24/01/2025

Nguy cơ từ đường băng phi pháp ở Trường Sa

Giới chuyên gia cảnh báo sau khi cho bay thử nghiệm trên đá Chữ Thập, Trung Quốc sẽ sớm đưa vào hoạt động 3 đường băng phi pháp ở Trường Sa.

 

Nguy cơ từ đường băng phi pháp ở Trường Sa

 

Giới chuyên gia cảnh báo sau khi cho bay thử nghiệm trên đá Chữ Thập, Trung Quốc sẽ sớm đưa vào hoạt động 3 đường băng phi pháp ở Trường Sa.



 


Đường băng phi pháp Trung Quốc xây trên đá Chữ Thập - Ảnh: Bloomberg

Đường băng phi pháp Trung Quốc xây trên đá Chữ Thập – Ảnh: Bloomberg


Ngày 9.1, tờ The Strait Times dẫn lời giới phân tích cho rằng việc Trung Quốc vừa cho phi cơ dân sự cất/hạ cánh thử nghiệm trên đường băng phi pháp tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam chỉ là bước đầu phục vụ ý đồ tăng cường hiện diện ở Biển Đông.

Trong đó, chuyên gia Ian Storey tại Viện Nghiên cứu Iseas-Yusof Ishak (Singapore) nhận định với The Strait Times: “Căng thẳng hạ nhiệt rồi lại leo thang ở Biển Đông. Tôi lo ngại tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn, phần lớn vì những cơ sở trên các đảo được bồi đắp đã bắt đầu được vận hành. Trung Quốc xây 3 đường băng và tôi đoán chúng sẽ được đưa vào hoạt động trong vài tháng tới. Có nghĩa là Trung Quốc sẽ mở rộng sự hiện diện và điều này có thể đẩy căng thẳng leo thang, dẫn đến nhiều sự cố hơn”.
Ngoài đường băng dài hơn 3 km ở đá Chữ Thập, Trung Quốc còn xây 2 đường băng tương tự ở đá Xu Bi và Vành Khăn, cũng thuộc Trường Sa. Ông Storey cảnh báo một sự cố có thể dẫn đến xung đột ở Biển Đông chỉ là vấn đề thời gian. Trước đó, chuyên gia này đã cảnh báo những cơ sở phi pháp Trung Quốc xây dựng trên Biển Đông có thể nhằm phục vụ mưu đồ dựng lên Vùng nhận diện phòng không trong khu vực.
Cùng ngày, chỉ huy Hạm đội 7 của Mỹ Joseph Aucoin nhấn mạnh vấn đề Biển Đông và chương trình hạt nhân của Triều Tiên là 2 thách thức lớn nhất mà quân đội nước này đang đối mặt. AP dẫn lời ông Aucoin khẳng định hành động bồi đắp phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông đang gây lo lắng cho các nước láng giềng, và các lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương “đang theo dõi sát sao” tình hình.
Vị phó đô đốc này nhấn mạnh tự do lưu thông ở Biển Đông phải được đảm bảo, đồng thời kêu gọi Trung Quốc minh bạch với các quốc gia Đông Nam Á về những ý định của nước này ở Biển Đông để tránh làm leo thang căng thẳng.
Phản đối hoạt động bay bất hợp pháp
Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã gửi thư sang Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CACC) phản đối mạnh mẽ hoạt động của các máy bay Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam, đe doạ an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Ngoài ra, vì trách nhiệm đối với an toàn hàng không quốc tế, cùng với thư gửi Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) ngày 6.1, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã gửi thư đến các thành viên ICAO cùng hàng loạt tổ chức hàng không quốc tế khác cũng như hơn 100 hãng hàng không quốc tế có các chuyến bay thường lệ trong Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh, đề nghị phối hợp phản đối hoạt động bay của máy bay Trung Quốc đã uy hiếp an toàn hàng không.
Về phía các cơ quan quản lý điều hành bay của Việt Nam, lãnh đạo cục khẳng định đang hết sức nỗ lực giám sát chặt chẽ, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các hoạt động bay bình thường trong các vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.
Mai Hà

Văn Khoa