25/12/2024

“Hội chứng con vịt”

Trước những căng thẳng, dồn ép của áp lực học tập, nhiều em học sinh phải nỗ lực, đấu tranh với chính mình, rồi dằn vặt, tổn thương tâm lý, xuất hiện ý nghĩ tự sát và giải thoát âm thầm.

 GIÁO DỤC DƯỚI MẮT MỌI NGƯỜI

“Hội chứng con vịt”

 

 

Trước những căng thẳng, dồn ép của áp lực học tập, nhiều em học sinh phải nỗ lực, đấu tranh với chính mình, rồi dằn vặt, tổn thương tâm lý, xuất hiện ý nghĩ tự sát và giải thoát âm thầm. 

 

 

 

 

 

 

 

Người ta gọi hiện tượng này là “Hội chứng con vịt” (Duck syndrome).

Con vịt bơi trên mặt nước có vẻ thảnh thơi, nhưng bên dưới đôi chân nó phải đạp liên hồi thì mới có thể nổi trên mặt nước. Tương tự như vậy, các em học sinh của chúng ta cũng đang phải đối mặt với áp lực vô cùng lớn để học tốt, học theo kỳ vọng của gia 
đình, nhà trường.

Cha mẹ quá kỳ vọng

Một bộ phận không nhỏ cha mẹ luôn kỳ vọng quá lớn vào con mình. Sự kỳ vọng này có nhiều nguyên nhân: kỳ vọng do áp lực thành tích và kỳ vọng do ước vọng về một tương lai tốt đẹp cho con.

Trước hết, kỳ vọng do áp lực thành tích, đây là hiện tượng khá phổ biến, nhất là với các em học sinh ở thành thị. Phần lớn cha mẹ muốn con phải đạt được thành tích bằng bạn bè, không bao giờ để con mình thua kém bạn bè. Hơn nữa, do hiện tượng dạy thêm, học thêm tràn lan ở thành thị nên cha mẹ cũng phải dốc toàn lực để con mình có cơ hội học được thật nhiều.

Thậm chí, có không ít bậc cha mẹ còn bị chi phối tâm lý bởi các bậc phụ huynh khác. Hằng ngày họ phải chịu sức ép của dư luận, nào là bàn luận về chuyện con mình học trường nào, môn nào, cô thầy nào dạy hay nhất, uy tín nhất…

Thử nghĩ, làm sao họ có thể chấp nhận để con ở nhà tự học? Ước mơ, hoài bão để giúp con cái trưởng thành sau này, đó là ý tưởng tốt. Tuy nhiên, thực tế có rất ít cha mẹ đánh giá đúng được con cái mình đang sở hữu cái gì, tiềm năng của con đến đâu.

Phần lớn sở thích, nguyện vọng, năng khiếu, lý tưởng, hoài bão… của con, cha mẹ chưa hiểu được một cách đầy đủ. Vì vậy, kỳ vọng của cha mẹ vượt quá giới hạn của con, từ đó con cái họ luôn bị áp lực. Nếu không được giải toả kịp thời thì áp lực tiếp tục đè nặng đứa trẻ và rất dễ nảy sinh các vấn đề tiêu cực.

Tham vấn học đường 
còn hời hợt

Tham vấn học đường là hoạt động trợ giúp tất cả học sinh nâng cao năng lực tự giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong học tập, quan hệ xã hội; định hướng nghề nghiệp; phát hiện sớm và phát triển các chương trình phòng ngừa, can thiệp thích hợp trong nhà trường.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, tham vấn học đường vẫn còn là một lĩnh vực mới mẻ, những nghiên cứu về vấn đề này còn rất ít. Công tác tham vấn học đường ở nước ta mới được các cấp ngành có liên quan lưu tâm trong vòng vài năm trở lại đây, đội ngũ cán bộ tham vấn học đường còn mỏng và còn nhiều thiếu hụt về kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng tham vấn.

Trong khi đó, học sinh của chúng ta nói chung còn khá non nớt về kinh nghiệm sống và kỹ năng ứng phó với những tác động từ bên ngoài. Đa số các em có rất nhiều khúc mắc về tâm sinh lý, trong học tập, trong mối quan hệ với thầy cô, gia đình, bạn bè… nhưng không thể tự giải quyết được.

Một bộ phận không nhỏ trong số đó đã rơi vào trạng thái dồn nén, căng thẳng, lo âu, rối loạn tâm lý, thậm chí còn có ý định tự tử vì không chịu đựng được áp lực quá lớn từ phía gia đình, nhà trường và xã hội.

Vì thế, về lâu dài cần quan tâm hơn đến việc xây dựng hệ thống tham vấn trong nhà trường để hệ thống này đủ mạnh, đủ sâu. Đồng thời trang bị kiến thức, kỹ năng tham vấn cho cán bộ, giáo viên, để mỗi thầy cô vừa là người truyền thụ tri thức, giáo dục nhân cách, vừa là người bạn, người đồng hành tư vấn, định 
hướng tâm lý của học sinh.

Học sinh thiếu kỹ năng sống

Thực tế hiện nay có quá nhiều áp lực nặng nề từ việc học kiến thức, đòi hỏi bản thân các em học sinh phải được trang bị những kỹ năng sống cần thiết để tự vượt qua được. Những kỹ năng như kiềm chế cảm xúc, làm chủ bản thân, kỹ năng hoà đồng tập thể… thật sự rất cần thiết.

Nhưng hiện tại những kỹ năng đó vẫn chỉ mang tính lý thuyết, học sinh rất khó vận dụng vào thực tế. Phải giúp học sinh thể hiện thuần thục các kỹ năng như làm chủ cảm xúc và hành vi bản thân, từ đó mới có thể hình thành năng lực làm chủ hành vi và điều khiển, điều chỉnh hành vi phù hợp trong quá trình học tập.

Quan trọng hơn hết là hướng dẫn học sinh cách giải quyết một cách hài hòa, hiệu quả những căng thẳng nảy sinh trong quá trình học tập, trong các mối quan hệ. Song, cần lưu ý rằng việc hình thành kỹ năng cho học sinh không phải là việc làm một sớm một chiều, mà phải là cả một quá trình thường xuyên, liên tục.

Có thể nói áp lực trong học tập ở mức độ nhất định là cần thiết, nhưng áp lực vượt ngưỡng thì lại phản giáo dục. Mong rằng người lớn cần thay đổi tư duy tích cực. Mỗi phụ huynh cần suy nghĩ rằng: con mình mạnh khoẻ, biết chia sẻ, đồng cảm, mạnh dạn, tự tin, học hành tiến bộ, có được những kỹ năng sống cơ bản… đó là điều hạnh phúc nhất.

Còn ở trường, thầy cô giáo phải thật sự là điểm tựa tinh thần vững chắc cho các em học sinh, họ chính là người định hướng, tháo gỡ áp lực tinh thần, luôn đồng hành trong sự phát triển của học trò.

ThS NGUYỄN VĂN CÔNG (giảng viên tâm lý học ĐH Nguyễn Huệ)