27/12/2024

Rối loạn vì học ngày thứ bảy

Nhiều học sinh THCS trước đây không có buổi học ngày thứ bảy, nhưng từ học kỳ 2 này lại phải đến trường vào buổi sáng cuối tuần, thậm chí chỉ để học 2 tiết.

 

Rối loạn vì học ngày thứ bảy


Nhiều học sinh THCS trước đây không có buổi học ngày thứ bảy, nhưng từ học kỳ 2 này lại phải đến trường vào buổi sáng cuối tuần, thậm chí chỉ để học 2 tiết.





Học sinh lớp 7 Trường THCS Lê Quý Đôn mệt mỏi vì thời khóa biểu này - Đồ họa: Thái Nguyên

Học sinh lớp 7 Trường THCS Lê Quý Đôn mệt mỏi vì thời khoá biểu này – Đồ hoạ: Thái Nguyên

“Ai cũng chán hết !”

Thấy con suốt cả 5 ngày học vất vả, một phụ huynh lớp 7 Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) đăng ký lớp bóng rổ vào sáng thứ bảy cho con với mong muốn con chơi thể thao tăng cường vận động, giúp tinh thần thoải mái. “Vừa đóng tiền xong thì cháu về thông báo thời khoá biểu học kỳ 2 có học thứ bảy”, phụ huynh này cho biết.
Hỏi một học sinh (HS) lớp 7 của Trường THCS Lê Quý Đôn về việc học sáng thứ bảy, HS này nói: “Con cũng không thích lịch học như vậy, bình thường thứ bảy con được ngủ muộn, giờ phải dậy sớm như ngày thường mà thêm ảnh hưởng đến lớp tiếng Anh của con đang học ở trung tâm”. Khi được hỏi: “Ý kiến các bạn trong lớp thế nào?”, HS này xác nhận: “Ai cũng chán hết cô ơi!”.
Ngọc Linh, HS Trường THCS Nguyễn Hiền (Q.12), ngao ngán: “Từ sáng thứ hai tới sáng thứ bảy con đều phải học ở trường. Mỗi buổi từ 4 – 5 tiết. Về tới nhà ăn xong cơm có hôm không kịp nghỉ đã tới giờ phải đi học buổi chiều. Thấy nhiều bạn khác có ngày cuối tuần đi chơi với gia đình chụp hình đăng Facebook em cũng rất muốn được đi chơi, nhưng lịch học kín tuần không còn thời gian để chơi”. Linh nói thêm: “Suốt học kỳ 1 vừa rồi em không được ba mẹ dẫn đi chơi xa. Mẹ em bảo chỉ có một ngày chủ nhật nếu dẫn chúng em đi chơi về mệt, thứ hai đi học uể oải nên ngày nghỉ chúng em cũng chỉ quanh quẩn ở nhà”.
Các phụ huynh cũng mệt mỏi vì lịch học tréo ngoe của HS. Một phụ huynh Trường THCS Lê Quý Đôn than thở: “Sáng thứ bảy con học 2 tiết, rất lỡ cỡ. Nhà ở xa trường, không tiện quay về, tôi đành phải đứng cổng trường chờ hơn một giờ đồng hồ”. Phụ huynh khác thì nói: “Chở con đến trường rồi đến cơ quan. Vừa làm việc được một chút thì 8 giờ 30 lại quay trở lại trường đón con về cơ quan ngồi chờ mẹ làm việc tiếp đến trưa mới đưa cháu về nhà được. Bất tiện cho mẹ và mệt mỏi cho con”.
Nhiều phụ huynh cho rằng cả tuần đưa con đi học không mệt và chán như ngày thứ bảy. Bà Trần Thị Hằng (có con học Trường THCS Nguyễn Hiền, Q.12) than: “Thứ bảy, chủ nhật vợ chồng tôi được nghỉ nhưng vẫn phải đưa con đi học nên coi như mất trắng ngày nghỉ theo con”.
Thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất ?
Một phụ huynh Trường THCS Lê Quý Đôn đặt vấn đề, ngoài học chính khóa buổi sáng, những HS học bán trú buổi chiều được nhà trường xếp 3 tiết/buổi. Vậy sao không xếp 2 tiết của sáng thứ bảy vào các buổi chiều để học trò có trọn vẹn 2 ngày cuối tuần nghỉ ngơi hoặc rèn kỹ năng? Tương tự, một phụ huynh Trường THCS Nguyễn Hiền cho rằng nếu chỉ tăng thêm một tiết thì nhà trường có thể linh động xếp vào các buổi còn lại trong tuần. “Ví dụ con tôi học từ sáng thứ hai tới thứ bảy và thêm 2 buổi chiều ở trường. Nếu trường sắp xếp tiết còn lại vào buổi chiều thì HS cũng có ngày cuối tuần trọn vẹn”, phụ huynh này đề xuất.
Ông Đoàn Hữu Khánh, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, giải thích: “Trường dạy một buổi/ngày nên không có quy định nghỉ học thứ bảy. Tuy nhiên, học kỳ 1, HS lớp 7 không phải đi học ngày cuối tuần vì Bộ GD-ĐT quy định học 25 tiết/tuần nên nhà trường xếp lịch chia đều cho 5 buổi. Đến học kỳ 2, tổng số tiết tăng lên thành 26, tăng một tiết ở môn công nghệ. Như vậy, nếu xếp lịch như học kỳ 1 thì vẫn dư một tiết thế nên trường cân đối thứ ba có 4 tiết và thứ bảy học 2 tiết”.
Bà Nguyễn Thị Thắm, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hiền, cho biết: “Chúng tôi đều mong không phải đi làm vào ngày thứ bảy nhưng vì nếu nhét tất cả các tiết vào 5 buổi trong tuần thì không đủ giáo viên. Thêm nữa, nếu tổ chức cho HS vào buổi còn lại thì cơ sở vật chất lại không đáp ứng”. Bà Thắm nói thêm: “Chúng tôi sắp lịch học thứ bảy là đúng với chương trình chung của Bộ GD-ĐT. Theo quy định một tuần HS phải học 26 tiết dù sắp xếp mỗi ngày 5 tiết thì cũng bị dư ra một tiết nên rất khó sắp xếp.
Chúng tôi đặt vấn đề tại sao có nhiều trường THCS dạy một buổi nhưng vẫn không xếp HS học vào ngày thứ bảy? Ông Khánh nói: “Phải phụ thuộc vào phòng học và giáo viên. Nhà trường đang thiếu giáo viên địa lý, công nghệ, thể dục, giáo dục công dân… nên không thể làm khác được”.
Ông Khánh cho biết thêm: “Không xếp 2 tiết của thứ bảy vào trái buổi được vì ngay từ đầu năm học đã thống nhất với ban đại diện cha mẹ HS các lớp bán trú về số tiết toán, dò bài, kỹ năng… Giờ muốn thay đổi phải có ý kiến đồng thuận của tất cả phụ huynh của khối lớp này”.
Tương tự, bà Thắm giải thích: “Nhiều buổi giáo viên phải đi học nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn, học chính trị nên phải sắp xếp cho HS phù hợp với lịch học của giáo viên. Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ, giáo viên không được dạy quá số tiết quy định nên giáo viên rất khó nhận dạy thêm lớp”.
Nhiều trường vẫn sắp xếp để HS không học thứ bảy

Ở một số trường THCS học một buổi/ngày khác như Đức Trí (Q.1) thì HS cũng chỉ học từ thứ hai đến thứ sáu. HS lớp 7 của trường học chính khóa vào buổi chiều, chỉ học môn tin học và thể dục vào một buổi sáng trong tuần. Hiệu trưởng một trường THCS ở Q.1 cho biết: “Các trường có quyền chủ động sắp xếp thời khoá biểu, làm sao đảm bảo đúng số tiết Bộ quy định trong tuần. HS đã học 5 ngày từ sáng đến chiều, giờ thêm thứ bảy thì nặng nề quá”.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện có khoảng 184 trường THCS học 2 buổi/ngày, khoảng 80 trường dạy một buổi/ngày. Theo một lãnh đạo của Q.1, tất cả các trường dạy một buổi/ngày của quận này đều xếp thời khoá biểu cho HS nghỉ thứ bảy.
Hiệu trưởng Trường THCS Hồng Bàng (Q.5) cũng cho biết hầu hết các trường ở quận này đều tổ chức dạy một buổi/ngày. HS khối 6, 7 của quận này không phải học thứ bảy vì 2 môn thể dục và tin học thực hiện trái buổi.
Bích Thanh
(ghi)

Học nhiều, HS sẽ phát triển lệch lạc

Học nhiều tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần và thể chất. Trước hết, HS sẽ mệt mỏi, ăn ít, ngủ ít, căng thẳng dẫn đến hệ thần kinh bị ức chế, không dung nạp được thông tin. Cụ thể hơn, điều này làm cho trẻ học nhiều nhưng kiến thức thu nạp không được bao nhiêu.
Bên cạnh đó, việc học nhiều sẽ làm cho HS không còn thời gian giải trí, sinh hoạt trong cộng đồng, với các thành viên trong gia đình, rèn luyện kỹ năng… Nếu cứ kéo dài tình trạng này chắc chắn dẫn đến tình trạng HS phát triển lệch lạc. Vì vậy, theo tôi, HS chỉ nên học các ngày trong tuần, cuối tuần dành để nghỉ ngơi, thư giãn.
Bác sĩ Trịnh Tất Thắng (Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM)
Bích Thanh
(ghi)

Bích Thanh – Lam Ngọc