28/12/2024

‘Jakarta không sợ’

Sau cuộc khủng bố, Jakarta hồi phục nhanh như chớp. “Chúng tôi là một quốc gia tràn đầy lòng bao dung và sự thấu hiểu. Khi đoàn kết lại, chúng tôi sẽ trở nên mạnh mẽ”.

 

‘Jakarta không sợ’

 

Sau cuộc khủng bố, Jakarta hồi phục nhanh như chớp. “Chúng tôi là một quốc gia tràn đầy lòng bao dung và sự thấu hiểu. Khi đoàn kết lại, chúng tôi sẽ trở nên mạnh mẽ”.





Đoàn người biểu tình với hoa hồng và hàng chữ “Chúng tôi không sợ hãi” - Ảnh: Nguyễn Tập

Đoàn người biểu tình với hoa hồng và hàng chữ “Chúng tôi không sợ hãi” – Ảnh: Nguyễn Tập


Hàng trăm người đã tụ tập tại Sarinah (Jakarta, Indonesia), nơi cuộc khủng bố diễn ra ngày 14.1 làm ít nhất 7 người chết và 26 người bị thương, cùng hát vang những bài hát hòa bình và giương cao biểu ngữ với hàng chữ: “Chúng tôi không sợ”.

Sau cuộc khủng bố, Jakarta hồi phục nhanh như chớp: chưa đến hai ngày. Sáng 16.1, các cửa hàng kinh doanh trong toà nhà Skyline, nơi bị đánh bom, đã sáng đèn hoạt động trở lại, hàng rào đã được dỡ bỏ. Hệ thống cà phê Starbucks tại Jakarta cũng mở cửa trở lại với lời cam kết sẽ hợp tác với chính quyền địa phương chặt chẽ hơn để kịp thời cung cấp thông tin mới nhất cho khách.
Hôm thứ sáu 15.1, Tổng thống Indonesia Joko Widodo lần thứ hai đến hiện trường vụ tấn công để thăm các cơ sở dịch vụ xung quanh. “Mọi người đã trở lại nếp sống thường ngày”, ông nói.
Nơi yêu thương còn mãi
Trên mạng xã hội tại Indonesia, những lời thương tiếc, buồn đau về mất mát vừa qua đã lần lượt được thay bằng làn sóng những dòng chữ cả bằng tiếng Indonesia “Kami Tidak Takuk” và bằng tiếng Anh “We are not afraid” (Chúng tôi không sợ).
Và một câu chuyện lịch sử thú vị cũng được nhắc lại tại Sarinah, nơi chứng kiến vụ khủng bố. Toà nhà này được tổng thống đầu tiên của Indonesia là Sukarno đặt theo tên của chị vú em, người đã dạy tổng thống thuở thiếu thời những bài học đầu tiên về tình yêu thương và sự tận tuỵ chăm sóc mọi người. Nửa thế kỷ trôi qua, chỉ một ngày sau cuộc tấn công, hàng trăm người đã tụ tập tại hiện trường, lại tiếp tục lan truyền bài học Sarinah đã dạy Tổng thống Sukarno thời nhỏ: lòng yêu thương.
Hòa trong đoàn người tay cầm hoa, biểu ngữ, cô Linna Jay, nhân viên Ngân hàng Maybank tại Jakarta nói với Thanh Niên: “Chính bọn khủng bố, kẻ gieo rắc tang thương cho những người dân vô tội mới phải là kẻ sợ hãi. Còn chúng tôi là người lương thiện, không lý do gì phải sợ chúng”.
Những người nổi tiếng, nhiều nhóm biểu tình ôn hòa cũng đến đây để cùng giương biểu ngữ phản đối khủng bố: “Jakarta đoàn kết chống lại khủng bố”, “Chúng tôi không sợ”, “Học sinh không sợ”… để cùng hát những bài hát kêu gọi hoà bình nổi tiếng của John Lennon – thành viên nhóm nhạc Beatles.
“Người dân Jakarta tụ tập tại đây theo tiếng nói của con tim. Chúng tôi là một quốc gia tràn đầy lòng bao dung và sự thấu hiểu. Khi đoàn kết lại, chúng tôi sẽ trở nên mạnh mẽ”, Phó thị trưởng Jakarta, Djarot Saiful Hidayat phát biểu tại cuộc biểu tình chiều 15.1.
'Jakarta không sợ' - ảnh 1

Quán cà phê Starbucks bị đánh bom đang được sơn sửa lại – Ảnh: Nguyễn Tập

Đối phó với khủng bố
Trong ngày 16.1, lực lượng an ninh Indonesia đã tạm giữ 12 người có liên quan đến đợt tấn công vừa qua. Những nghi phạm này bị bắt từ miền tây, trung tâm Java và miền đông Kalimantan. Chỉ huy cảnh sát quốc gia, tướng Badrodin Haiti cho biết cảnh sát vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng để đối phó với nạn khủng bố. “Jakarta đã an toàn. Mọi người không cần lo lắng và sợ hãi nữa”, ông trấn an.
Nếu như cảnh sát siết chặt an ninh hơn để đối phó với khủng bố thì các tổ chức Hồi giáo tại Indonesia cũng có cách của họ. Said Aqil Siradj, Chủ tịch tổ chức Hồi giáo Nahdlatul Ulama lớn nhất Indonesia với 40 triệu thành viên đã lên tiếng kêu gọi mọi người đừng bị “dụ dỗ” bởi bất kỳ tổ chức nào kêu gọi thánh chiến hoặc hành động vì tôn giáo nhưng thực chất là khủng bố hoặc thực hiện chủ nghĩa tôn giáo cực đoan.
Cùng thời điểm, Haedar Nashir, Chủ tịch tổ chức Hồi giáo Muhammadiyah lớn thứ hai Indonesia với khoảng 30 triệu thành viên cũng kêu gọi công chúng giữ bình tĩnh và đặt niềm tin vào các cơ quan an ninh. “Chống khủng bố cần được tiến hành một cách toàn diện thông qua nhiều cách tiếp cận khác nhau”, ông nói.
Ngày 16.1, Jakarta đã trở lại nhịp sống bình thường. Văn phòng, trường học, chợ vẫn mở cửa vào buổi sáng như mọi khi, xe vẫn tiếp tục kẹt vào giờ cao điểm, thị trường chứng khoán dường như không xáo trộn bởi những mối quan tâm an ninh mà còn có khuynh hướng đi lên (tăng 5,8 điểm trong phiên giao dịch buổi sáng). Thậm chí, ngay tại nơi nổ bom, xả súng vừa rồi, bên cạnh những người đặt vòng hoa tưởng niệm, giăng biểu ngữ biểu tình ôn hòa, còn có rất nhiều người dân đến đây để… chụp hình lưu niệm.
Cuộc sống đang diễn ra tại Jakarta có lẽ trái với mong đợi của những kẻ khủng bố. Sự thay đổi có chăng là chính quyền sở tại càng cảnh giác và siết chặt an ninh hơn, ý thức của người dân về sức mạnh cộng đồng càng tăng hơn, người dân và chính quyền càng xích lại gần nhau hơn trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.
Mộng chỉ huy IS tại Đông Nam Á
Nghi phạm chính chủ mưu vụ tấn công đã được Indonesia điểm mặt đó là Bahrun Naim, hiện có thể đang ở Raqqa, “thủ phủ” của IS tại Syria. Trên Jakarta Post, chuyên gia về khủng bố Ridwan Habib cho biết, sau đợt tấn công tại Paris 2015, phát ngôn viên của IS là Abu Muhammad al-Adnani đã kêu gọi các cảm tình viên của IS hãy tấn công vào “những kẻ ngoại đạo” trong bất kỳ điều kiện hoặc chiến thuật nào. “Bahrun Naim đã nghe theo lời kêu gọi đó và hắn có thể được thăng chức như một phần thưởng cho hành động vừa qua”, ông nói.
Trong khi đó, chuyên gia về khủng bố khác là Al Chaidar cũng nhận định đó có thể là hành động bộc phát của Bahrun để chứng tỏ lòng trung thành và đạt được tham vọng cá nhân trong sự nghiệp thánh chiến. “Hắn muốn gây sự chú ý để có thể được thăng chức chỉ huy IS khu vực Đông Nam Á. Điều này rất khả thi vì các chiến binh đến Syria gia nhập IS từ Philippines ít hơn đến từ Indonesia. Chưa kể sau cuộc tấn công này, cơ hội trở thành chỉ huy của hắn tăng lên rất cao”, ông Al Chaidar nói.


Sân bay Hàn Quốc bị dọa đánh bom
Cảnh sát Hàn Quốc ngày 16.1 đã tăng cường an ninh sau khi sân bay quốc tế Gimpo ở phía tây thủ đô Seoul nhận được một cuộc gọi điện quốc tế đe dọa cho nổ tung mọi sân bay ở nước này.
Hãng Yonhap dẫn nguồn từ cảnh sát cho hay, kẻ thực hiện cuộc gọi vào sáng 15.1 là một phụ nữ nói tiếng Hàn và người này khẳng định thuốc nổ đã được cài ở mọi sân bay của Hàn Quốc. “Bọn bay sẽ chết hết. Không chỉ bọn ta mà các ngươi cũng bị nổ tung”, theo nội dung cuộc gọi. Cảnh sát sân bay và các lực lượng đặc nhiệm phản ứng nhanh đã nhanh chóng lục soát 15 sân bay và mọi khu vực gần đó song chưa thấy gì khả nghi.
Do cuộc gọi được chuẩn bị kỹ lưỡng nên cảnh sát và cơ quan tình báo Hàn Quốc kết luận không thể xem thường cuộc gọi trên và đã lập đội ứng phó tại một đồn cảnh sát ở Seoul. Cảnh sát còn cho rằng cuộc gọi có thể được thực hiện từ Lào và dự định sẽ đề nghị Interpol hợp tác điều tra sau khi xác định được chính xác địa điểm.
Danh Toại

Nguyễn Tập 
(từ Jakarta, Indonesia)