Bi kịch người trẻ sống thay… cha mẹ
Không ít bạn trẻ luôn cảm thấy căng thẳng, chán nản, thậm chí bị tâm thần hoặc tìm đến cái chết do áp lực phải thực hiện những ước mơ, kỳ vọng của cha mẹ.
Bi kịch người trẻ sống thay… cha mẹ
Không ít bạn trẻ luôn cảm thấy căng thẳng, chán nản, thậm chí bị tâm thần hoặc tìm đến cái chết do áp lực phải thực hiện những ước mơ, kỳ vọng của cha mẹ.
“Ba em là bác sĩ, mẹ em làm nha sĩ. Từ khi em còn nhỏ, mẹ cứ nhất định muốn em phải làm nha sĩ giống mẹ. Lúc đó, em cũng chưa có ước mơ, nên em cũng không để ý. Ngay từ bậc tiểu học mẹ em đã mời cô giáo về dạy thêm tận nhà. Lên THCS, em thi đậu vào Trường Trần Đại Nghĩa. Tới lớp 9, em thấy môn lý dễ nên thi vô chuyên lý. Nhưng từ đầu năm lớp 10, mẹ bắt em phải thi lại chuyên hoá để theo khối B, trong khi em biết mình cực kỳ thảm hại với môn hoá. Cả năm học lớp 9, em đã rất căng thẳng với mẹ về chuyện mẹ thích môn hoá. Lúc đó em cũng lo lắng, chán nản dữ dội lắm. Nhưng em không biết là lên THPT, nó còn kinh hoàng hơn nữa. Bởi vì, mẹ cứ thúc ép em học toán, hoá, sinh (khối B), còn em thì ngày càng ý thức rõ ràng hơn là mình thích môn văn và muốn sau này làm nhà báo…”.
Đó là tâm sự của cô gái L.Ng.T.H (ngụ ở Q.Gò Vấp, TP.HCM). Thực ra, ban đầu, H. rất e ngại, không muốn chia sẻ câu chuyện của mình. Nhưng rồi, H. quyết định lên tiếng, với suy nghĩ: “Em mong phụ huynh đọc được và ít nhiều suy nghĩ lại nếu họ đang ép uổng con mình. Và em không muốn có thêm hoàn cảnh nào cũng vì lý do như em mà tự sát”.
Cô gái này kể rằng khi cô mạnh dạn viết một bức tâm thư nói về nghề nghiệp mình khát khao theo đuổi, người mẹ liền gạt phăng: “Đừng có nói đam mê đam miếc gì hết. Chính con mới là người cướp đi giấc mơ của mẹ. Mẹ đã nuôi con 18 năm nay, cho ăn, cho học, tìm cô thầy giỏi cho học thêm. Mẹ làm lụng cực khổ, không dám nghỉ trưa chỉ với một mục đích là nuôi cho con thành nha sĩ…”.
Năm đầu tiên, T.H thi trượt vào Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Sau khi biết kết quả, T.H bị mẹ chửi một trận “long trời lở đất” trong suốt… 4 tiếng đồng hồ. Chịu không nổi, cô gái đã rạch tay tự tử, nhưng được người mẹ kịp phát hiện. Sang năm thứ hai, vẫn không dám trái ý mẹ, T.H thi vào Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và cũng bị rớt. Bất đắc dĩ, mẹ của T.H chấp nhận cho cô chuyển sang học nguyện vọng 2 (khoa dược) ở một trường ĐH khác tại TP.HCM. Cũng trong năm đó, T.H âm thầm thi đậu vào ngành báo chí (hệ tại chức) Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Hiện nay, cô đang là sinh viên năm thứ ba của hai ngành học nói trên. Dù vậy, cảm giác bức bối luôn đè nặng trong cô khi phải dành thời gian cho một ngành học mình không yêu thích: “Mỗi tuần em ngồi phòng thí nghiệm 2 – 3 ngày. Có khi cầm ống máu, nước tiểu đi đo nồng độ các chất trong đó, em chợt hỏi: mình đang làm cái gì xa lạ thế này?”.
Muốn con chọn nghề “cao sang”
Đang là học sinh lớp 12 một trường THPT tư thục tại Q.Tân Phú (TP.HCM), H.T.P.L luôn miệng than thở: “Em chán quá, không muốn học nữa”. Hỏi vì sao như vậy, P.L phân trần: Hồi học THCS, em học rất giỏi khối A (toán, lý, hoá) nên trong gia đình ai cũng ủng hộ, cổ vũ. Từ khi lên lớp 10, em bộc lộ rõ ý định theo khối H (có môn vẽ) và muốn làm nghề thiết kế đồ hoạ thì từ ông bà, bố mẹ đến cô bác đều phản đối quyết liệt.
P.L thổ lộ: “Họ hàng em có nhiều người học khối A, khối B và hầu như ai cũng đi du học. Vì vậy, mẹ em hay đem em ra so sánh với họ. Mẹ nói, con nhà người ta học giỏi các môn tự nhiên, đi Úc, đi Mỹ hết trơn, còn em học dở vậy chỉ có nước học ở VN, sau này không có ai chơi và cũng không kiếm được việc làm”.
Giáo viên chủ nhiệm của P.L dẫn chúng tôi đi xem phòng học khá sinh động do P.L cùng vài người bạn trang trí. P.L khẳng định, em thích học vẽ từ nhỏ. Em từng giành được giải nhất trong đợt làm báo ảnh cho một trường khác. Đem về khoe với mẹ, cô gái nhỏ chưng hửng khi mẹ phán: “Tào lao! Con hãy sống thực tế một chút đi. Mẹ thích con làm trong những ngành cao sang. Con làm có tiền, sướng tấm thân thì tự động con sẽ thích những ngành đó thôi”.
Do tâm trạng chán nản và bất ổn, P.L học hành sa sút. Đặc biệt, điểm trung bình môn toán học kỳ 1 lớp 12 của em mới đây chỉ có 3,7 điểm. Nhìn kết quả này, chẳng ai ngờ trước đó P.L nhiều năm liền là học sinh giỏi và từng được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi toán của trường.
Thạc sĩ Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt TP.HCM, nhìn nhận có một thực trạng tương đối phổ biến ở VN, đó là nhiều vị phụ huynh vốn không đủ điều kiện học hành đến nơi đến chốn hoặc không học được ngành nghề mình ao ước, nên bây giờ họ dồn hết cho con. Trong khi đó, có những em học lực yếu, không muốn học chữ nữa và muốn chuyển sang học các nghề như sửa ô tô, trang điểm, xăm mình nghệ thuật… Thế nhưng, khi nhà trường trao đổi các nguyện vọng này đến với phụ huynh thì đa số đều phản ứng, thậm chí có những phản ứng rất gay gắt.
16,9% học sinh có ý định tự tử
Theo báo cáo kết quả thực hiện y tế trường học giai đoạn 2011 – 2015 tại một hội nghị do Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế tổ chức vào ngày 29.11.2015, số học sinh có ý định tự tử lên đến 16,9%, trong đó có 21,8% phải đến bác sĩ điều trị.
Thời gian qua, đã xảy ra những vụ học sinh, sinh viên tự tử liên quan đến việc bị thúc ép học, chọn ngành chọn nghề trái nguyện vọng bản thân. Chỉ trong năm 2015, đã có ít nhất 2 vụ tự vẫn gây chấn động dư luận. Đó là vụ N.T.H.N (20 tuổi), sinh viên ngành y ở Nghệ An. N.T.H.N ao ước làm giáo viên mầm non và khiếp sợ khi nhìn thấy máu me, nhưng gia đình vẫn muốn H.N học trường y. Gần đây nhất là vụ em Đ.T.T.Tr, học sinh lớp 11 ở Bình Phước. Trước khi chết, T.Tr để lại 5 lá thư tuyệt mệnh, trong đó có những câu: “Con xin lỗi vì không hoàn thành được ước mơ của bố mẹ, làm bố mẹ thất vọng… Con luôn suy nghĩ rằng phải đậu trường công an hay y cho bố mẹ vui lòng nhưng con thực sự rất mệt, con mệt lắm, con buông xuôi tất cả…”.
|
Như Lịch