tìm hiểu thật kỹ mọi thứ trước khi quyết định. Còn định hướng của phụ huynh chỉ mang ý nghĩa thông tin thêm chứ không nên ép buộc.
Đào Thị Ngọc Trinh
Học sinh lớp 11, Bà Rịa-Vũng Tàu

Như Lịch