28/12/2024

Khơi gợi niềm đam mê khoa học trong giới trẻ

Hôm qua 16-1, hai sân chơi lớn về khoa học – công nghệ dành cho giới trẻ đã diễn ra tại TP.HCM, thu hút hàng ngàn bạn trẻ từ học sinh tiểu học đến sinh viên tham dự.

 

Khơi gợi niềm đam mê khoa học trong giới trẻ

 

 

Hôm qua 16-1, hai sân chơi lớn về khoa học – công nghệ dành cho giới trẻ đã diễn ra tại TP.HCM, thu hút hàng ngàn bạn trẻ từ học sinh tiểu học đến sinh viên tham dự. 

 

 

 

 

Các bạn nhỏ thích thú với bài học lập trình điều khiển robot tại ngày hội STEM - Ảnh: K.Anh
Các bạn nhỏ thích thú với bài học lập trình điều khiển robot tại ngày hội STEM – Ảnh: K.Anh

 

 

Từ những sân chơi này, các đơn vị tổ chức mong muốn khơi gợi niềm đam mê khoa học trong giới trẻ, kích thích tư duy sáng tạo, giúp các bạn trẻ có phương pháp tiếp cận lĩnh vực khoa học – công nghệ.

Ngày hội khoa học – công nghệ tại Nhà văn hóa Thanh niên thu hút nhiều CLB khoa học từ các trường hội tụ cùng chia sẻ, thắp lên niềm say mê khoa học trong sinh viên, thanh niên. Còn “Chuyến du hành vũ trụ STEM” lần đầu tiên tổ chức tại TP.HCM (diễn ra tại Trường ĐH Sài Gòn) cũng hết sức hấp dẫn với các bạn nhỏ là học sinh tiểu học và THCS…

Bị “hớp hồn” bởi sự thú vị của khoa học

Tại ngày hội STEM – viết tắt của khoa học (science), công nghệ (technology), kỹ thuật (engineering) và toán học (mathematics), nhiều lớp học trải nghiệm được thiết kế như “hớp hồn” các bạn nhỏ bởi sự thú vị của khoa học.

Các em học sinh khối 4 và 5 dán mắt vào màn hình tìm hiểu về hệ Mặt trời cùng với sự hướng dẫn của diễn giả. Ngay sau đấy, các em chia nhóm để ráp mô hình hệ Mặt trời. Nhiều câu hỏi của các em cũng được đặt ra. Giang Văn Khoa, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Kim Đồng (Kiên Giang), nhanh nhảu: “Cô ơi, cho em hỏi tại sao các hành tinh lại lơ lửng trong vũ trụ?”, “Tại sao ở sao Hỏa lại lạnh mà không nóng như tên của nó hả cô?”…

Từng câu trả lời của cô khiến đám học trò ồ lên thích thú. Để có mặt tại ngày hội khám phá những kiến thức khoa học này, Khoa và hai người bạn cùng lớp đã được thầy giáo tin học Phạm Hoàng Phong dẫn đến TP.HCM từ tối hôm trước.

“Nghe có chương trình thú vị nên nhà trường và phụ huynh các em đã tạo điều kiện để các em được trải nghiệm. Chúng tôi sau khi đi tham quan về sẽ đề xuất để các trường có thể tổ chức những sân chơi khoa học hấp dẫn với các em hơn. Được thực hành những điều các em từng học ở môn khoa học tự nhiên, các em thích thú lắm” – thầy giáo Hoàng Phong chia sẻ.

Vừa kết thúc sự trải nghiệm tại lớp học tìm hiểu về hệ Mặt trời, các bạn nhỏ lại tiếp tục cuộc phiêu lưu khác. Đến lớp học lập trình robot, các em lại hào hứng ngồi trước màn hình máy vi tính để thầy giáo hướng dẫn cách nạp “trí nhớ” cho “bộ não” của robot rồi điều khiển để những robot mang hình chiếc xe biết chạy đúng đường, đến đúng đích và lùi về đúng điểm xuất phát ban đầu.

“Em rất thích chơi lắp ráp nên hôm nay được học điều khiển robot em khoái lắm” – Dương Khang, học sinh lớp 5, cho biết. Lớp học “làm tuyết nhân tạo” cũng khởi động bằng trò ảo thuật của người hướng dẫn khiến các bạn nhỏ há hốc khi người hướng dẫn có thể trút ly nước mà không đổ.

Đấy chính là phần dẫn dắt để các em nhỏ bước vào quy trình thí nghiệm làm tuyết nhân tạo hết sức thú vị. Say sưa cầm những lọ thuỷ tinh làm thí nghiệm, dưới sự hướng dẫn của các anh chị, ai cũng có một lọ thủy tinh chứa tuyết với đủ màu sắc để mang về.

Có hơn chục lớp học thú vị như thế đã được thiết kế để các bạn nhỏ trải nghiệm góp phần thắp lên tình yêu khoa học trong các em. Lớp học làm tên lửa từ vỏ chai nước cũng thu hút nhiều em tham gia. Nhan Tuệ Nghi, học sinh lớp 5 (Q.Bình Tân, TP.HCM), đến từ sớm với mong muốn được trải nghiệm tất cả các lớp học khoa học thú vị này.

“Khi bắn được tên lửa vào tấm phông là hình ảnh tượng trưng cho vũ trụ, em cảm thấy rất vui. Về trường, em cũng sẽ hướng dẫn bạn bè mình cùng chơi trò này” – Tuệ Nghi cho biết.

Tham gia với các bạn nhỏ còn có nhiều phụ huynh cùng tìm hiểu về phương pháp khơi gợi niềm đam mê khoa học cho con trẻ. Chị Trương Minh Lý (Q.2), dẫn hai cậu con trai cùng đến ngày hội, cho biết: “Ở nhà hai anh em thường chơi trò lắp ráp nên hôm nay đến đây tham gia nhiều trò chơi khoa học các cháu rất thích”.

Sân chơi khoa học trẻ

Tại Ngày hội khoa học – công nghệ ngay từ sáng 16-1, khu không gian sân 37A của Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM tập trung khá đông bạn trẻ tham quan các gian hàng sáng tạo do các bạn sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) “chủ xị”. Gian hàng chế tạo nến nghệ thuật từ các phản ứng hóa học để làm thành những lọ nến thủy tinh khắc tên nghệ thuật thu hút sự chú ý của các bạn trẻ.

Sau khi xem các bạn trong CLB Hoá học “trình diễn” các công đoạn nấu, pha trộn những hóa chất thành nến sáp nghệ thuật, những thành viên tham gia còn được giải đáp, tự tay làm ra những lọ nến thủy tinh nghệ thuật cho riêng mình.

Bên cạnh đó, những chú robot tự động của những chàng trai công nghệ thông tin cũng “hút khách” không kém. Những màn biểu diễn của những chú robot tự động luôn giành được những tràng pháo tay cổ vũ của đông đảo bạn trẻ tham quan.

Dịp này, bạn Võ Hồ Ái Quý (sinh viên khoa hóa ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM) cùng nhóm bạn mang đến ngày hội những giải pháp hoá học làm giảm thiểu chất phèn trong nông nghiệp và sáng tạo thêm những tinh thể hóa học nghệ thuật sau một thời gian dài nghiên cứu.

Nhiều không gian sáng tạo khác như quà tặng sáng tạo, nghệ thuật xếp giấy… cũng thu hút khá đông bạn trẻ. Bạn Ái Quý chia sẻ: “Nghiên cứu khoa học là niềm đam mê của mình. Được nghiên cứu, sáng tạo và tìm tòi những kiến thức mới là động lực thúc đẩy bản thân nhiều hơn trong học tập và nghiên cứu”.

Tham gia ngày hội từ sáng sớm, bạn Lê Minh Huy (sinh viên năm 2 Trường CĐ Cao Thắng) bộc bạch: “Đến với ngày hội, mình muốn xem và học hỏi thêm các bạn trường khác. Nhìn những sản phẩm sáng tạo ấy càng tạo động lực cho bản thân phấn đấu, cố gắng hơn trong việc học tập cũng như nghiên cứu khoa học”.

Cũng trong sáng 16-1, 10 thí sinh xuất sắc nhất cuộc thi thiết kế poster, panô, apphich “Tôi yêu thành phố tôi” đã thuyết trình trước hội đồng giám khảo trong vòng chung kết. Đây là cuộc thi dành cho các bạn trẻ yêu thích về thiết kế đồ hoạ bằng máy vi tính, có khả năng sử dụng tốt các phần mềm đồ hoạ thông dụng như: Adobe Photoshop, Corel Draw, Adobe Illustrator…

Các thí sinh tham gia sẽ thiết kế một sản phẩm như poster, banner, brochure, tờ rơi theo các chủ đề: kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, đón chào Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, sự phát triển của TP.HCM…

Ngoài ra, các bạn trẻ còn tham gia sân chơi “Khoa học vui”, hội thảo “Marketing trong công nghệ số”, cuộc thi “Chìa khoá vạn năng”…

Anh Võ Công Anh – giám đốc Trung tâm Triển lãm TP.HCM, giám khảo cuộc thi – đánh giá các sản phẩm tham gia cuộc thi đều có tính mỹ thuật cao, đặc biệt các bạn trẻ đã truyền tải nhiều thông điệp về sức trẻ thành phố năng động, khát khao vươn lên của bạn trẻ cũng như lồng ghép kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đoàn rất tốt.

Theo anh Nguyễn Thành Đạt – trưởng phòng công nghệ thông tin Nhà văn hoá Thanh niên TP.HCM, trưởng ban tổ chức ngày hội, chương trình mong muốn giúp các bạn trẻ có cơ hội giao lưu, học tập kinh nghiệm, hình thành những đội, nhóm, CLB có cùng sở thích trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin.

Sinh viên đến tham quan, tìm hiểu trong Ngày hội khoa học - công nghệ tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM - Ảnh: Tùng Nguyễn
Sinh viên đến tham quan, tìm hiểu trong Ngày hội khoa học – công nghệ tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM – Ảnh: Tùng Nguyễn

“Ngoài việc cha mẹ tạo điều kiện cho các con học tập, khám phá, nếu ngày hội được tổ chức thường xuyên sẽ góp phần nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học của các cháu” – chị Trương Minh Lý (Q.2) nêu ý kiến.

Anh Đoàn Kim Thành – giám đốc Trung tâm phát triển khoa học công nghệ trẻ Thành đoàn TP.HCM, đơn vị phối hợp tổ chức ngày hội STEM – cho biết: “Ngày hội STEM tại TP.HCM là dịp giới thiệu và đặt vấn đề về phương pháp giáo dục STEM tại VN với giáo viên, học sinh và phụ huynh với mong muốn khát khao đổi mới và tiếp cận cách giáo dục tiên tiến.

Ngày hội cũng là dịp kết nối các bạn trẻ yêu khoa học – công nghệ, tạo điều kiện để các bạn bổ sung kiến thức mới theo hướng hiện đại hóa để chuẩn bị nguồn nhân lực trẻ, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ dám làm trong tương lai. Chúng tôi sẽ luôn tìm kiếm để tạo những sân chơi khoa học bổ ích cho giới trẻ”.

KIM ANH – PHƯỚC TUẦN