24/12/2024

Singapore muốn ‘hướng ngoại’ nền kinh tế

Hơn 70 lãnh đạo doanh nghiệp và 28 tổ chức thương mại hàng đầu Singapore đồng loạt ký một bản kiến nghị gửi đến chính phủ nước này, với mong muốn thức tỉnh ‘con rồng kinh tế châu Á’ trước nguy cơ bị vượt mặt bởi các nước láng giềng.

 

Singapore muốn ‘hướng ngoại’ nền kinh tế

 

Hơn 70 lãnh đạo doanh nghiệp và 28 tổ chức thương mại hàng đầu Singapore đồng loạt ký một bản kiến nghị gửi đến chính phủ nước này, với mong muốn thức tỉnh ‘con rồng kinh tế châu Á’ trước nguy cơ bị vượt mặt bởi các nước láng giềng.





Đảo quốc sư tử đang tìm cách thoát khỏi lối mòn kinh tế - Ảnh: Corporate LiveWire

 

Đảo quốc sư tử đang tìm cách thoát khỏi lối mòn kinh tế – Ảnh: Corporate LiveWire


Sau một thời kỳ dài phát triển như một trung tâm thương mại, dịch vụ của toàn khu vực, Singapore bắt đầu trăn trở tìm cách thoát khỏi lối mòn, tránh giẫm phải những vết xe đổ của các nền kinh tế lớn khác và chuẩn bị cho những cuộc chinh phục bên ngoài biên giới.

Các chuyên gia kinh tế Singapore đồng loạt nhận định, năm 2016 sẽ là thời điểm đảo quốc sư tử có những cải cách khốc liệt nhất trong lịch sử nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh đối tác thương mại lớn nhất – Trung Quốc – đã có những dấu hiệu bất ổn về kinh tế ngay từ đầu năm.
“Chúng ta sẽ cố gắng “xì” bớt những bong bóng kinh tế đang căng, đặc biệt trong thị trường bất động sản. Tiếp đến là tái cấu trúc để khắc phục sự thiếu hụt về nhân lực và nguồn quỹ đất… Đây không phải những cải cách kinh tế đơn giản, nhẹ nhàng. Vì vậy, tôi cho rằng đây sẽ là tiến trình thay đổi nhạy cảm và khốc liệt nhất chúng ta từng chứng kiến trong cả một thời kỳ dài”, ông Piyush Gupta, Giám đốc điều hành Ngân hàng Phát triển Singapore (DBS), dự báo.
Thách thức từ AEC
Không chỉ phải đối phó với những bong bóng kinh tế phập phồng chờ nổ, kéo theo những đổ vỡ hàng loạt, đảo quốc sư tử còn phải đối diện với tình trạng chung của các nước phát triển – mối nguy từ dân số đang lão hoá nhanh, giá cả lao động đắt đỏ đi kèm với nguy cơ thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực giỏi trong tương lai gần. “Cải cách kinh tế trong thời điểm này, khi chúng ta đã đạt đến tầm thịnh vượng, lại càng khó hơn bao giờ hết. Cùng với thịnh vượng là những trở ngại kèm theo, bao gồm sự lão hoá về dân số và sự thiếu hụt nhân tài”, chuyên gia kinh tế Chua Hak Bin của Ngân hàng America Merrill Lynch trả lời phỏng vấn The Business Times.
Nếu như sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đem lại tín hiệu lạc quan cho các nước láng giềng, vốn giàu nguồn nhân công và đang khao khát mở rộng thị trường, nền kinh tế phát triển nhất khu vực lại lo ngại khả năng bị lấn át trong sân chơi chung, bởi họ không có thế mạnh cả về sản xuất lẫn nguồn nhân công dồi dào.
Uỷ ban Về tương lai kinh tế (CFE), một hội đồng quy tụ 30 nhân vật đứng đầu các cơ quan kinh tế chủ chốt tại Singapore, vừa được thành lập và tổ chức phiên họp đầu tiên ngày 11.1 để vạch ra một danh sách “những việc cần làm ngay” trong năm nay, nhằm giúp nhà cầm quyền kịp thời bẻ lái con tàu kinh tế sang những hướng khả quan hơn mà không ảnh hưởng đến những thế mạnh hiện thời của Singapore, bao gồm lĩnh vực tài chính, ngân hàng và dịch vụ cảng biển.
Hỗ trợ từ nhà nước
Liên đoàn Kinh tế Singapore (SBF), một cơ quan độc lập với CFE, trong tuần qua cũng nhanh chóng đưa ra yếu tố mấu chốt trong công cuộc “thay máu” cho nền kinh tế: phải bước chân ra các nước láng giềng, thay vì giậm chân mãi tại sân chơi quen thuộc của chính mình. “Nhìn vào Singapore ở thời hiện tại sẽ thấy ngay, hầu hết các nguồn lực đều tập trung vào việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài về thị trường trong nước. Nhưng trong bối cảnh mới, chúng ta cần những chính sách khác, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiến ra thị trường bên ngoài”, chuyên gia kinh tế Teh Kok Peng nhấn mạnh.
Trong những kiến nghị mà SBF đệ trình lên chính phủ bao gồm cả một đề nghị táo bạo, ảnh hưởng đến cấu trúc bộ máy chính quyền và chưa từng có tiền lệ: đề nghị bầu ra một bộ trưởng chuyên trách giúp đỡ các doanh nghiệp trong nước phát triển. “Chúng ta có quá ít các doanh nghiệp Singapore vươn ra thế giới, chỉ ngót nghét 300 công ty… Với mục tiêu có 1.000 doanh nghiệp trên thị trường quốc tế mà chính phủ hướng đến vào năm 2020, tôi e rằng chúng ta không thể nào đạt được”, Chủ tịch SBF Teo Siong Seng phàn nàn.
Các chuyên gia của SBF cũng mong muốn nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia các dự án lớn của chính phủ, nơi các công ty nhà nước vẫn luôn nắm lợi thế hàng đầu. Ông Pek Lian Guan, chủ một công ty xây dựng tham gia kiến nghị, kỳ vọng chính phủ sẽ hỗ trợ vốn cho giới doanh nghiệp “hướng ngoại” ra thế giới.
“Khi chúng ta muốn nâng cao năng suất, chúng ta cần đầu tư vào công nghệ kỹ thuật. Và khi có ý định đầu tư, ta sẽ gặp ngay những rào cản. Rào cản của chúng ta là thị trường trong nước quá nhỏ hẹp và đôi khi nhỏ đến mức, ta phải tự hỏi, việc gì cần phải đầu tư lớn?”, ông Pek nêu ra câu hỏi cho chính phủ.
Theo các chuyên gia, cổ vũ chính phủ đầu tư vào các công ty vừa và nhỏ, hỗ trợ họ tiến ra thế giới vừa là cách để xuất khẩu thương hiệu quốc gia, vừa giúp phát huy các sở trường của Singapore, khi cộng đồng AEC trở thành một chiếc bánh đủ lớn và hấp dẫn cho tất cả các nước thành viên cùng chia sẻ. “Thậm chí, nếu tôi không thể chạm tay đến miếng bánh mà anh bạn láng giềng đang sở hữu, tôi vẫn có thể bán cho anh ta muỗng nĩa để ăn bánh”, chuyên gia kinh tế Vishnu Varathan bình luận, nhấn mạnh đến thế mạnh sở trường về thương mại và dịch vụ của Singapore.

Lan Viên