Học không bao giờ thừa
Chủ đề “Bỏ học để khởi nghiệp” trong những ngày qua nhận được một số phản hồi từ bạn đọc. Tuy nhiên, đại đa số ý kiến đều khẳng định: bỏ học để khởi nghiệp là một sự lựa chọn nguy hiểm vì rất nhiều lý do.
Học không bao giờ thừa
Chủ đề “Bỏ học để khởi nghiệp” trong những ngày qua nhận được một số phản hồi từ bạn đọc. Tuy nhiên, đại đa số ý kiến đều khẳng định: bỏ học để khởi nghiệp là một sự lựa chọn nguy hiểm vì rất nhiều lý do.
Các bạn trẻ trao đổi về các ý tưởng khởi nghiệp với nhau tại sàn giao dịch ý tưởng khởi nghiệp được tổ chức ở TP.HCM – Ảnh: Q.Linh |
Điều đó cho chúng ta khẳng định: việc học hành đàng hoàng, bằng cách này hay cách khác là điều kiện tiên quyết khi nghĩ đến khởi nghiệp. Nhịp sống trẻ xin chia sẻ một số ý kiến sau như cách để chúng ta khép lại chủ đề.
– Những người làm tư vấn hay nói: “Trong kinh doanh không có lựa chọn đúng và sai, chỉ có sự phù hợp mới mang đến thành công”. Bởi vậy chuyện “bỏ học để khởi nghiệp” có ngay câu trả lời nằm ở việc cân nhắc mang tính chủ quan của từng cá nhân: lựa chọn nào phù hợp với bản thân tôi nhất?
Cách đây chưa lâu, trong cuộc giao lưu tại Trường đại học Tây Đô, nhiều sinh viên bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với việc ông Cổ Gia Thọ dù chưa học hết trung học nhưng vẫn có thể dựng nên sự nghiệp văn phòng phẩm Thiên Long đáng tự hào. Nhưng phần mình, ông Thọ nói rằng: “Nếu không vì hoàn cảnh quá khó khăn phải bỏ học để đi làm kiếm tiền thì tôi luôn muốn học hành cho tử tế”.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai liền chia sẻ tiếp: “Kiến thức, tri thức và sự hiểu biết do học tập luôn là nền tảng tốt nhất cho mọi sự thành công. Có những người vì hoàn cảnh mà chuyển sang hình thức tự học, tự đào tạo chứ không ai chọn bỏ học để tìm kiếm thành công cả!”.
Ông Trai nói thêm: “Đừng bao giờ tự hỏi mình đã có bao nhiêu kiến thức, hãy tự hỏi những kiến thức mình có được đã tạo ra những giá trị gì trong cuộc sống và công việc. Kiến thức là vô hạn nhưng giá trị tạo được từ kiến thức là hữu hạn”.
Trong những cuộc tranh luận gay gắt về đề tài “có nên bỏ học để khởi nghiệp” trên các diễn đàn khởi nghiệp thế giới, người ta đem mổ xẻ danh sách 400 tỉ phú giàu nhất thế giới để xem có bao nhiêu người trong đó từng dang dở việc học, phân tích quá trình tự học của những người đã rời giảng đường để dựng nghiệp, quanh quẩn với câu hỏi: “Bỏ học thì có trở thành Bill Gates thứ hai hay không?”, “Bỏ học có phải là nguyên nhân thành công của ông chủ Facebook hay có những nguyên nhân khác?”…
Cuối cùng, nhận định được nhiều lượt tán thành nhất là: “Thiên tài chỉ chiếm 1% sự thành công, 99% còn lại vẫn là do khổ luyện. Tỉ lệ thành công sẽ thấp đi nhiều nếu việc hoàn thành chương trình học cũng làm bạn nản chí…”.
Trong đợt học tập ở quốc gia khởi nghiệp Israel, đến một trung tâm khởi nghiệp tên là “Điểm kết nối” tôi đọc được một câu trích dẫn trong phim Chiến tranh giữa các vì sao được treo trên tường rất trang trọng: “Chỉ có làm thật, không có thử”. Anh bạn đang làm một thiết bị mô phỏng các nội tạng cơ thể ngồi tại đây giải thích: “Làm thật còn chưa ăn ai…”.
Và bí mật của sự thành công mà Israel tạo ra không có gì là bí mật: họ đã hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp, nơi có đầy đủ những thành tố hỗ trợ tốt nhất cho khởi nghiệp: văn phòng, hành chính, pháp lý, vốn, các nhà tư vấn, các cơ hội trình bày và nhiều, rất nhiều buổi huấn luyện. Nhờ đó người làm khởi nghiệp sẽ không đơn độc mà luôn có một nguồn vốn xã hội, vốn quan hệ được dành tặng sẵn cho họ.
Quay lại với môi trường VN, tôi không tin là có nhiều hơn 1% các bạn sinh viên hiện nay có thể tự mình trang bị đầy đủ quan hệ xã hội, kinh nghiệm làm việc và sự kết nối với đầy đủ các thành tố của một hệ sinh thái khởi nghiệp để đủ sức tuyên bố: tôi không cần đi học nữa, tôi thấy mình phù hợp hơn với việc tự ra xây dựng sự nghiệp của mình rồi!
Doanh nhân VN thành công hiện nay hầu hết đều đi lên từ con đường khó khăn, nhọc nhằn vì những quy định của lịch sử. Nhưng một lớp doanh nhân mới, với kỳ vọng hội nhập quốc tế như hiện nay thì khó đi xa nếu hành trang của họ thiếu đi nền tảng của việc học hành, của những tích luỹ kiến thức mà xã hội đã dày công tôn tạo ra.
“Người ta làm được thì mình cũng làm được!” – điều này không có gì sai. Nhưng cần xem lại sự phù hợp của bối cảnh, hoàn cảnh và môi trường xung quanh “người ta” là gì. Đừng tự cao, cũng đừng tự ti mà hãy nhìn thẳng vào sự thật: khởi nghiệp là con đường gian nan nhất.
* Nguyễn Thuỳ Liên (sáng lập viên Công ty tư vấn, đào tạo và quản trị tinh thần ProSelf): Ý tưởng chỉ có giá trị bằng 0 Khi bạn nghĩ chỉ cần có khát vọng, ý tưởng hay nguồn lực tài chính tốt thì có thể khởi nghiệp thành công, đó là một nhận thức hoàn toàn sai lầm. Theo tác giả Michael E. Gerber của cuốn Để xây dựng doanh nghiệp hiệu quả, tại Mỹ có khoảng 1 triệu người khởi nghiệp mỗi năm. Sau một năm thì 40% công ty khởi nghiệp trong số trên phá sản, con số đó là 80% sau năm năm và 96% sau 10 năm. Điều này cho thấy khởi nghiệp là quá trình không hề đơn giản. Cá nhân tôi đúc kết ra rằng “người thành công là người có đam mê nhưng người có đam mê chưa chắc thành công”. Ngoài ra, trong khởi nghiệp thì ý tưởng kinh doanh có giá trị bằng 0 bởi điều quan trọng nằm ở ai là người làm và mình có nỗ lực đi đến cùng? Việc học là một hành trình khá đơn giản mà chúng ta không làm được thì lấy gì đảm bảo chúng ta sẽ theo đến cùng khi gặp những khó khăn lớn gấp nhiều lần trong khởi nghiệp? Tất nhiên không phải ai bỏ học cũng thất bại, nhưng tôi tin rằng số người bỏ học mà khởi nghiệp thành công ít hơn những người có học hành bài bản. * Anh Phan Võ Trung Hiếu (trưởng ban tổ chức cuộc thi ý tưởng kinh doanh VietChallenge 2016 tại Hoa Kỳ): Đừng chỉ nghĩ đến thành công Có một điều phổ biến là rất nhiều bạn trẻ VN khi khởi nghiệp đều tin tưởng mình thành công chứ không nghĩ bản thân sẽ chịu đựng được đến đâu khi thất bại. Trước khi dành hết thời gian cho ý tưởng khởi nghiệp, các nhân vật bỏ học nổi tiếng từng làm rất nhiều việc khác nhau và thử qua vô số ý tưởng khác nhau mà ít ai biết đến… Hầu hết họ đều đã thất bại và học được từ thất bại để sau này có thể lãnh đạo công ty. Vậy trong trường hợp của bạn, kế hoạch dự phòng của bạn là gì nếu khởi nghiệp thất bại? Tấm bằng ĐH lúc này ít nhiều sẽ giúp bạn bớt vất vả khi “khởi động” lại. Hơn nữa, không phải ngẫu nhiên mà các trường ĐH thường là nơi sản sinh nhiều doanh nghiệp. * Anh Nguyễn Hoàng Trung (CEO của LOZI, một dự án vừa nhận được đầu tư triệu đô từ quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures và Tập đoàn DesignOne Japan): Bạn có mấy cái nhất? Khởi nghiệp là một con đường mà vạn người đi nhưng ít người đến được đích. Nếu đã chọn con đường không phải là ĐH thì bạn nhất thiết phải kiên định và tự có trách nhiệm với cuộc đời mình. Tâm niệm điều này thì dù có thất bại, bạn sẽ vẫn lạc quan hướng về tương lai. Nếu bạn là người nhiệt huyết nhất, làm việc chăm chỉ nhất, suy nghĩ mọi vấn đề một cách thông minh nhất, thì bạn sẽ đến đích sớm nhất dù có bằng ĐH hay không. Cá nhân tôi chưa bao giờ hối hận về quyết định bỏ ngôi trường ĐH danh giá hàng đầu Hàn Quốc vì ba năm qua tôi đã học được rất nhiều kiến thức thực tế từ dự án của mình. |