27/12/2024

Lương là lương mà thưởng là thưởng chứ!

Bàn luận về ý kiến “Đưa tiền thưởng tết vào lương” (Tuổi Trẻngày 13-1), số đông bạn đọc cho rằng đây là đề xuất tích cực nhưng khó thực hiện và khó nhận được nhiều sự đồng thuận vì chưa phù hợp với tình hình nước ta hiện nay.

 

Lương là lương mà thưởng là thưởng chứ!

 

 

Bàn luận về ý kiến “Đưa tiền thưởng tết vào lương” (Tuổi Trẻngày 13-1), số đông bạn đọc cho rằng đây là đề xuất tích cực nhưng khó thực hiện và khó nhận được nhiều sự đồng thuận vì chưa phù hợp với tình hình nước ta hiện nay.

 

 

 

 

 

 

Công ty CP may Bình Minh (TP.HCM) dự kiến công bố mức thưởng tết cho người lao động đang làm việc tại công ty bình quân hai tháng lương/người - Ảnh: T.V.N.
Công ty CP may Bình Minh (TP.HCM) dự kiến công bố mức thưởng tết cho người lao động đang làm việc tại công ty bình quân hai tháng lương/người – Ảnh: T.V.N.

Mất động lực thi đua

Theo tôi, không nên đưa tiền thưởng tết vào lương vì nhiều đơn vị hiện nay có số tiền thưởng tết không cao, mức phổ biến khoảng vài triệu đồng, chia vào lương hằng tháng cũng chẳng cải thiện được bao nhiêu.

Đối với đơn vị sự nghiệp 100% hưởng lương từ ngân sách thì thưởng tết có được do tiết kiệm nguồn chi thường xuyên mà đơn vị được cấp. Đành rằng chi các hoạt động theo dự toán được phê duyệt nhưng trong năm vẫn có những công việc phải chi ngoài dự toán. Chẳng hạn đơn vị tôi mùa mưa bão vừa rồi nguyên cả bờ tường dài trăm mét bị sập, mất cả mấy chục triệu đồng tu sửa. Gần đây có học sinh tham dự một cuộc thi tại Hà Nội, phải cử giáo viên đưa học sinh đi, vậy là mất hơn 5 triệu đồng công tác phí. Tiền đâu chi thưởng hằng tháng?

Bên cạnh đó, một trong những cơ sở chi thưởng tết cho công chức, viên chức, người lao động là kết quả thi đua của họ trong năm. Xét thi đua theo hằng tháng với một số ngành sẽ rất khó, không thực hiện được. Nếu tính hẳn vào lương hằng tháng mà không tính đến thi đua, vô hình trung không tạo động lực thi đua trong đơn vị.

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG (Lâm Đồng) 

Lương và thưởng khác nhau

Tôi ghi nhận tính tích cực trong quan điểm thay vì thưởng tết, các đơn vị sử dụng lao động nên đưa số tiền này vào khoản lương hằng tháng nhằm tăng lương, cải thiện đáng kể thu nhập cho người lao động. Bởi lẽ tăng thu nhập nhằm cải thiện đời sống của người lao động, đặc biệt trong bối cảnh rất nhiều người lao động ở các nhóm ngành nghề thu nhập còn rất thấp, tăng lương luôn là đòi hỏi, mong muốn chính đáng của họ nói riêng, của xã hội nói chung.

Tuy vậy, tôi cho rằng vẫn nên duy trì thưởng tết mà không thể đưa vào lương hằng tháng bởi bản chất của tiền thưởng khác hoàn toàn tiền lương. Theo Từ điển tiếng Việt, thưởng là hình thức tặng tiền hay hiện vật để khen ngợi, khuyến khích cá nhân nào đó vì đã có thành tích, công lao nào đó. Trong khi lương là tiền công trả cho cá nhân được thuê làm công việc nào đó để bù đắp sức lao động. Tiền thưởng mang tính đột xuất; tiền lương mang tính chất định kỳ. Theo tinh thần đó, đơn vị sử dụng lao động hoàn toàn có thể thưởng hoặc không thưởng cho người lao động nếu họ không có thành tích hay công lao nào đáng kể, hoặc trong trường hợp doanh nghiệp không có thu nhập theo chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trong khi người lao động vẫn phải được trả lương.

Tết cổ truyền dân tộc VN là một dịp vô cùng đặc biệt trong đời sống tinh thần của mỗi người dân. Do đó, việc tặng quà cho nhau (trong đó có đơn vị sử dụng lao động tặng thưởng cho người lao động) là bình thường và cần thiết. Tết cổ truyền vì nhiều lý do đang dần mất đi nhiều cảm xúc, ý nghĩa; việc “bác” tiền thưởng tết, theo tôi, có thể làm mất đi ý nghĩa của ngày tết cổ truyền dân tộc như vừa nói.

KTS LÊ CÔNG SĨ (Trà Vinh)

Tiền thưởng như tiết kiệm cuối năm

Ý tưởng “Đưa tiền thưởng tết vào lương” rất hay, nhưng có lẽ còn hơi sớm so với điều kiện kinh tế và mặt bằng thu nhập của người lao động ở nước ta. Tại nhiều quốc gia phát triển, tiền lương hằng tháng không chỉ đảm bảo cho người lao động đủ sống mà còn giúp họ tích lũy được để nhắm đến những nhu cầu cao hơn như mua nhà, sắm ôtô… Vì vậy, chuyện “rải” đều tiền thưởng tết vào lương hay cuối năm thưởng thêm lương tháng 13 không còn quan trọng nữa. Trong khi đó ở VN, mong muốn “sống được bằng lương” vẫn chỉ là một điều ước chưa thành với số đông người lao động, do đó tiền thưởng tết vẫn là khoản chờ mong của họ vào cuối năm.

Mặt khác, ít có công ty nào dám chắc lợi nhuận của đơn vị mình cả năm sẽ đạt bao nhiêu ngay từ đầu năm, bởi trong sản xuất kinh doanh vấn đề rủi ro ngoài ý muốn luôn là điều phải dự phòng. Vậy nên rất khó cho người sử dụng lao động thực hiện việc phân bổ tiền thưởng vào lương. Ngay cả những nơi có nguồn thu ổn định, đủ khả năng để trả thưởng vào lương thì chưa chắc người lao động đã đồng ý, vì ít có ai đủ kiên nhẫn dành dụm số tiền thưởng này tập trung cho dịp tết.

Bản thân tôi là viên chức, hằng năm đều biết trước tiền thưởng tết sẽ là một tháng lương tối thiểu (1.150.000 đồng) nhưng vẫn muốn lãnh một lần vào cuối năm, vì nếu đưa vào tiền lương thì tính ra mỗi tháng nhận thêm chưa đến 100.000 đồng. Bà xã tôi, công tác tại một trường mầm non công lập, cũng cho rằng tiền thưởng tết được nhận một lần chính là tiền “tiết kiệm” được sau một năm làm việc. 

HỮU CHƠN (TP.HCM)

ThS Đỗ Gioan Hảo (giảng viên khoa thuế – hải quan Đại học Tài chính – marketing):

Khó nhận được sự đồng tình

Theo tôi, nếu đặt trong bối cảnh tổng thể xã hội hiện nay thì có vẻ đề xuất “đưa tiền thưởng tết vào lương” đi trước thời đại vì những lý do sau:

Lương về nguyên tắc là thoả thuận giữa người lao động với doanh nghiệp và được ghi rõ trong hợp đồng lao động, đồng thời phải tuân thủ Luật thuế, Luật kế toán, Luật bảo hiểm xã hội. Kết quả kinh doanh tốt thì doanh nghiệp mới thưởng, nếu không thì thôi. Còn đưa thưởng vào lương chẳng khác nào bắt buộc doanh nghiệp phải thưởng dù chưa biết kết quả kinh doanh thế nào.

Mặt khác, theo quy định tiền thưởng không đóng bảo hiểm xã hội, giờ đưa thưởng vào lương thì khoản này phải được ghi trong hợp đồng lao động, người lao động và người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội với khoản tiền này. Như vậy nếu nhìn trước mắt, cả hai bên cùng thiệt nên sẽ rất khó nhận được sự đồng tình.

Xét về góc độ văn hoá, tết của người châu Á khác với ngày thường, không phải như ngày nghỉ của người phương Tây, rất nhẹ nhàng. Chính vì ăn nặng vào tâm lý như vậy nên người lao động mong ngóng có một khoản tiền thưởng để lo tết.

Về lo ngại việc thưởng tết có tác dụng làm tăng đột biến và đáng kể lượng tiền mặt lưu thông trong dân cư dẫn đến giá cả tăng vọt, theo tôi, là mới nói ngọn chứ chưa nói gốc vì văn hóa của VN là văn hoá xài tiền mặt và hiện chúng ta mới thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Do vậy nói câu chuyện này cũng như câu chuyện kẹt xe, không lo mở đường mà chỉ lo cấm xe.

Doanh nghiệp ở các nước Âu, Mỹ tiên tiến không thưởng Noel và Tết tây nhưng không có nghĩa họ không thưởng. Lý do là ở nhiều nước thời điểm khoá sổ năm tài chính của họ là ngày 31-3 năm sau nên thưởng sẽ đến vào sau thời điểm này. Còn ở VN, khoá sổ kế toán là ngày 31-12 nên chỉ trả thưởng vào thời điểm cận Tết âm lịch là hoàn toàn phù hợp.

ÁNH HỒNG ghi

TT