26/01/2025

Bánh kẹo Trung Quốc gắn mác đặc sản Việt

Nhiều loại bánh kẹo, hạt phục vụ tết có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng được đội lốt đặc sản Việt hoặc hàng nhập khẩu từ Úc, Mỹ… đang bày bán tràn ngập thị trường dưới tên gọi “đặc sản tết”.

 

Bánh kẹo Trung Quốc gắn mác đặc sản Việt

 

Nhiều loại bánh kẹo, hạt phục vụ tết có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng được đội lốt đặc sản Việt hoặc hàng nhập khẩu từ Úc, Mỹ… đang bày bán tràn ngập thị trường dưới tên gọi “đặc sản tết”.





“Đặc sản Việt” trong thùng hàng toàn tiếng Trung Quốc - Ảnh: Ng.Nga

 

“Đặc sản Việt” trong thùng hàng toàn tiếng Trung Quốc – Ảnh: Ng.Nga


Cuối tuần qua, các cơ quan chức năng Hà Nội phát hiện và bắt giữ nhiều tấn hạt dẻ, hạt hướng dương, kẹo dẻo… không hóa đơn chứng từ, bao bì in toàn chữ Trung Quốc, bên trong kèm hàng ngàn tem nhãn ghi tiếng Việt với những danh xưng “đặc sản Sa Pa”, “đặc sản Đà Lạt” khiến thị trường mứt bánh, các loại hạt “đặc sản Việt” những ngày trước tết bị xáo trộn, người tiêu dùng hoang mang.

Thực tế, không chỉ với những “đặc sản” kể trên, rất nhiều loại bánh kẹo, hạt, đặc sản phục vụ tết có xuất xứ từ Trung Quốc đang đội lốt hàng Việt hoặc hàng nhập từ Úc, Mỹ được bày bán ngập chợ.
Hàng Việt, hàng Âu – Mỹ trong thùng… Trung Quốc
Nằm ngay bên trái cổng chính vào chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM) là chợ sỉ các mặt hàng nhu yếu phẩm lớn nhất phía nam. Chiều 17.1, người đàn ông bán hàng tên Tài vừa cân hàng, ghi hóa đơn vừa thu tiền không ngơi tay, nhưng vẫn khá nhanh nhảu khi nghe khách hàng hỏi xuất xứ hàng hoá. 



Bánh kẹo Trung Quốc gắn mác đặc sản Việt - ảnh 1
Đặc sản Đà Lạt nay đã thất thế nhiều hoặc biến mất tại thị trường TP.HCM rồi. Hầu hết các loại mứt của Đà Lạt đã được thay thế bằng mứt từ Trung Quốc với giá cả rẻ hơn nhiều. Thậm chí, rất nhiều người từ Đà Lạt lại xuống chợ này đóng hàng mứt bánh lên Đà Lạt để đóng gói bán, khỏi sản xuất

Bánh kẹo Trung Quốc gắn mác đặc sản Việt - ảnh 2

Ông chủ sạp Đ.D trong chợ Bình Tây (TP.HCM)



“Ở đây nói không với hàng Trung Quốc nhé. Chỉ có hàng Việt và hàng ngoại nhập thôi”, ông Tài đưa tay chỉ dãy những bịch lớn các loại hạt bày bán trên kệ nói chắc nịch. Theo đó, giá hạt mắc ca Úc là 280.000 đồng/kg, nho khô Mỹ loại nhỏ 80.000 đồng/kg, loại lớn 140.000 đồng/kg, hạnh nhân Úc 320.000 đồng/kg, chà là Iraq 100.000 đồng/kg, hạt dẻ cười của Thái loại nhỏ 280.000 đồng/kg, lớn 320.000 đồng/kg…
Thế nhưng, quan sát kỹ thì thấy nguyên thùng hạt mắc ca mà ông Tài mở ra và tay thoăn thoắt bốc hàng cân ký bán cho hai khách du lịch người Nga lại in toàn chữ… Trung Quốc. Những bịch hạt dẻ cười của Thái đóng trong các thùng carton có hình chùm hạt dẻ ở ngoài cũng ghi rõ “made in China”. Cạnh sạp hàng của ông Tài, sạp hàng Y.H cũng ngập các loại mứt bánh kẹo cân ký mà người bán giới thiệu là “đặc sản Việt” nhưng toàn chữ… Trung Quốc. Kẹo bắp dẻo cả bao bì thùng lẫn giấy bóng gói kẹo toàn in chữ Trung Quốc với giá chỉ 40.000 đồng/kg, được người bán hàng tên Y. giới thiệu là của… Đà Lạt. Đặc sản của Bến Tre là kẹo chuối cuộn bánh tráng và đậu phộng thường tại đây không có nhãn mác, giá bán chỉ 60.000 đồng/kg, so với giá bán 80.000 – 100.000 đồng/kg hàng Việt.
Đi sâu vào trong chợ, hàng mứt bánh được gắn mác “đặc sản Việt” phong phú hơn. Hầu hết các dãy hàng chuyên bán bánh kẹo, mứt và các loại hạt đều rất đông người mua kẻ bán, từ sỉ đến lẻ. Một người tên Hùng, bán hàng tại sạp P.L, chắc nịch: “Tôi không bán hàng Trung Quốc. Loại kẹo dẻo đủ màu sắc bán 100.000 đồng/kg là của Đà Lạt; hạnh nhân cao cấp Đà Lạt giá 120.000 đồng/kg, mứt tắc 60.000 đồng/kg, mứt táo 60.000 đồng/kg, mứt táo vàng 90.000 đồng/kg đều hàng của Hà Nội”. Thế nhưng, loại kẹo dẻo đủ màu sắc được bán tại đây và cả những gói hạt hạnh nhân Đà Lạt lại giống y chang kẹo dẻo và hạnh nhân vừa được các cơ quan chức năng bắt giữ tại Hà Nội, là hàng Trung Quốc nhưng được gắn “đặc sản Đà Lạt”.
Cạnh sạp P.L, sạp K.T cũng tuyên bố “không bán hàng Trung Quốc”. Hộp mứt chà là màu vàng, loại 1 kg, hoàn toàn không có xuất xứ, nhãn mác, người bán cho biết là “hàng của Iraq” giá 85.000 đồng/kg. Gói hạt óc chó bao bì in chữ Trung Quốc, chữ in nhòe không rõ cả những số hiệu in trên đó, được giới thiệu “óc chó của… Hàn Quốc” với giá 200.000 đồng/kg. Hạt bí không nhãn mác vỏ tẩy trắng bóc được giới thiệu “hạt bí Thái” giá 80.000 đồng/kg…
Nhiều sản phẩm từ Trung Quốc được nâng thành “đặc sản tết Việt” lừa người tiêu dùng - Ảnh: Ng.Nga

Nhiều sản phẩm từ Trung Quốc được nâng thành “đặc sản tết Việt” lừa người tiêu dùng – Ảnh: Ng.Nga


“Toàn hàng lậu, làm gì có hoá đơn mà hỏi”
Tuy nhiên, không phải người bán hàng nào cũng cố tình tránh né hai chữ “Trung Quốc” khi nói về xuất xứ hàng hoá. Người bán hàng tại sạp K.H, ngay cổng chính chợ Bình Tây đi vào, thẳng thắn thừa nhận hạnh nhân và hạt dẻ cười xưa nay là của Trung Quốc. Loại hạt điều tẩm wasabi giá 90.000 đồng/kg mà nhiều chủ sạp khẳng định làm tại TP.HCM cũng là hàng Trung Quốc…
Đa số sạp hàng bán mứt bánh kẹo tại chợ đều từ chối xuất hoá đơn dù mua với số lượng lớn. Bà chủ sạp T.D nói: “Mua hàng trên 20 triệu đồng thì có thể đi mua hoá đơn cho khách, còn thấp hơn thì không. Trên chục triệu nếu thích thì “kiếm” cho hóa đơn bán hàng trừ 5% thuế, không có hoá đơn đỏ”. Tương tự, khi bán khẳng định là hàng Việt nhưng khi hỏi hóa đơn, ông chủ sạp tên Tài nói thẳng: “Hàng này là toàn hàng lậu, mua bán cũng chỉ cơ sở nhỏ lẻ, làm gì có hóa đơn mà hỏi”.
Trong khi người bán cố gắng giới thiệu những sản phẩm trôi nổi, không nhãn mác; hàng Trung Quốc là “đặc sản Việt” để bán số lượng nhiều thì có không ít đặc sản Việt thứ thiệt lại được người bán lẫn mua khá thờ ơ. Các loại mứt gừng dẻo, mứt tắc, mứt mãng cầu Tuyết, Bé Sáu, Kim Hoa… nổi tiếng một thời cũng không được người bán mặn mà khi giới thiệu với khách.
Nhiều đặc sản “đình đám” của Đà Lạt vào dịp tết như hồng dẻo, đào sữa, táo sấy, mận… có vị trí, số lượng khiêm tốn trên quầy kệ. Ông chủ sạp Đ.D trong chợ Bình Tây giải thích: “Đặc sản Đà Lạt nay đã thất thế nhiều hoặc biến mất tại thị trường TP.HCM rồi. Hầu hết các loại mứt của Đà Lạt đã được thay thế bằng mứt từ Trung Quốc với giá cả rẻ hơn nhiều. Thậm chí, rất nhiều người từ Đà Lạt lại xuống chợ này đóng hàng mứt bánh lên Đà Lạt để đóng gói bán, khỏi sản xuất. Ngành mứt kẹo Đà Lạt nay có chăng bán tại Đà Lạt chứ đi các thị trường phía nam và ra phía bắc càng không thể”. Tương tự với hạt hướng dương, ông chủ sạp Đ.D cho hay “hiện hàng của Trung Quốc về khá nhiều, toàn hàng Tàu thôi”.
Trước đó, ngày 12.1, cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh đã tổ chức tiêu huỷ gần chục bao tải hạt hướng dương được xác định là hàng lậu từ Trung Quốc về.
Hàng Trung Quốc đã thống trị ở phân khúc hàng giá rẻ tại các chợ sỉ, lẻ. Với việc gắn mác hàng Việt, đặc sản Việt, người tiêu dùng đang mua hàng dỏm với giá hàng thật.
Dưa lê thần tài sử dụng chất cấm?
Thị trường năm nay xuất hiện dưa lê thần tài (ảnh) có xuất xứ từ Trung Quốc, được đánh giá là mặt hàng “hot” để chưng trong 3 ngày tết. Tuy nhiên, thông tin liên tục trên một số trang mạng và các diễn đàn những ngày qua cho thấy đây là sản phẩm chỉ “để thờ, cấm ăn”. Một người từng nhập và bán sản phẩm này tiết lộ: Để kịp có hàng bán, người trồng loại dưa lê này nạp hàng loạt chất kích thích để quả chóng lớn, nạp tiếp chất bảo quản để có thể chưng cả mấy tháng vẫn tươi xanh, nạp chất làm bóng đẹp… Tất cả là những chất cấm dùng trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, thông tin độc hại này đến nay vẫn chưa thấy cơ quan chức năng nào lấy mẫu kiểm chứng. Trong khi đó, một quầy bán trái cây lớn trên đường Hàn Hải Nguyên (Q.11) cho biết nếu khách có nhu cầu đặt trước, hôm sau sẽ có hàng dưa lê thần tài với giá 45.000 – 55.000 đồng/quả.
Dưa lê


Nguyên Nga