28/12/2024

Bí ẩn biệt đội săn mafia

Sự tồn tại của đội đặc nhiệm chống mafia tại Sicily là ví dụ điển hình cho thấy quyết tâm của cảnh sát Ý trong nỗ lực bài trừ tội phạm băng nhóm.

 

Bí ẩn biệt đội săn mafia

 

Sự tồn tại của đội đặc nhiệm chống mafia tại Sicily là ví dụ điển hình cho thấy quyết tâm của cảnh sát Ý trong nỗ lực bài trừ tội phạm băng nhóm.





Các Catturandi áp giải trùm mafia Bernardo Provenzano - Ảnh: Reuters

 

Các Catturandi áp giải trùm mafia Bernardo Provenzano – Ảnh: Reuters


Mafia dường như đã trở thành một phần của cuộc sống thường nhật tại Sicily qua nhiều thế hệ, và cũng từng ấy thời gian diễn ra cuộc chiến âm thầm nhưng không kém phần nảy lửa giữa cảnh sát và những kẻ đứng ngoài vòng pháp luật.
Bên cạnh những thẩm phán chống mafia nối tiếng như Giovanni Falcone, Paolo Borsellino…, ít ai biết được về sự tồn tại của một đơn vị đặc nhiệm có tên là Catturandi (tiếng Ý có nghĩa là “Truy bắt”). Tạp chí BBC vừa đăng tải câu chuyện về cuộc đời của một trong những đặc vụ bí ẩn của tổ chức này, và hé lộ những chi tiết hiếm hoi về thế giới dường như không tồn tại trước mắt dư luận.
Bầy sư tử
 
 
“Bố già” số 1
Ngày nay, tội phạm bị truy nã số một trong danh sách là Matteo Messina Denaro, biệt danh Diabolik, giống tên của một kẻ trộm không bao giờ bị tóm trong truyện tranh của Ý.
Là “bố già” của mafia Sicily, Denaro xuất hiện lần cuối cùng vào năm 1993, và cảnh sát cho rằng y đang ở nước ngoài, có thể là tại Nam Mỹ. Denaro từng huênh hoang rằng số nạn nhân của y có thể lấp đầy cả nghĩa trang, và hồi năm ngoái có tin “bố già” Ý đã tiến hành liên lạc với những tên tội phạm sừng sỏ khác bằng cách dùng một dạng mật mã có liên quan đến “cừu”. Các thông điệp trao đổi thường có nội dung như “Cừu cần xén lông”, “Cây kéo cần được mài sắc”. Theo tờ The Guardian, tổng cộng 11 tên đã bị bắt ở Sicily, nhưng bản thân Denaro vẫn biệt tăm.
 

Hiếm khi nào các thành viên Catturandi xuất hiện, trừ phi vừa kết thúc một vụ truy bắt trùm mafia. Có thể nói họ là những người “không tên tuổi lẫn danh tính”, nhân dạng bị che đậy đằng sau mũ trùm đầu màu đen, và không được quyền tiết lộ công tác ngay cả đối với những người thân yêu nhất. Thay vì Catturandi, họ tự xưng là “Bầy sư tử” vì bản chất hoạt động của nhóm này khá giống loài thú dữ trên thảo nguyên: tự do, hoang dã, luôn trong trạng thái rình mồi và sẵn sàng tấn công bất cứ lúc nào.

Theo tiết lộ của đặc vụ có biệt danh IMD, số thành viên của Catturandi không đến 20 người, nhằm hạn chế tối thiểu hành tung để tránh bị phát hiện. “Trước đây, bọn xấu gửi thư doạ giết, gửi đầu dê đẫm máu tới tận nhà, thật là cảnh tượng chẳng vui vẻ gì”, theo IMD. Thậm chí có lúc họ còn nhận được ảnh chụp bảng số xe bị đánh dấu chữ thập màu đỏ. Cần nhớ rằng vào thời đó mafia Ý có thói quen cho nổ tung ô tô của những người can thiệp vào chuyện của chúng, ví dụ như vụ ám sát thẩm phán chống mafia Paolo Borsellino vào ngày 19.7.1992 tại Palermo, Sicily. IMD thừa nhận chiêu đe doạ này đã khiến một số đồng nghiệp chuyển ngành, nhưng theo thời gian nguy cơ ám sát cũng được giảm đi đáng kể.
Trong 2 thập niên hoạt động, IMD đã hỗ trợ bắt giữ gần 300 tên mafia, bao gồm Giovanni Brusca, biệt danh “Con lợn”, kẻ khét tiếng vì đã bắt cóc và tra tấn đứa con trai mới 11 tuổi của một tên mafia cả gan phản bội y. Brusca đã giết chết đứa bé và dùng a xít hủy xác để gia đình không thể chôn cất. Chính sự khát máu và tàn nhẫn vô giới hạn này của Brusca đã thúc đẩy IMD gia nhập lực lượng.
Vào ngày 23.5.1992, bọn mafia đã cài nửa tấn chất nổ dưới con đường dẫn đến phi trường quốc tế Palermo, giết chết thẩm phán chống mafia hàng đầu thời đó là Giovanni Falcone. Kết quả điều tra sau đó xác nhận chính Brusca là kẻ đã ấn nút kích nổ bom. IMD kể lại rằng vào thời điểm tung lưới, bọn tội phạm thường có những phản ứng khá bất ngờ: Brusca khóc thút thít như trẻ con, còn Bernardo Provenzano, “trùm của các ông trùm” thuộc băng Corleonesi, lại tỏ ra im ắng ngoại trừ lúc rít vào tai của đặc vụ: “Bọn mày không biết mình đang làm gì đâu”.
Như hình với bóng
Luôn hoạt động trong bóng tối, IMD và đồng sự âm thầm bám theo các mục tiêu trong thời gian dài, có thể lên đến vài chục năm, trước khi phát lệnh bắt chính thức. Họ tìm cách nghe lén các cuộc đối thoại, hầu như theo sát đối tượng mọi lúc mọi nơi, đến nỗi các đặc vụ Catturandi có cảm tưởng mình đang sống cuộc đời của đối tượng.
Một trong những người mà họ theo dõi là bác sĩ ở Palermo, hiện đã bị tống giam. “Ông ta thật sự có kiến thức, tất cả chúng tôi đều học rành văn chương Ý khi nghe ông này nói chuyện. Chúng tôi ghi chú lại, xem những cuốn sách mà ông ấy giảng giải cho các con. Cũng giống như nghe một chương trình qua đài phát thanh và ai nấy đều bị mê hoặc trước tài năng, lối tư duy và sự sáng tạo của đối tượng. Khó có thể tin rằng ông ta lại là một kẻ cướp giấu mặt”, theo IMD. Hậu quả là vài tuần sau khi mục tiêu bị tóm gọn, cả nhóm đều bị rơi vào tình trạng hụt hẫng.
Mặc dù không còn hùng mạnh như cách đây 20 năm, nhưng mafia Sicily vẫn là vấn đề nan giải tại hòn đảo có bề ngoài hiền hoà và thanh bình của Ý. “Bọn chúng biết rõ không thể tùy tiện giết người như trước, nên giờ đây toàn bộ hệ thống đã phát triển theo hướng dệt thành một mạng lưới phức tạp chứa đầy những lợi ích đan xen trong chính giới, tài chính và ăn sâu đến tận gốc rễ cấu trúc xã hội của Sicily”, theo IMD.
Đối với một số người, đặc biệt là giới tuổi choai choai và các du khách, mafia dường như vẫn là một điều gì đó bí ẩn và huyền hoặc. Trên những góc phố ở Palermo, các quầy hàng tiếp tục phát loa quảng cáo áo thun “bố già”, các bật lửa hình khẩu súng và tượng của các thành viên mafia. Cách đó một toà nhà là con đường mang tên Via D’Amelio, nơi vào ngày 19.7.1992 đã diễn ra một vụ nổ bom xe khiến thẩm phán Paolo Borsellino thiệt mạng. Ông được xem là “người thiện của Palermo” vì lập trường kiên định chống cái ác.
“Những con đường đó đại diện cho một nghịch lý, giống như bản thân thành phố này. Chúng tôi muốn được văn minh như phần còn lại của thế giới, nhưng ai nấy đều chưa buông bỏ được sự mê hoặc sai trái về thế giới ngầm của bọn tội phạm”, IMD kết luận.

Thuỵ Miên