24/01/2025

Trung Quốc tranh thủ Iran

Bắc Kinh đang tranh thủ “đặt cục gạch” đảm bảo lợi thế với Iran trước các đối thủ cạnh tranh từ phương Tây bằng chuyến viếng thăm hai ngày, ngay sau khi Tehran hết bị cấm vận.

 

Trung Quốc tranh thủ Iran

 

 

Bắc Kinh đang tranh thủ “đặt cục gạch” đảm bảo lợi thế với Iran trước các đối thủ cạnh tranh từ phương Tây bằng chuyến viếng thăm hai ngày, ngay sau khi Tehran hết bị cấm vận.

 

 

 

 

 

 

Tổng thống Iran Hassan Rouhani (trái) chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Tehran ngày 23-1 - Ảnh: AFP
Tổng thống Iran Hassan Rouhani (trái) chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Tehran ngày 23-1 – Ảnh: AFP

Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng với chuyến đi này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh ý muốn tạo điều kiện thuận tiện hơn cho thương mại và đầu tư, củng cố và mở rộng hợp tác khai thác các nguồn tài nguyên cũng như hợp tác công nghiệp 
giữa hai nước.

“Trung Quốc muốn hợp tác mạnh hơn với Iran trong các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thuỷ và dịch vụ mạng” – Chủ tịch Tập Cận Bình nêu rõ các lĩnh vực hợp tác khi đặt chân đến Tehran hôm qua.

Ông là lãnh đạo quốc tế đầu tiên đến thăm Tehran, sau khi Liên Hiệp Quốc dỡ bỏ cấm vận đối với quốc gia này.

Iran và Trung Quốc đã đồng ý gia tăng giao thương lên 600 tỉ USD trong 10 năm tới

Tổng thống Iran HASSAN ROUHANI

Mắt xích quan trọng

Đại sứ Trung Quốc ở Iran Bàng Sâm cho rằng về mặt đầu tư dầu khí, Iran là mắt xích quan trọng trong kế hoạch phát triển “Một vành đai, một con đường” mà ông Tập đang theo đuổi. Chiến lược này chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực thương mại, cơ sở hạ tầng và sự dịch chuyển trong khả năng công nghiệp “vượt bậc” 
của Trung Quốc.

Báo Tài Tân dẫn lời giáo sư Vương Văn của Đại học Nhân dân Trung Quốc cho biết Bắc Kinh muốn thắt chặt quan hệ hợp tác với Iran nhằm tăng cường mở rộng nguồn cung dầu thô, đề phòng tình trạng khủng hoảng năng lượng có khả năng xảy ra trong tương lai của quốc gia hơn 1,3 tỉ dân này.

Ông Vương cũng cho rằng cơ hội làm ăn còn nhiều vì sau nhiều chục năm bị phương Tây cấm vận, Iran lạc hậu trong nhiều lĩnh vực từ khai thác tài nguyên thiên nhiên, phát triển công nghiệp đến nền giáo dục bị trì trệ.

“Trung Quốc cũng muốn hợp tác với Iran trong những lĩnh vực khác ngoài dầu mỏ” – ông Vương nhấn mạnh.

Còn giáo sư Hiểu Hiến – trưởng khoa nghiên cứu Trung Đông của Đại học Vân Nam – nhận định trước khi Liên Hiệp Quốc dỡ bỏ cấm vận đối với Iran, các quốc gia như Đức và Pháp cũng đã quan tâm đến việc tái thiết lập các mối quan hệ kinh tế với Iran.

Nhưng Trung Quốc có kinh nghiệm đầu tư cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển cùng túi tiền to 
sẽ chiếm được lợi thế.

Hãng tin IRNA của Iran cho biết đi cùng ông Tập lần này có sáu bộ trưởng, ba thứ trưởng và rất nhiều doanh nghiệp. Ông Tập là lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên đến Iran trong 14 năm qua.

Giới chuyên gia cho rằng những thỏa thuận kinh tế và chính trị giữa Trung Quốc với Iran chắc chắn được ký kết trong chuyến đi này.

“Các mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Iran sẽ ngày càng thắt chặt hơn như chưa bao giờ có bất cứ ngăn cách nào” – giáo sư Hiểu Hiến nhận định.

Ký kết hàng chục thỏa thuận

Nhật Báo Trung Quốc dẫn lời Thứ trưởng ngoại giao Iran Ebrahim Rahimpour cho biết Bắc Kinh và Tehran đã có kế hoạch ký khoảng 17 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, pháp luật, văn hoá, truyền thông và đầu tư.

Ngày 23-1, ông Tập Cận Bình đã có cuộc gặp với Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại cung điện Sa’dabad ở phía bắc Tehran. Ngoài ra, ông Tập cũng sẽ được các nhân vật quyền lực của Iran như đại giáo chủ Ali 
Khamenei tiếp kiến.

Ông Jean-Joseph Boillot, chuyên gia về các nền kinh tế mới nổi thuộc Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng và thông tin quốc tế (CEPII) của Pháp, nhận định trên kênh France 24: “Ta chưa từng thấy một lãnh đạo nào của Trung Quốc công du nước ngoài nhiều như ông Tập Cận Bình.

Cuộc khủng hoảng kinh tế tại Trung Quốc hiện nay là nghiêm trọng. Trung Quốc cần có lối thoát hiểm và đã chọn những dự án đầu tư lớn, đặc biệt ở khu vực Trung Đông mang tính chiến lược với nước này như từng như thế với Mỹ hồi thập niên 1980”.

Thực tế cho thấy các tập đoàn xăng dầu của Trung Quốc đang không ngừng đẩy mạnh các dự án đầu tư ra nước ngoài. Dự án giếng dầu North Azadegan nằm gần biên giới Iran – Iraq là ví dụ rõ nhất. Đây là dự án hợp tác do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc làm chủ đầu tư.

“Dự án này là ví dụ rất rõ về mối quan hệ hợp tác đang tiến triển tốt giữa Trung Quốc và Iran. Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần này không ngoài mục đích tăng cường các mối quan hệ song phương giữa hai bên” – giáo sư Đại học Tehran Mohammad Marandi cho biết.

Bị cấm vận, Tehran làm ăn với Bắc Kinh

Đại sứ của Iran ở Bắc Kinh Ali Asghar Khaji cho biết Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Iran trong sáu năm qua. Tổng kim ngạch thương mại song phương đã chạm mốc 52 tỉ USD trong năm 2014.

Bắc Kinh cũng là khách hàng mua dầu thô hàng đầu của Tehran từ năm 2011 đến nay, trong bối cảnh nhiều nước phương Tây tăng cường trừng phạt Iran bằng cách cấm các doanh nghiệp làm ăn với Tehran.

Số liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong 11 tháng của năm 2015, Trung Quốc đã nhập khẩu 24,36 triệu tấn dầu thô từ Iran, chiếm 8% tổng lượng dầu nhập khẩu trên thế giới.

MỸ LOAN ([email protected])