Bạo lực học đường ám ảnh học sinh: Nỗi sợ hãi đeo bám
Cũng vì bạo lực học đường, nhiều học sinh dở dang chuyện học, hướng đời mình vào những ngả đường không định trước hoặc chìm trong nỗi ân hận muộn màng.
Bạo lực học đường ám ảnh học sinh: Nỗi sợ hãi đeo bám
Cũng vì bạo lực học đường, nhiều học sinh dở dang chuyện học, hướng đời mình vào những ngả đường không định trước hoặc chìm trong nỗi ân hận muộn màng.
“Vào đây em chẳng là gì cả”
N.P.M, 15 tuổi, từng là học sinh (HS) một trường THCS ở Q.8, TP.HCM, trước đây là “đàn chị” của cả 4 khối trong trường. Do nhiều lần đánh bạn để lại thương tích và tổ chức thu tiền bảo kê nên hằng tuần M. đều bị gọi đứng lên trước cờ để cảnh cáo rồi bị đình chỉ học. Tuy nhiên, những hình thức kỷ luật này hầu như không có tác dụng gì.
|
Một HS từng là bạn học cùng lớp với M. kể: “Có lần M. đang ngồi uống nước ở gần trường thì nghe bạn mình nói bị ăn hiếp. Cuối buổi học hôm đó M. đứng đợi ở cổng trường. Khi vừa thấy T., người cho là đã ăn hiếp bạn mình, M. đánh đấm tới tấp khiến T. ngã quỵ ngay cổng trường. Đánh xong, M. về nhà nghỉ học mấy ngày liền. Còn T. bị gãy sống mũi và gãy xương phải nhập viện. Gia đình T. đâm đơn kiện. Với lý lịch của một HS hư, phạm lỗi nhiều lần đã bị lưu hồ sơ nên M. bị đưa vào Trường giáo dưỡng số 4, Long Thành, Đồng Nai…”.
Năm 2015, M. ra khỏi trường này và giờ phụ bán hàng cho gia đình. Chúng tôi gặp M. vào một ngày đầu năm 2016, M. nói: “Cuộc sống trong trường giáo dưỡng rất mệt mỏi. Khi mới vào em phải đi phục vụ mấy anh chị vào trước. Nhưng cũng từ đó em nhận ra nhiều điều. Ở trường em là “trùm” nhưng vào đó em chẳng là gì cả. Thậm chí em còn bị mấy anh chị trong đó đánh hội đồng vì tội không nghe lời. Bây giờ em hiểu đánh thắng bạn không phải là sức mạnh mà chỉ là thể hiện thói hung hăng. Em rất nuối tiếc những ngày tháng học trò đã qua”. M. cho biết thêm, ước muốn lớn nhất bây giờ là được đi học trở lại.
Nếu được làm lại…
Gần 1 năm từ khi đoạn phim nữ sinh Trường THCS Lý Tự Trọng (TP.Trà Vinh) bị đánh hội đồng khiến dư luận bức xúc, chúng tôi gặp lại D.T.V, HS được xem như “thủ lĩnh” trong vụ này. V. hiện đang học lớp 8 trường này. Nghe có người tìm mình, V. tái xanh mặt, núp ló sau lưng các bạn cùng lớp nhưng không chịu gặp. Chúng tôi đợi hết giờ thể dục để gặp nhưng V. “biến mất” nhanh chóng. Tìm đến ngôi nhà trước đây V. thường ở thì người nhà V. chỉ qua nhà nội, nhà nội chỉ sang nhà ba… Những HS cùng lớp nói với chúng tôi “chắc nó sợ nên đi lánh mặt”. Mặc dù vụ việc đã qua một năm nhưng rõ ràng nỗi ám ảnh và sợ hãi của V. vẫn chưa dứt.
Không tiếp cận được V. chúng tôi đành gặp gỡ bà dì hiện V. đang ở cùng. Bà dì này cho biết khi sự việc xảy ra cả nhà đều bất ngờ. V. vốn là đứa trẻ ngoan, học khá tốt. Trước khi đánh bạn V. cũng là nạn nhân của nhiều vụ bạo lực học đường. Cũng từng bị đánh chảy máu răng và sưng mặt. Hỏi ra thì V. cũng giấu, chỉ nói là bị ngã va vào cầu thang. Hoàn cảnh gia đình V. cũng khá éo le. Ba mẹ ly hôn, ba V. giờ đã có vợ mới. V. ở với bà dì, đôi khi về nhà nội, có lúc ở với ba. Dù có địa chỉ cụ thể nhưng chúng tôi không thể xác định được ngôi nhà thật sự của V. hiện tại.
Chúng tôi cũng nhiều lần tìm đến nhà T.B.T, người được xem là đồng phạm với V. nhưng cũng không gặp được khi người nhà đưa ra nhiều lý do như: “Nó đi chơi rồi, về quê rồi…”. Chập choạng tối, chúng tôi bất ngờ quay lại thì thấy T. ngồi cạnh ngôi nhà lá, cột nhà xiêu vẹo và mái lá mục nát. Khuôn mặt non nớt buồn rầu, dường như T. vẫn chưa hết mặc cảm và sợ sệt khi nhắc đến vụ đánh bạn lúc trước. T. nghẹn ngào nói: “Sau khi nhận hình thức kỷ luật của trường, về nhà em chỉ biết khóc. Em sợ không được lên lớp và sợ hơn nữa là ra đường người ta gặp là đánh”.
Cũng từ ngày đó, T. quyết định khoá tài khoản Facebook và ít ra đường. “Cũng vì cái Facebook ấy mà em mới ghét và tham gia đánh P. Mỗi lần em đăng hình hay viết gì lên đó là P. lại vào comment rất khó nghe. Từ đó, sinh ra ác cảm nên khi thấy các bạn đánh P., em mới hành động sai trái, nông nổi như vậy…”, T. thỏ thẻ nói. “Bây giờ nếu được làm lại em sẽ kiềm chế hơn. Sẽ không làm đau bạn ấy như vậy. Hè năm rồi em gặp lại P. ở trường. Em không dám ngẩng đầu lên nhìn P. nhưng trong lòng thì rất muốn hỏi P. còn giận em không? Muốn đứng trước mặt P. nói là mình xin lỗi…”, T. thổ lộ.
Ông Tuấn, cậu ruột của T., cho biết: “Ba mẹ nó thôi nhau lâu rồi, nhà sập nên nó về tá túc với bà ngoại. Ở nhà nó rất ngoan, ai nói gì cũng nghe. Chuyện xảy ra tôi rất buồn. Bản thân tôi cũng công tác ở phường, từng giải quyết nhiều vụ đánh nhau. Bởi vậy, không đợi trường tổ chức đi xin lỗi mà tôi, bà ngoại và mẹ nó đã qua nhà cháu P. xin lỗi một cách chân thành”. Ông Tuấn cho biết thêm: “Gia đình thường xuyên nhắc nhở T. phải cố gắng để học, giữ cho mình một lý lịch sạch, rèn luyện tốt sau này còn có thể làm việc ở địa phương và phục vụ đất nước”.
Kỷ luật có chấm dứt bạo lực học đường ?
Trước thực tế các vụ bạo lực học đường ngày càng có những biến tướng phức tạp, vấn đề đặt ra là những hình phạt như hiện tại có tác dụng răn đe thật sự hay không? Việc cách chức, điều chuyển lãnh đạo có thể thay đổi thực trạng của bạo lực học đường không? Câu trả lời từ thực tế Trường THCS Lý Tự Trọng (Trà Vinh) vẫn là không. Bởi sau khi cách chức, điều chuyển hiệu trưởng, hiệu phó, kỷ luật nhân viên và nhiều HS thì tình hình bạo lực học đường ở trường này vẫn tiếp diễn.
Chỉ một ngày ngồi ở trường nhưng chúng tôi chứng kiến việc nhiều HS chạy xuống gọi thầy xử lý vì bị bạn đánh. Có HS còn ngồi ở phòng phụ trách Đội suốt giờ ra chơi, đợi sau khi vào tiết mới dám lên lớp vì sợ bạn đánh.
Một giáo viên ở trường này cho biết: “Hình thức kỷ luật đuổi học, đình chỉ đối với HS như hiện tại chưa thật sự triệt để. Thay vì buộc HS nghỉ học ở nhà một tuần thì nhà trường và gia đình nên phối hợp tổ chức cho các em gặp mặt. Bày tỏ bằng lời nói trước sự phân xử của người lớn. Thay vì để những đứa trẻ không nhìn mặt nhau thì nên tìm cách để chúng thông cảm cho nhau và hiểu được ý nghĩa của tình bạn. Tạo cho các em cơ hội nói lời xin lỗi và học cách tha thứ. Từ đó chúng sẽ học được cách để yêu thương”.
Giáo viên này nói thêm: “Sau khi P. được một trường quốc tế nhận nuôi và miễn học phí thì nhiều HS nói nhau cứ đánh nhau để… được đi học trường quốc tế. Chúng tôi rất lo ngại khi HS có suy nghĩ này. Chuyển trường, HS sẽ có điều kiện học tập tốt và một không gian mới góp phần quên đi những kỷ niệm đau thương nhưng sẽ tạo một khoảng cách vô hình, khiến các em khó khăn trong việc đối mặt và học được cách tha thứ, hoà nhập”.
|
Ý KIẾN
Từ thách đố trên mạng đến đánh nhau ngoài đời
Hành vi bạo lực thể hiện rằng các cá nhân có những bất ổn về tâm lý và thiếu các kỹ năng giải quyết vấn đề một cách có hiệu quả. HS ở lứa tuổi vị thành niên dễ bị lôi cuốn theo bạn bè vào những hành vi bạo lực khi có xích mích với bạn bè, dù chỉ từ những mâu thuẫn nhỏ. Hành vi bạo lực còn thể hiện thông qua việc HS sử dụng các trang mạng xã hội hình thành các nhóm hoặc tham gia các nhóm chơi game trực tuyến rồi dùng lời lẽ khích bác, thách đố nhau trên mạng. Từ đó dẫn đến việc tìm kiếm nhau thực sự bên ngoài.
Tiến sĩ Hoàng Gia Trang
(Viện Khoa học giáo dục VN) Giáo dục để tránh hành vi lệch chuẩn
Để HS biết yêu thương, tôn trọng lẫn nhau thì không có cách nào khác là phải giáo dục cho các em biết và tránh các hành vi lệch chuẩn, gây tổn thương đến người khác. Ví dụ, HS cần trải nghiệm cảm giác mình bị cô lập, bị xúc phạm ngay chính trong một tập thể ra sao… từ đó tránh gây ra cảm giác ấy cho bạn bè. Không phải HS nào cũng biết mình đang có hành vi bạo hành về mặt tinh thần với bạn bè và hậu quả của hành vi ấy ra sao đâu”.
Nguyễn Thị Phương Anh
(Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội) Phản ứng tiêu cực
Về mặt tinh thần, những đứa trẻ bị bạo lực thường cảm thấy bị tổn thương, lo âu, chán nản, cô đơn, mệt mỏi. Các em rất dễ bị trầm cảm, sợ hãi, ám ảnh, tự cô lập mình với thế giới bên ngoài, gây khó khăn trong cuộc sống thường ngày và ngay cả lúc các em trưởng thành. Thậm chí nhiều em sẽ có phản ứng tiêu cực như tự tử hoặc nổi loạn để trả thù.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà
(Học viện Thanh thiếu niên) Tuệ Nguyễn
(ghi) |
Lam Ngọc