24/01/2025

‘Không để trong bộ máy thưa vắng nhân tài’

‘Mỗi khi có chiến tranh giữ nước thì tập hợp được nhiều nhân tài… Nhưng đến khi hoà bình thì nhân tài dần dần thưa vắng và cùng lúc xuất hiện nịnh thần trong bộ máy…’, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư nói.

 

‘Không để trong bộ máy thưa vắng nhân tài’

 

 

‘Mỗi khi có chiến tranh giữ nước thì tập hợp được nhiều nhân tài… Nhưng đến khi hoà bình thì nhân tài dần dần thưa vắng và cùng lúc xuất hiện nịnh thần trong bộ máy…’, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư nói.





Bên lề Đại hội, ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư, đã trả lời phỏng vấn PV Thanh Niên xoay quanh các giải pháp đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ sắp tới.
Sau Đại hội, phải chuẩn bị cơ chế, Văn hoá tranh cử
– Báo cáo của BCH T.Ư khoá XII do Tổng bí thư trình bày tại phiên khai mạc Đại hội XII có nhấn mạnh đến thông điệp đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ trong thời gian tới. Có ý kiến cho rằng, chúng ta đã nhiều lần đặt ra vấn đề đổi mới cán bộ nhưng chưa thực hiện được hiệu quả do lời nói không đi đôi với việc làm, chứ không phải do cơ chế. Ông có ý kiến gì về nhận định này ?
 
 
'Không để trong bộ máy thưa vắng nhân tài' - ảnh 1

Cũng phải thấy rằng chúng ta chưa tập hợp được nhiều nhân tài vào bộ máy. Thậm chí một số năm gần đây có tình trạng những người có năng lực xin ra khỏi bộ máy để làm cho bên ngoài, làm cho nước ngoài. Tìm trong bộ máy thấy nhân tài rất thưa vắng, ít ỏi

'Không để trong bộ máy thưa vắng nhân tài' - ảnh 2
 

Ông Vũ Ngọc Hoàng

 

Trong báo cáo của Tổng bí thư đọc tại Đại hội khẳng định phải đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, tôi hiểu việc đổi mới mạnh mẽ đó phải được thực hiện toàn diện ở nhiều khâu và tôi nghĩ rằng đó là một chủ trương rất đúng. Sau khi đất nước kết thúc chiến tranh chuyển sang thời kỳ hoà bình, từ nhiều nhiệm kỳ trước đến giờ, nói chung công tác cán bộ có nhiều thành tích kết quả, chúng ta có được một đội ngũ cán bộ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đến ngày nay. Nhưng mặt khác, cũng phải thấy rằng chúng ta chưa tập hợp được nhiều nhân tài vào bộ máy. Thậm chí một số năm gần đây có tình trạng những người có năng lực xin ra khỏi bộ máy để làm cho bên ngoài, làm cho nước ngoài. Tìm trong bộ máy thấy nhân tài rất thưa vắng, ít ỏi. Vấn đề này thì không riêng thời nay mà nhiều thời kỳ phong kiến trước đây cũng vậy. Cần phải nghiên cứu khắc phục, không để trong bộ máy thưa vắng nhân tài.

Với các triều đại phong kiến trước đây và kể cả thời đại Hồ Chí Minh, mỗi khi có chiến tranh giữ nước thì tập hợp được nhiều nhân tài. Có lẽ lúc đó có sức mạnh, sự cuốn hút của hồn nước khi Tổ quốc lâm nguy, những đứa con đã tụ về với mẹ hiền Tổ quốc. Nhưng đến khi hoà bình rồi thì nhân tài dần dần thưa vắng và cùng lúc xuất hiện nịnh thần trong bộ máy. Câu chuyện đó đã xảy ra nhiều lần rồi. Trong tình hình cán bộ lâu nay phải chăng cũng đã bắt đầu có hiện tượng đó. Tiêu cực, chạy chức, chạy quyền, mua bán chức tước cũng có khá nhiều và trong báo cáo Tổng bí thư cũng đã công khai phê phán điều đó.

Tình hình đó đòi hỏi phải đổi mới căn bản công tác cán bộ là rất đúng đắn. Việc đổi mới công tác cán bộ tôi nghĩ có mấy khâu vô cùng quan trọng: Đầu tiên, phải dân chủ trong phát hiện nhân tài. Từ các nguồn, các kênh thông tin khác nhau, các tổ chức cũng như toàn xã hội có cơ chế phát hiện nhân tài, giới thiệu và khuyến khích ứng cử tự do. Tiếp theo là tổ chức cho tranh cử. Tranh cử lành mạnh là một cơ chế rất tiến bộ. Nhiều người trình bày kế hoạch, chiến lược của mình nếu trúng cử. Sau đó, tổ chức cho các ứng cử viên tranh luận với nhau. Việc đó thực hiện công khai trong Đảng. Tiếp theo thực hiện trong Đảng cũng công khai để cho nhân dân nghe biết vì Đảng hoạt động công khai và vì dân vì nước chứ có bí mật gì đâu. Đồng thời với việc tranh cử trong Đảng thì thực hiện tranh cử trong xã hội, ví dụ bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân.
Cũng có người bảo phải cho tranh cử liền đi, nhưng tôi nghĩ thực hiện ngay chưa được, vì chưa có sự chuẩn bị. Chuẩn bị cơ chế, chuẩn bị về văn hoá để đảm bảo cuộc tranh cử đó lành mạnh. Còn nếu tranh cử mà để có sự tham gia của đồng tiền, của “lợi ích nhóm”, tung tin bịa đặt loạn xạ, vu cáo, mạo danh thì sẽ không còn lành mạnh, dẫn đến kết quả tồi tệ và đổ vỡ. Muốn như vậy thì phải có cơ chế và chuẩn bị văn hoá cho việc đó. Tôi nghĩ rằng, sau Đại hội này, trong nhiệm kỳ tới phải tích cực chuẩn bị và có thể sớm thực hiện theo tinh thần ấy, nếu như quyết tâm. Đảng nên tập trung lãnh đạo công cuộc dân chủ hoá này.
Tiếp theo việc dân chủ trong phát hiện và lựa chọn nhân tài là khâu sử dụng, văn hoá từ chức ra sao, có cơ chế bãi miễn và cơ chế để nhân dân, tập thể Đảng giám sát công việc và nhân cách các cán bộ được lựa chọn…
Giới thiệu nhiều số dư để tranh cử trước dân
– Nếu nhìn vào cơ chế, khẩu hiệu, quan điểm lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ hiện nay, ít nhiều đều thấy bóng dáng những điều ông vừa đề cập. Tuy nhiên, thực hiện được trong thực tế lại không dễ dàng, nhất là khi công tác cán bộ vẫn thường là khâu bí mật, dân không được biết, không được bàn, không được kiểm tra?
Đối với công tác cán bộ, chúng ta đã nêu nhiều tư tưởng, quan điểm, phương châm, “khẩu hiệu” nữa. Nhưng cơ chế cụ thể để thực hiện tinh thần dân chủ ấy trong công tác cán bộ thì rất thiếu, chưa có. Ví dụ đến thời điểm này, mình cũng đã có cơ chế tốt để tiến hành tranh cử đâu. Chủ yếu vẫn là sắp xếp, bố trí mặc dù cũng đã có nhiều tiến bộ như bầu cử phải có số dư, giới thiệu cũng có số dư. Lần này Tổng bí thư nói là đổi mới mạnh mẽ thì tôi hy vọng sẽ thực hiện tích cực, thực hiện được, nhất là bắt đầu sớm việc đề ra cơ chế cụ thể và chuẩn bị văn hoá của câu chuyện tranh cử, để có thể sớm thực hiện trong thực tế.
– Ông nhiều lần nhắc đi nhắc lại vấn đề tranh cử trong công tác cán bộ liệu có phải ông xem tranh cử là chìa khoá giải quyết được tất cả những khuyết điểm trong công tác cán bộ hiện nay, từ chạy chức chạy quyền, tham nhũng đến vô cảm với dân?
Tôi nghĩ không có cái chìa khoá nào có thể giải quyết được tất cả những khuyết điểm trong công tác cán bộ. Nhưng tôi cho rằng việc tranh cử trong chọn cán bộ lãnh đạo (qua bầu cử), cộng với cơ chế kiểm soát quyền lực, cơ chế thực thi dân chủ rộng rãi, tự do ngôn luận và minh bạch thông tin sẽ có ý nghĩa quan trọng bậc nhất đối với việc xây dựng một bộ máy mạnh, hiệu quả và trong sạch.
– Trong khi chờ đợi cơ chế tranh cử, chúng ta có thể áp dụng ngay giải pháp gì để đổi mới công tác cán bộ sắp tới, nhất là sau Đại hội XII sẽ diễn ra bầu cử Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp?
Có rất nhiều việc có thể làm được ngay. Tiến bộ dần lên. Tôi ví dụ, sắp tới đây có cuộc bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, phát huy mạnh mẽ dân chủ, thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội đề nghị giới thiệu ứng viên. Đảng lãnh đạo về tiêu chí, tiêu chuẩn, sau đó để các tổ chức đó giới thiệu người, giới thiệu số dư nhiều lên so với số lượng đại biểu cần bầu, ít nhất là gấp 2 lần để họ tranh cử với nhau công khai trước dân, tại nơi họ sẽ là đại biểu đại diện cho quyền lợi, tiếng nói của người dân. Kể cả khuyến khích ứng cử tự do, kể cả việc giới thiệu đại biểu không phải đảng viên. Bầu lần thứ nhất chưa đủ thì lần sau chọn thêm mấy người có số phiếu cao nhất để bầu thêm cho đủ.
Các đại biểu được bầu là đảng viên thì tổ chức Đảng giao cho họ nhiệm vụ phải đại diện cho dân, lắng nghe nhân dân, nói tiếng nói của nhân dân, phát biểu ý kiến vì quyền lợi của nhân dân. Anh phát biểu và biểu quyết vì quyền lợi của nhân dân chứ không phải mỗi lần anh lại đợi ý kiến của cấp uỷ. Đảng giao cho anh nhiệm vụ đại diện cho dân, anh làm được là anh hoàn thành nhiệm vụ đảng viên; thông qua đánh giá, “chấm điểm” định kỳ của nhân dân.
– Thưa ông, để làm được như ông vừa nói, vấn đề thay thế cán bộ không làm được việc, không được dân tín nhiệm cũng phải được đặt ra và thực hiện một cách nghiêm túc. Như thực tế hiện nay, để thay thế được một cán bộ trong bộ máy rất khó khăn, chậm trễ?
Lâu nay, cứ mỗi lần định thay cán bộ thì cán bộ thắc mắc tôi có khuyết điểm gì, tôi bị sai lầm gì? Chứng cứ đâu? Và cứ thế. Bây giờ tôi nghĩ phương pháp phải thay đổi. Không phải đi trả lời câu hỏi đó nữa. Dân là ông chủ. Còn anh là cán bộ phục vụ nhân dân, khi ông chủ không tin người phục vụ nữa thì thay thế, bố trí lại người khác. Chúng ta nên nhìn nhận “đơn giản” chuyện đó. Không cần đợi chứng cứ gì mới thay. Cứ theo tinh thần đó rồi định kỳ bỏ phiếu tín nhiệm, chỉ 2 loại: tín nhiệm và không tín nhiệm. Nếu tỷ lệ tín nhiệm thấp, vài lần như vậy, cán bộ đó buộc phải bị thay thế.
– Nếu như vậy thì cơ chế “Đảng cử, dân bầu” như hiện nay liệu có còn phù hợp, thay vào đó là để dân trực tiếp được bầu lãnh đạo mới có quyền yêu cầu thay thế khi thấy không đáp ứng được yêu cầu trên thực tế?
Cơ chế phải tính lại tổng thể, đồng bộ, những chức danh nào dân bầu trực tiếp thì lấy ý kiến của dân để quyết định thay thế cán bộ hay không. Còn với các nhân sự do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu thì xin ý kiến Quốc hội, hội đồng nhân dân – những đại biểu đại diện cho dân – để quyết định thay thế. Còn các chức danh bổ nhiệm thì tăng trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu, trừ các vị trí phải do tập thể quyết định. Cái đó phải có cơ chế quy định cụ thể và phải có quá trình chuẩn bị tích cực.
– Xin cảm ơn ông!
Hôm qua, các đại biểu dự ĐH Đảng đã dành cả ngày để thảo luận về tiêu chuẩn, cơ cấu BCH T.Ư khoá XII. Đã có rất nhiều nhân sự BCH T.Ư khoá XI được đại biểu đề cử vào BCH T.Ư khoá XII, trong đó có cả người không được BCH khoá XI đề cử.
Thông tin về kết quả đề cử nhân sự bổ sung vào danh sách giới thiệu bầu uỷ viên BCH T.Ư khoá XII cho thấy đã vượt quá quy định (30%). Nhân sự được đề cử mới sẽ được lập một danh sách riêng để đại hội bỏ phiếu kín. Việc kiểm phiếu được tiến hành ngay tại đại hội và lấy từ cao xuống thấp cho đến khi đủ tối đa 30%.
Theo kế hoạch, hôm nay (25.1), Đoàn chủ tịch thông báo tổng hợp danh sách ứng cử, đề cử (bổ sung) BCH T.Ư khoá XII đến các đoàn; danh sách các đại biểu ghi phiếu xin rút khỏi danh sách ứng cử, đề cử BCH T.Ư khoá XII (nếu có). Sau đó, Đoàn chủ tịch họp để xem xét các trường hợp xin rút khỏi danh sách ứng cử, đề cử BCH T.Ư khoá XII. Đại hội thực hiện quy trình để biểu quyết thông qua danh sách ứng cử, đề cử, các trường hợp xin rút khỏi danh sách đề cử BCH T.Ư khoá XII; bầu Ban kiểm phiếu. Ngày 26.1, đại biểu tiến hành bỏ phiếu bầu cử BCH T.Ư khoá XII; Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả bầu cử, công bố danh sách các đồng chí trúng cử vào BCH T.Ư khoá XII. Ngày 27.1, BCH T.Ư khoá XII sẽ họp Hội nghị lần thứ nhất bầu Bộ Chính trị, Tổng bí thư, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra T.Ư và Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra T.Ư.
Thanh Niên

 

Bảo Cầm – Trường Sơn 
(thực hiện)