25/12/2024

Trung Quốc thôn tính cảng chính của Hi Lạp

Cosco – gã khổng lồ trong ngành vận tải biển Trung Quốc – cuối cùng đã thực hiện được mục đích thôn tính cảng Piraeus của 
Hi Lạp với số tiền 402,1 triệu USD.

 

Trung Quốc thôn tính cảng chính của Hi Lạp

 

 

Cosco – gã khổng lồ trong ngành vận tải biển Trung Quốc – cuối cùng đã thực hiện được mục đích thôn tính cảng Piraeus của 
Hi Lạp với số tiền 402,1 triệu USD.

 

 

 

 

Cảng Piraeus của Hi Lạp ở vị trí đắc địa - Ảnh: Reuters
Cảng Piraeus của Hi Lạp ở vị trí đắc địa – Ảnh: Reuters

Công ty cảng Piraeus (OLP) đã nhất trí bán 67% số cổ phần cho Cosco sau khi tập đoàn này tăng tiền mặt từ 319,7 triệu USD lên khoảng 402,1 triệu USD. Theo thoả thuận, hằng năm Cosco sẽ nộp thuế cho Nhà nước Hi Lạp.

Hãng tin AFP cho biết lộ trình chuyển nhượng sẽ chia làm hai giai đoạn: trước mắt Cosco sẽ sở hữu 51% cổ phần khi hợp đồng được ký và khoảng 16% còn lại sẽ thuộc về họ vào tháng 1-2021 khi tập đoàn này hoàn tất chương trình đầu tư như đã thoả thuận với phía Hi Lạp.

Chính phủ chống lưng

Báo Tài Kinh cho biết Cosco đã nhắm đến việc mua lại cảng Piraeus, cảng biển lớn nhất khu vực Địa Trung Hải, từ hàng chục năm trước. Trên thực tế từ năm 2009, Cosco đã có quyền điều hành hai khu tiếp nhận container ở đây trong 35 năm theo thỏa thuận với giới quản lý cảng Piraeus.

Thêm vào đó, do được sự hậu thuẫn mạnh từ chính quyền Bắc Kinh cũng như có mối quan hệ đặc biệt với giới chức Hi Lạp, Cosco được xem là ứng cử viên nặng ký sẽ giành được quyền mua lại cổ phần của cảng Piraeus nhờ vào mối quan hệ mật thiết với Chính phủ Hi Lạp.

Ngay trước khi công bố thông tin thương vụ chuyển nhượng thành công, ngày 19-1 truyền thông Trung Quốc loan tin Thủ tướng Lý Khắc Cường đã có cuộc điện đàm riêng với Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras.

Qua điện thoại, ông Lý nhấn mạnh đến việc hợp tác trong dự án cảng Piraeus giữa Cosco và OLP như bằng chứng rõ ràng cho mối quan hệ “khắng khít” giữa đôi bên. Tháng 6-2015, trong chuyến thăm chính thức Hi Lạp, ông Lý cũng đã có ý thúc đẩy việc chuyển nhượng này với Chính phủ Hi Lạp.

Giới chuyên gia Trung Quốc cho biết sở dĩ Cosco giành được lợi thế lần đấu thầu này cũng là nhờ “chính phủ giúp đỡ”.

Báo Tài Kinh dẫn nguồn từ Cosco cho biết nhà điều hành cảng container của Đan Mạch APM Terminals và tập đoàn dịch vụ cảng container quốc tế ở Philippines đều quan tâm đến vụ mua cổ phần của OLP.

Tuy nhiên, chỉ có Cosco của Trung Quốc được mời dự gói thầu.

“Ngoài việc đang hiện diện ở cảng Piraeus, người Trung Quốc từ lâu đã có mối quan hệ rất sâu với giới vận tải biển Hi Lạp nên tôi không lạ gì khi Cosco thắng trong vụ chuyển nhượng này một cách dễ dàng” – ông George Xiradakis, nhà tư vấn hàng hải ở Athens, nhận định.

Mơ bành trướng kinh tế

Nhật Báo Trung Quốc dẫn lời giới chuyên gia nước này nhận định cảng Piraeus được coi là điểm chốt cuối cùng của tuyến đường thương mại “Một con đường, một vành đai” mà Bắc Kinh đang ra sức thiết lập để phục vụ cho tham vọng bành trướng kinh tế cũng như gây ảnh hưởng về mặt địa chính trị đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương và quốc tế.

Bắc Kinh thường khẳng định rằng chiến lược này nhằm kết nối Trung Quốc với đối tác thương mại ở châu Á và châu Âu.

Một số ý kiến cho rằng giới chức Trung Quốc đã nhìn xa hơn trong chuyện thôn tính cảng Piraeus, đó là biến nơi này thành cứ địa trung chuyển tàu của các nước xuất khẩu châu Á.

Một mặt thu được nguồn lợi kinh tế cho Cosco, một mặt phục vụ được ý đồ bành trướng địa chính trị sang hướng Đông Âu, cũng như lót đường để hàng hoá Trung Quốc tràn sang thị trường châu Âu nhiều hơn.

Giáo sư chính trị Trường đại học Bắc Kinh Tạ Hiển Vinh cho rằng Piraeus là cảng gần nhất ở khu vực bắc Địa Trung Hải đến kênh đào Suez, nên từ đây hàng Trung Quốc có thể xâm nhập thị trường châu Âu dễ dàng hơn.

“Mọi thứ chỉ mới bắt đầu” – ông Tạ nhận định.

Theo Reuters, trái với sự hồ hởi “kiếm được tiền” từ giới chức Hi Lạp là sự phản ứng gay gắt của người dân.

Ngay khi có tin vụ chuyển nhượng cổ phần của OLP diễn ra, hàng ngàn nhân viên làm việc trong cảng gần đây đã đình công phản đối vì cho rằng mức giá bán quá rẻ. Họ cũng quan ngại sẽ mất việc sau khi nhà thầu Trung Quốc giành quyền 
điều hành cảng.

Truyền thông Hi Lạp cho biết Piraeus chỉ cách phía nam thủ đô Athens vài kilômet, là cửa ngõ chính nối từ Hi Lạp với châu Á, Đông Âu và Bắc Phi. Năm 2014, cảng Piraeus đã tiếp nhận 16,8 triệu hành khách và chuyển vận 36 triệu container hàng hóa.

MỸ LOAN ([email protected])