28/01/2025

Bạo lực học đường ám ảnh học sinh

Bạo lực học đường ngày càng trở nên phổ biến, khốc liệt và phức tạp hơn. Vì bạo lực học đường, nhiều học sinh trở nên bấn loạn, sợ hãi, thường xuyên nghỉ học.

 

Bạo lực học đường ám ảnh học sinh

 

Bạo lực học đường ngày càng trở nên phổ biến, khốc liệt và phức tạp hơn. Vì bạo lực học đường, nhiều học sinh trở nên bấn loạn, sợ hãi, thường xuyên nghỉ học. 



 


Các vụ học sinh đánh nhau trong thời gian qua – Ảnh: cắt từ các clip


Có học sinh thậm chí bỏ học, chuyển trường, nhưng vẫn không tìm được lối thoát.

Thích là đánh, không cần lý do
Thùy V. (16 tuổi, học sinh (HS) một trường trung học ở Q.8, TP.HCM) là nỗi ám ảnh với toàn bộ HS khối 10 trong trường. “V. nổi tiếng với nguyên tắc thích là đánh, không cần lý do”, H. (HS cùng lớp với V.) sợ sệt mở đầu câu chuyện với chúng tôi.
Các vụ học sinh đánh nhau trong thời gian qua - 2




Bạo lực học đường ám ảnh học sinh - ảnh 2
Bây giờ mỗi ngày đến trường với em đáng sợ giống như đi vào địa ngục vậy

Bạo lực học đường ám ảnh học sinh - ảnh 3

Học sinh tên L.

Theo các HS cùng lớp, V. thường xuyên mang theo dao bấm khi đi học. V. lập nhóm 7 – 8 HS cùng trường vừa chơi chung vừa sai khiến. Hễ ghét ai, V. kêu những thành viên trong nhóm đánh người đó. Thành viên nào không theo lời thì V. tẩy chay, cho ra khỏi nhóm, sau khi “thụ” hình phạt bị cả nhóm đánh hội đồng. Bởi vậy, hầu hết HS trong khối đều sợ V.
“Có lần, giờ ra chơi em đang ngồi trong lớp học thì bị V. đá vào mặt, tay, lưng. Đánh xong, V. quay lại nói với mấy bạn trong lớp là tao đang nói chuyện mà nó dám quay xuống nhìn”, L., một người thường xuyên bị V. đánh, kể: “Có lần V. sai đàn em trong nhóm tát nhiều cái vào mặt em. Sau đó, V. xuất hiện bảo: Sao mày không nói, không cười giống như bị câm vậy? Thấy tao pha trò mà mày không cười? Hay là mày khinh tao?”. “Bây giờ mỗi ngày đến trường với em đáng sợ giống như đi vào địa ngục vậy”, L. nói với gương mặt sợ hãi và mắt ngấn nước.
Không chỉ đánh bạn, V. còn thường xuyên vận động cô lập, chia rẽ và nói xấu các thành viên trong lớp. P.K.H, học cùng lớp V., vì chăm học nên bị V. đánh nhiều lần, tẩy chay, cô lập. V. cấm những HS trong lớp không được chơi với H., hễ ai chơi hoặc đi cùng H. là sẽ bị đánh.
Các vụ học sinh đánh nhau trong thời gian qua - 3

“Nói ra xem ai… cứu được mày”
D. (học cùng trường với V.) có iPhone 6 và xe máy riêng nên thường xuyên bị V. bắt nạt do “nhà có điều kiện”. Nhiều lúc D. bị nhóm của V. giật điện thoại, tháo ra từng mảnh. “V. bắt em lấy xe máy của mình đưa đón những thành viên trong nhóm đi học. Giờ em là chân sai vặt của cả nhóm”, D. nói. Chúng tôi hỏi D. tại sao không báo với thầy cô và gia đình để tìm cách tháo gỡ? D. xua tay: “Em đã từng xin ba mẹ chuyển trường nhưng ba mẹ nói cứ học xong cấp 3 đi rồi tính. Mà em nghĩ ba mẹ không thể đi học cùng mình, thầy cô thì không thể sát bên cạnh. Nói ra biết đâu chuyện không được giải quyết mà lại bị đòn. Hơn nữa có lần V. bảo: Nói ra đi xem ai cứu được mày!”, D. sợ sệt kể.
Các vụ học sinh đánh nhau trong thời gian qua - 4

Băng nhóm bảo kê tống tiền HS
Một công an P.7 (Q.3, TP.HCM) phụ trách trật tự tại một trường học khá nổi tiếng cho biết nhiều năm nay trường này có 7 – 8 nhóm thường xuyên tổ chức đánh nhau.
Theo công an này, HS các lớp đầu cấp như lớp 6 và lớp 10 thường bị đánh nhiều nhất do mới thay đổi môi trường học. “Lạ nước, lạ cái nên chỉ cần nhìn mặt không ưng là ngay lập tức các đàn anh lớp trên kéo băng xuống hẹn ra quán… nói chuyện. HS bị hỏi có tỏ thái độ phản kháng là ngay lập tức bị… xúc liền. Ngược lại, nếu là dân cộm cán biết luật sẽ gọi anh em, họ hàng và những người có tiếng nói lên gặp nói chuyện để chào sân và kết đội”, công an này nói thêm.
Các vụ học sinh đánh nhau trong thời gian qua - 5

Cũng theo thông tin từ Công an P.7, Q.3, hiện tại địa bàn đơn vị quản lý có một trường THCS là điểm đen của bạo lực học đường. Hầu hết HS trong trường không lạ lẫm với cái tên “Trực Núi”. Trực là “đại ca” cầm đầu một nhóm gồm những HS trong trường và một số HS cộm cán ở các trường lân cận, nổi tiếng bảo kê với giá cắt cổ và bắt HS trong trường phải nộp tiền đều đặn hằng tuần. Ở mỗi lớp, Trực cho một đàn em làm tay trong quan sát theo dõi những HS có điều kiện, nắm tình hình và tìm cách tiếp cận. Sau đó, Trực làm đủ trò như đánh, hăm doạ… để HS sợ và ngoan ngoãn nộp tiền. Hầu hết HS vì sợ nên răm rắp nộp tiền, trong đó S. là HS bị bắt nạt nhiều nhất. Vốn nhiều tiền nên mỗi tuần S. phải nộp từ 100.000 – 500.000 đồng.
Khi bị Công an P.7 bắt vì tội cưỡng đoạt tài sản, lúc đầu Trực một mực không nhận tống tiền mà nói là HS tự mang tiền cho mình. Tuy nhiên, sau một thời gian điều tra, Trực đã nhận tội. Theo nhận định của cơ quan công an, hành động của Trực là tống tiền có tổ chức. Tuy nhiên, do phạm tội khi chưa đủ tuổi vị thành niên nên Trực chỉ bị lập biên bản, phạt hành chính rồi cho về. Khi về trường, Trực tiếp tục vi phạm.
Phát hiện cả bó dao, mã tấu…
Bà Nguyễn Thị Hường, giám thị Trung tâm giáo dục thường xuyên Q.3 (TP.HCM), cho biết: “Hằng ngày chúng tôi đều quan sát theo dõi những HS thường đánh nhau. Khi phát hiện HS có dấu hiệu lạ, chúng tôi lập tức kiểm tra cốp xe, cặp, ba lô. Nhiều lần phát hiện và thu giữ cả bó dao, có những con dao dài bằng cánh tay, mã tấu, côn nhị khúc…”.

73% HS cho biết bị bạo lực về tinh thần
Điều khiến một bà mẹ ở Hà Nội có con trai năm nay học lớp 7 muộn phiền nhất là con mình luôn bị các bạn trong trường bắt nạt. “Cháu hay hỏi hoặc nói những câu mà mọi người cho rằng “ngớ ngẩn” và gọi cháu là thằng ngốc”, chị nói và cho biết đã tìm nhiều cách, nói chuyện với giáo viên chủ nhiệm, chuyển lớp, thậm chí chuyển trường… cho con, nhưng ở đâu cũng bị bắt nạt.
Bà Nguyễn Thị Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội), cho rằng việc cô lập một bạn nào đó trong lớp hoặc xúc phạm bằng lời nói cũng là một hành vi bạo lực – bạo lực tinh thần – rất nghiêm trọng mà ngay chính người trong cuộc không ý thức rõ được điều đó.
Bà Phương Anh chia sẻ: “Lâu nay khi nói về bạo lực, mọi người thường tập trung tìm cách giải quyết hành vi bạo lực thân thể, các nhà trường rất rốt ráo xử lý các vụ HS đánh nhau nhưng lại rất thiếu quan tâm tới các hành vi bạo lực tinh thần, ngấm ngầm và rất phổ biến hiện nay”.
Một HS Trường THPT Trần Hưng Đạo (Hà Nội) cho rằng HS biết đánh nhau sẽ bị nhà trường kỷ luật nên tìm đủ mọi cách để xúc phạm “đối phương” mà vẫn không vi phạm quy định nhà trường. Chửi bới, xúc phạm, cô lập, không cho tham gia các hoạt động… là cách phổ biến nhất.
Theo kết quả nghiên cứu về bạo lực giới trong trường học của Viện Nghiên cứu y – xã hội học phối hợp với tổ chức từ thiện Plan VN thực hiện từ tháng 3 – 9.2014 với 3.000 HS của 30 trường THCS, THPT ở Hà Nội, khoảng 80% HS cho biết từ trước đến nay đã bị bạo lực giới (kỳ thị giới tính) trong trường học ít nhất một lần, 71% bị bạo lực trong vòng 6 tháng qua. Trong đó, bạo lực tinh thần (mắng chửi, đe doạ, bắt phạt, đặt điều, sỉ nhục…) chiếm tỷ lệ cao nhất 73%, bạo lực thể chất (tát, đá, xô đẩy, kéo tóc, bạt tai, đánh đập…) 41% và bạo lực tình dục (tin nhắn với nội dung tình dục, sờ, hôn, hiếp dâm, yêu cầu chạm vào bộ phận sinh dục, lan truyền tin đồn tình dục…) 19%.
Kết quả nghiên cứu cho thấy HS nam ở THCS, THPT phải đối mặt với tần suất khá cao bạo lực thể chất tinh thần. Nữ sinh THPT thường bị xâm hại và quấy rối tình dục, chủ yếu trên đường đi học hay về nhà. Bạo lực thể chất xảy ra với HS cấp THCS (50%) nhiều hơn THPT (25%).
Mức độ an toàn ở nhà trường được HS đánh giá rất thấp, chỉ 16% HS nữ và 19% HS nam cho rằng luôn an toàn trong khuôn viên trường học. Nhà vệ sinh được coi là nơi kém an toàn nhất.
Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết theo nghiên cứu này, khái niệm bạo lực đã vượt qua cả quan niệm xưa nay. Bạo lực không chỉ là đánh đấm, mà mở rộng ra cả hành vi đe doạ, mắng chửi, đặt điều… gây tổn hại tinh thần. Thực tế đã phản ánh, có những trường hợp HS đã tự tìm đến cái chết vì không chịu nổi áp lực, tủi nhục khi bị bạn bè xúc phạm, kỳ thị hoặc bị oan ức mà không biết chia sẻ và tìm sự giúp đỡ về mặt tinh thần từ bất cứ ai.
Tuệ Nguyễn

Lam Ngọc 
Các vụ học sinh đánh nhau trong thời gian qua – Ảnh: cắt từ các clip