Vì đâu con tôi cho rằng mình “đẳng cấp”?
Ba câu chuyện của ba người mẹ gửi về Tuổi Trẻ đều đong đầy nỗi lo âu: con mình ngày càng xa cách mọi người và tự cho mình là “đẳng cấp”. Mời bạn đọc cùng chia sẻ với họ.
Vì đâu con tôi cho rằng mình “đẳng cấp”?
Ba câu chuyện của ba người mẹ gửi về Tuổi Trẻ đều đong đầy nỗi lo âu: con mình ngày càng xa cách mọi người và tự cho mình là “đẳng cấp”. Mời bạn đọc cùng chia sẻ với họ.
Cuối tuần, vợ chồng tôi cho con về quê chơi. Vừa về đến nhà, con chưa chào ông bà nội đã đòi iPad của ba để chơi game. Phải chờ mẹ nhắc thì con mới chịu chào miễn cưỡng khiến tôi rất buồn…
Vì có iPad chơi nên con trai tôi rất “vênh” với các em. Thấy các em xán lại gần để xem, con tôi cau có: “Chúng mày biết gì mà đòi xem? Tránh ra nào”. Tôi lên tiếng chỉnh con: “Con cho các em chơi cùng với”. Con cãi: “Chúng nó chẳng biết gì về iPad cả”. Tôi thật sự không hài lòng nên có mắng con vài câu. Thế là con nằm lăn ra nhà khóc và ăn vạ. Chỉ đến khi ông bà nội vào dỗ dành con mới chịu nín.
Dù mới đang học lớp 1 nhưng con tỏ ra rất thành thạo khi sử dụng iPhone, iPad của ba mẹ.
Con tỏ ra hững hờ với bữa ăn, tự tách mình ra chơi riêng, không chơi với các em vì có lần con nói rằng: “Bọn nó dốt lắm”. Ngay cả khi ăn, con cũng đòi hỏi hết cái này đến cái khác.
Con tỏ ra sành điệu và chê thức ăn ở quê không ngon, đôi đũa bị mốc, không đẹp bằng đũa mà con thường ăn cơm hằng ngày trên thành phố. Rồi con chê nước ở quê không sạch, không trong nên nhất quyết không chịu tắm. Cứ như vậy tôi quay như chong chóng với những đòi hỏi vô lý, quá đà của con.
Nay tôi tự thấy mình đã sai trong cách dạy con. Cũng tại mỗi khi con thể hiện rằng mình hiểu biết, tôi đã không uốn nắn kịp thời. Nhất là từ khi cho con chơi iPad, laptop, con luôn thể hiện mình là người cái gì cũng biết, tự cho rằng mình đẳng cấp. Có bao nhiêu ông bố, bà mẹ mắc sai lầm như tôi?
“Đừng để bạn con thấy chiếc xe máy của mẹ”! Đi học về, thấy bạn bè có gì mới con đều mè nheo: “Mẹ ơi, bạn Linh có chiếc váy rất đẹp, mẹ mua cho con nha”. Thi thoảng con lại đòi mua giày dép, mũ, kẹp tóc, balô, tất cả đều phải “xịn” vì con muốn là người sành điệu nhất lớp. Tôi chưa bao giờ từ chối mọi mong muốn của con vì luôn đeo đẳng ý nghĩ sợ con thua thiệt so với bạn bè. Chỉ thời gian ngắn, đòi hỏi của con ngày càng nhiều hơn. Mới học lớp 6 nhưng con đã đòi hỏi cha mẹ đủ thứ, nào mua điện thoại di động để con tiện liên lạc, trao đổi bài với bạn bè; rồi lại đòi xe đạp điện và nhiều thứ khác mà với thu nhập của nhà tôi là quá sức, vậy mà tôi vẫn chiều con. Nhưng có lẽ điều tôi lo ngại nhất chính là việc con bắt đầu biết nói dối, nói khoác. Chồng tôi là kỹ sư, tôi là dân văn phòng, vậy mà con lại khoe với bạn bè là có ba làm to trong cơ quan A, mẹ là giám đốc một công ty lớn. Ngày nào con cũng “nổ” rằng nghỉ hè ba mẹ thường cho đi du lịch những đâu, hằng ngày được ăn những món ngon, được ngồi xe hơi đẹp… Nghe con nói về những điều đã nói với bạn bè, tôi rất buồn và chấn chỉnh con. Nhưng con lại cho rằng phải nói vậy để không thua kém bạn bè, sợ bị bạn bè coi thường… Con không thích mẹ chở đến trường nữa vì mẹ đi xe số chứ không phải xe hơi hay xe tay ga như ba mẹ của các bạn trong lớp. Có lần tôi đến cổng trường đón con, thấy con đang nói chuyện với bạn bè, tôi vẫy tay ra hiệu nhưng con vẫn làm ngơ. Tôi đành phải gọi to tên con… Ngồi đằng sau xe mẹ, con còn cằn nhằn: “Con dặn mẹ rồi, nếu đến đón con thì đứng xa cổng trường một chút, con tự khắc sẽ ra mà, cần gì mẹ phải gọi để các bạn nhìn thấy chiếc xe máy của mẹ chứ!”. Con bảo trên lớp đã trót khoe nhà có xe hơi, ba mẹ bận đi làm nên cô giúp việc mới phải đưa đón con đến trường rồi. Bỗng nhiên trở thành “cô giúp việc”, tôi cay đắng nhận ra con không còn hồn nhiên, vô tư như nhiều trẻ khác. Phải chăng sự sĩ diện của con đã quá trớn mất rồi? |
“Em có tố chất lãnh đạo” Con trai tôi đang học lớp 7 và con gái tôi học lớp 2. Ở lớp, con trai tôi thường xuyên được thầy cô khen. Tất nhiên không người cha, người mẹ nào lại không vui khi con mình được thầy cô khen nhiều như vậy. Nhưng thực tế chỉ vì được khen quá nhiều khiến con trai tôi tự tin thái quá. Ở nhà, mỗi khi tôi nhắc nhở con vào học bài thì con cự cãi: “Thầy giáo dạy toán bảo rằng thông minh bằng mười chăm chỉ”. Thú thật là từ khi được khen nhiều, con luôn phớt lờ lời của ba mẹ. Tôi không hài lòng với thái độ trịch thượng của con mỗi khi nhận xét về người khác như “Chị T. học chán lắm, năm nào cũng xếp gần cuối lớp” hay “Anh Q. học toán dốt lắm mẹ ạ”… Con trở nên tự mãn, tự cao tự đại, xem mình là số 1 tự lúc nào không hay. Tôi nhắc con nên biết mình biết người, khiêm tốn thì con bao biện: “Cô còn khen con có tố chất lãnh đạo”, “Sau này con muốn làm lãnh đạo”… Tôi luôn ủng hộ, khích lệ ước mơ của con, nhưng không phải là cái kiểu tự tin thái quá như thể “chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”. Nghe con nói thế, tôi chưa vội mừng mà lại đâm lo bởi lẽ con đang từng ngày nhận thức lệch lạc về bản thân, mộng mị, ảo tưởng quá đà. Tôi chẳng biết tố chất lãnh đạo của con đến đâu, như thế nào, nhưng con ngày càng trở nên cao ngạo, thích thể hiện mình, nói năng với người lớn chưa khiêm tốn, đúng mực. Còn hôm đi họp phụ huynh cho con gái đang học lớp 2, cô giáo cũng khen nhiều lắm. Ngoài việc điểm số của con đều tuyệt đối thì cô còn khen lấy khen để khiến tôi cứ ngỡ cô giáo nhầm lẫn với một cháu khác. Bởi con tôi thế nào tôi rất hiểu. Cháu còn rất nhút nhát, dè dặt mỗi khi đi ra ngoài, vậy mà cô giáo lại khen là cháu tự tin. Nhìn sang những cháu khác trong lớp cũng tương tự. Cháu nào cũng được khen như những tấm gương hoàn hảo. Có phụ huynh ghé tai tôi nói nhỏ: “Khen đã là trào lưu rồi chị ạ. Trường nào, lớp nào cũng vậy cả thôi. Khen đôi khi để đẹp lòng phụ huynh là chính ấy mà. Thôi thì chê mới lo, chứ khen có chết ai?”… Những lời khen chừng mực, đúng đắn có thể giúp các con hào hứng, tiến bộ hơn. Nhưng cũng có những lời khen vô tình khiến con dễ vấp ngã trên đường đời. Con được thầy cô khen đó mà sao tôi không thấy vui… |