Món quà của Philippines đến Mỹ
Philippines đưa ra yêu cầu Mỹ tiếp tục các cuộc tuần tra trên Biển Đông tại cuộc gặp cấp bộ trưởng giữa hai nước ngày 12-1 ở Washington.
Món quà của Philippines đến Mỹ
Philippines đưa ra yêu cầu Mỹ tiếp tục các cuộc tuần tra trên Biển Đông tại cuộc gặp cấp bộ trưởng giữa hai nước ngày 12-1 ở Washington.
“Hiệp ước hợp tác có thể giúp Mỹ cân bằng với Trung Quốc trong bối cảnh sự cạnh tranh quyền lực Mỹ – Trung Quốc ngày một tăng tại Biển Đông |
Rommel Banlaoi (chuyên gia an ninh) |
Theo người phát ngôn Charles Jose của Bộ Ngoại giao Philippines, trọng tâm chính cuộc gặp giữa các bộ trưởng quốc phòng và ngoại trưởng hai nước tại Mỹ là thảo luận cách đối phó với những lo ngại an ninh ngày một lớn từ các thực thể nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby tuyên bố: “Chắc chắn các căng thẳng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là Biển Đông, sẽ nằm trong chương trình nghị sự. Đây là quan ngại mà Mỹ với những người bạn Philippines lẫn đồng minh cùng chia sẻ và theo tôi, họ sẽ thảo luận rất mạnh mẽ về vấn đề này”.
Đây là cuộc gặp cấp cao giữa bộ quốc phòng và ngoại giao hai nước trong vòng ba năm trở lại đây. Ngoài vấn đề căng thẳng trên Biển Đông, hai nước dự kiến cũng thảo luận về việc mua bán vũ khí, cho phép Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự ở Philippines và việc Washington tăng cường hoạt động tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ông Charles Jose cho biết Philippines cũng sẽ thảo luận khả năng tổ chức tuần tra chung với Mỹ trên Biển Đông và yêu cầu Washington giúp Manila tăng cường năng lực quân sự để bảo vệ lãnh thổ.
Theo báo Manila Bulletin, chính quyền Tổng thống Benigno Aquino đã yêu cầu Mỹ cung cấp thêm hai tàu quân sự, một phi đội máy bay chiến đấu để đối phó với các căng thẳng với Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo giới phân tích, Mỹ sẽ tiếp tục các cuộc tuần tra trên Biển Đông trong năm 2016 nhưng tiến hành lặng lẽ hơn.
“Các cuộc tuần tra sẽ diễn ra bình thường. Chúng không nhằm khiêu khích, đơn giản chỉ là thực thi quyền tự do đi lại” – bà Bonnie Glaser, giám đốc dự án Sức mạnh Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington, nhận định.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhà phân tích cấp cao Shahriman Lockman của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Malaysia tỏ ra hoài nghi về tác động của cuộc gặp ở Washington.
“Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra trên biển và trên không tại Biển Đông dù Philippines có yêu cầu hay không. Lời mời của Manila chỉ là cái cớ hợp pháp cho phép Mỹ nói rằng các cuộc tuần tra và sự hiện diện của Washington tại Biển Đông không phải đơn phương, mà do sự hối thúc của các nước trong khu vực” – ông Lockman nhận định.
Tuy nhiên, ông cho rằng các cuộc tuần tra của Mỹ sẽ không đủ thường xuyên, mạnh mẽ và tự tin như các nước trong khu vực mong muốn.
Trong ngày diễn ra cuộc gặp cấp bộ trưởng tại Mỹ, Tòa án Tối cao Philippines đã gửi quà mừng khi tuyên bố Hiệp ước hợp tác quân sự tăng cường (EDCA) giữa Mỹ và Philippines là hợp hiến.
Theo Reuters, qua kết quả bỏ phiếu với tỉ lệ 10/4, các thẩm phán Toà án Tối cao xác định chính quyền Tổng thống Benigno Aquino có quyền ký hiệp ước EDCA mà không cần sự phê chuẩn của quốc hội.
“EDCA sẽ là di sản của Tổng thống Benigno Aquino để lại cho chính quyền tiếp theo thực hiện hiệp ước. Nó có thể giúp Mỹ cân bằng với Trung Quốc trong bối cảnh sự cạnh tranh quyền lực Mỹ – Trung Quốc ngày một tăng tại Biển Đông” – chuyên gia an ninh Rommel Banlaoi bình luận.
Tổng thống Mỹ Barack Obama thời gian qua cũng vận động mạnh mẽ cho EDCA, bởi đây là một phần trong chiến lược “tái cân bằng” của Washington ở châu Á – Thái Bình Dương.