24/01/2025

Thủ tướng Merkel báo động làn sóng bài Do Thái ở Đức

Làn sóng bài người Do Thái đang lan rộng ở châu Âu, đặc biệt là ở Đức, khiến Thủ tướng Angela Merkel phải lên tiếng báo động và kêu gọi ngăn chặn.

 Thủ tướng Merkel báo động làn sóng bài Do Thái ở Đức

Một người tị nạn chụp hình với Thủ tướng Đức Angela Merket - Ảnh: Reuters

 

Một người tị nạn chụp hình với Thủ tướng Đức Angela Merket – Ảnh: Reuters

Làn sóng bài người Do Thái đang lan rộng ở châu Âu, đặc biệt là ở Đức, khiến Thủ tướng Angela Merkel phải lên tiếng báo động và kêu gọi ngăn chặn.

Trên chương trình truyền thông hàng tuần của mình, Thủ tướng Merkel hôm 23.1 cho biết phong trào bài Do Thái đang phát triển mạnh ở Đức và đáng báo động hơn những gì người Đức có thể hình dung.

“Bài Do Thái ở Đức lan rộng nhanh hơn nhiều người nghĩ và hành động này cần phải được ngăn chặn, đặc biệt là trong những người trẻ đến từ những nước có mối thù hằn đối với người Israel (Do Thái)”, bà Merkel phát biểu, theo Haaretz. Thủ tướng Merkel kêu gọi tăng cường giáo dục giới trẻ ở Đức về sự đóng góp của cộng đồng Do Thái vào sự phát triển khoa học, văn hoá, xã hội và kinh tế của nước Đức.

Phong trào bài Do Thái không chỉ tồn tại ở Đức với những cuộc biểu tình đòi tẩy chay và đe doạ cộng đồng này mà còn lan sang nhiều nước ở châu Âu, trong đó có Pháp và Anh, là những nước có cộng đồng người Do Thái sinh sống đông hơn nhiều ở Đức. Các tổ chức cực hữu “mọc lên như nấm” ở Pháp, Anh, Đức, Hy Lạp, Hungary, Thuỵ Điển và Ý nhằm chống lại người Do Thái, theo RT.

Nguyên do từ người tị nạn?

Thủ tướng Merkel báo động làn sóng bài Do Thái ở Đức - ảnh 1Biểu tình phản đối Israel và bài Do Thái lan rộng ở châu Âu – Ảnh minh hoạ: Reuters

 

Tổ chức của những người Israel JNS cho biết những người tị nạn xuất phát từ những quốc gia vốn có “hận thù sắc tộc” với người Do Thái và Israel đã làm bùng lên phong trào bài Do Thái ở Đức khi có những nhà lãnh đạo Đức gốc Do Thái  phản đối tiếp nhận dòng người tị nạn.

JNS cho biết nhiều lãnh đạo gốc Do Thái xem dòng người tị nạn là mối đe doạ cho an ninh và trật tự xã hội của nước Đức. Chính những nhà lãnh đạo này đã làm họ tức giận và trả thù bằng những cuộc biểu tình phản đối, kể cả tổ chức những tấn công trực tiếp vào người gốc Do Thái trên đường phố ở Đức.

Ông Josef Schuster, Chủ tịch Hội đồng trung ương người Do Thái ở Đức, trong bài phát biểu hồi tháng 11.2015 cho biết dòng người người tị nạn đến Đức “đã tạo ra môi trường khiến sự thù địch nhằm vào người Israel và phong trào bài Do Thái trở nên phổ biến hơn”, theo Israel National News. Phát biểu này được Thủ tướng Merkel nhắc lại hôm 23.1.

Khoảng 10.000 người Do Thái đã phải rời bỏ châu Âu để trở về Israel hồi năm 2015, Washington Post dẫn nguồn từ truyền thông của người Do Thái.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng bày tỏ quan ngại phong trào này khi tiếp một đoàn người Do Thái ở Đức tại Điện Kremlin hôm đầu tuần. Ông Putin nói rằng sẵn sàng chào đón người Do Thái nếu họ đến nước Nga và xin làm công dân nước này. Nga từng là nơi sinh sống của cộng đồng người Do Thái sau Thế chiến thứ II nhưng đã phải di cư sang châu Âu và Mỹ trong những năm cuối cùng của Liên bang Xô Viết, theo RT.

Minh Quang