25/12/2024

Bắc Kinh sợ bom H của Bình Nhưỡng

Mối quan hệ đồng minh, anh em một thời giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đang chuyển sang cục diện mới khi Trung Quốc đối mặt nhiều mối đe doạ lớn hơn từ chương trình hạt nhân đầy thách thức của CHDCND Triều Tiên.

 

Bắc Kinh sợ bom H của Bình Nhưỡng

 

Mối quan hệ đồng minh, anh em một thời giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đang chuyển sang cục diện mới khi Trung Quốc đối mặt nhiều mối đe doạ lớn hơn từ chương trình hạt nhân đầy thách thức của CHDCND Triều Tiên.


 


Người dân Triều Tiên ở gần biên giới với Trung Quốc. Bắc Kinh lo sợ làn sóng di cư một khi có bất hòa giữa hai nước - Ảnh: Reuters
Người dân Triều Tiên ở gần biên giới với Trung Quốc. Bắc Kinh lo sợ làn sóng di cư một khi có bất hoà giữa hai nước – Ảnh: Reuters

Bình Nhưỡng khó đoán đến độ không ai có thể biết trước được ai là bạn hay ai là thù của họ, dù chính phủ nước này luôn khẳng định chương trình vũ khí hạt nhân của mình được phát triển để chống Mỹ và các nước thù địch khác

Ông TÔN HƯNG KIỆT (giáo sư ngành quan hệ quốc tế Đại học Cát Lâm, Trung Quốc)

Truyền thông Trung Quốc dẫn lời giới chuyên gia nước này cho rằng Triều Tiên là quốc gia thứ tư sau Nga, Ấn Độ và Mỹ có tiềm lực hạt nhân tấn công Bắc Kinh. Họ thừa nhận dù Bình Nhưỡng chỉ mới ở bước thử nghiệm nhưng nếu phát triển lên bom hạt nhân thì sẽ là mối đe doạ nguy hiểm nhất với Bắc Kinh.

Bắc Kinh lo lắng

Truyền thông Trung Quốc dẫn lời ông Trương Liên Quý – giáo sư nghiên cứu chiến lược quốc tế của Trường Đảng Trung Quốc – cho biết hầu hết người Trung Quốc thường nghĩ rằng Washington và Bình Nhưỡng là những tay chơi chính trong vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và Bắc Kinh chỉ là bên trung gian.

“Tuy nhiên, CHDCND Triều Tiên đã phát triển kho vũ khí hạt nhân của riêng mình thì Trung Quốc đang trở thành nạn nhân chính” – báo mạng Tân Lãngdẫn lời cảnh báo của giáo sư Trương.

Hôm 6-1, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc đã đưa tin về cuộc thử nghiệm bom H (bom nhiệt hạch) của Bình Nhưỡng và chỉ ra rằng nó được tiến hành ở khu vực rất gần biên giới Trung Quốc.

Chấn động của thử nghiệm này được cảm nhận ở tỉnh đông bắc Cát Lâm, buộc một số trường học và công sở trong tỉnh này phải sơ tán khẩn cấp.

Ông Tôn Hưng Kiệt – giáo sư ngành quan hệ quốc tế Đại học Cát Lâm – cảnh báo nếu xảy ra rò rỉ hạt nhân thì đó sẽ là mối nguy hiểm thật sự đối với người dân đang sinh sống ở vùng đông bắc Trung Quốc.

Reuters hôm qua dẫn nguồn tin từ Bộ Môi trường Trung Quốc cho biết họ đang cho theo dõi sức khoẻ của hơn 500 người dân do sợ bị nhiễm xạ sau vụ thử hôm 6-1.

Thực tế là tại cuộc duyệt binh vào tháng 10 hằng năm, Triều Tiên đã trình làng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phiên bản mới do nước này sản xuất có tầm bắn lên đến 10.000km. Trong khi đó khoảng cách giữa thủ đô Bình Nhưỡng với thủ đô Bắc Kinh chỉ 800km!

Tổng biên tập tạp chí quốc phòng Kanwa ở châu Á Andrei Chang cho rằng điều đó có nghĩa Triều Tiên sở hữu tên lửa có khả năng bắn tới thủ đô của Trung Quốc. “Dù ông Kim Jong Un chưa dám hành động nhưng vụ thử bom H cũng là đòn đe doạ với ông anh láng giềng Bắc Kinh” – ông Chang bình luận.

Xử rắn cũng khó

Dĩ nhiên trong vụ việc vừa qua nhiều người chờ xem cách Bắc Kinh phản ứng để gây ảnh hưởng đến người láng giềng vốn là “anh em”.

Ông Seong Hyon Lee – trợ lý giáo sư tại Trường đại học Kyushu ở Nhật Bản – bình luận: “Trung Quốc không muốn bị xem là một con hổ giấy. Nhưng Bắc Kinh sẽ không làm gì hơn là việc lên tàu của Triều Tiên và kiểm tra các loại vũ khí vận chuyển trái phép, nhằm không làm tổn hại lợi ích giữa họ và Bình Nhưỡng”.

Nhưng lần này những tiếng nói đã mạnh hơn. Giáo sư Tôn Hưng Kiệt cho rằng vụ thử bom H mới này như một sự nhắc nhở rằng Bắc Kinh nên xem xét lại cách xử lý của mình đối với người láng giềng ương bướng Triều Tiên.

Theo ông Tôn, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ ủng hộ nghị quyết của Liên Hiệp Quốc hoặc thậm chí áp đặt các biện pháp trừng phạt của riêng mình đối với Bình Nhưỡng. “Trung Quốc nên có quan điểm cứng rắn hơn để giục Triều Tiên trở lại bàn đàm phán sáu bên thật nghiêm túc” – giáo sư Tôn 
nhấn mạnh.

Nhiều học giả Trung Quốc còn xác nhận Bắc Kinh cũng đang quan ngại một khi Triều Tiên xảy ra chiến tranh hoặc kinh tế nước này sụp đổ, thì dòng người di cư từ Triều Tiên sẽ tràn vào các khu vực nằm gần biên giới của Trung Quốc. Khi đó, Trung Quốc phải đối mặt với gánh nặng xã hội 
rất lớn.

Nhiều nhà ngoại giao cho rằng “đòn kinh tế” là biện pháp duy nhất và hiệu quả mà Trung Quốc có thể sử dụng trong lúc này. Tuy nhiên, ông Hạ Khánh Quốc – phó giáo sư khoa nghiên cứu quốc tế Trường đại học Bắc Kinh – thừa nhận rằng Bắc Kinh sẽ khó đưa ra biện pháp trừng phạt mạnh đối với Triều Tiên.

Theo ông Hạ, Trung Quốc vẫn đang có quyền cho dừng hết mọi chương trình viện trợ và tiếp tế đối với CHDCND Triều Tiên nhưng Chính phủ Trung Quốc còn đang quan ngại khi đó Bắc Kinh lại phải hứng chịu làn sóng người Triều Tiên di cư sang kiếm sống, cũng như khả năng Bình Nhưỡng sẽ quay sang bán vũ khí hạt nhân cho người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc.

“Đó là lý do vì sao Trung Quốc dù sẽ hợp tác với các nước khác gây áp lực lên Triều Tiên nhưng cùng lúc Bắc Kinh vẫn cố thuyết phục Bình Nhưỡng tập trung phát triển kinh tế” – ông Hạ nhận xét.

Trung Quốc bị bất ngờ

Hôm qua, Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc cho biết các quan chức ngoại giao của Trung Quốc đã “hết sức bối rối” trước việc Triều Tiên thử bom H. Nguồn tin của Yonhap đã tham gia trao đổi với các quan chức ngoại giao Trung Quốc liên quan vụ thử hạt nhân.

Theo Yonhap, điều này cho thấy chính bản thân Bắc Kinh cũng rất hạn chế trong khả năng tiếp cận hay đoán định được những việc có thể xảy ra trong nội bộ quốc gia đồng minh của họ.

Các quan chức cao cấp thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong trao đổi với phía Hàn Quốc, cho biết họ đã không ngờ được việc Triều Tiên thử nghiệm bom hạt nhân vì ông Kim Jong Un đã không hề đả động gì tới các tham vọng hạt nhân trong bài phát biểu chào mừng năm mới.

Vụ thử bom H vừa rồi của Triều Tiên cũng đã đi ngược lại hoàn toàn với những đàm phán hữu nghị của Trung Quốc nhằm cải thiện quan hệ giữa hai nước vốn đã nguội lạnh đi nhiều kể từ sau lần thử bom hạt nhân thứ ba của Triều Tiên vào tháng 2-2013.

Giới chức ngoại giao cao cấp Trung Quốc cho biết họ “hết sức bối rối vì không ai nghĩ việc thử bom hạt nhân sẽ diễn ra”. Một quan chức cao cấp Trung Quốc thậm chí còn thừa nhận: “Chúng tôi đã quá ngây thơ trong việc cố đoán định xem những gì sẽ xảy ra tại Triều Tiên”.

Trong khi đó ngày 11-1, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết sẽ siết chặt hạn chế công dân nước này vào Khu công nghiệp chung Kaesong nằm trên lãnh thổ Triều Tiên gần biên giới giữa hai nước.

Theo quyết định trên, chỉ những doanh nhân người Hàn Quốc tham gia trực tiếp vào việc vận hành các nhà máy sẽ được vào Khu công nghiệp Kaesong, còn các nhà thầu sẽ chỉ được vào đây trong trường hợp họ trở lại Hàn Quốc trong ngày mà không ở lại qua đêm. Quyết định sẽ có hiệu lực từ ngày 12-1.

Người phát ngôn của bộ trên Jeong Joon Hee nêu rõ động thái này nhằm đảm bảo an toàn cho người Hàn Quốc trong bối cảnh Bình Nhưỡng có thể sẽ có phản ứng đối với việc Seoul nối lại các buổi phát thanh chống Triều Tiên qua loa phóng thanh.

D.KIM THOA

 

MỸ LOAN ([email protected])