24/12/2024

Lý do chứng khoán Trung Quốc mất điểm

Thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc ít được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế nước này do không thật sự phản ánh “sức khoẻ” của nền kinh tế.

 

Lý do chứng khoán Trung Quốc mất điểm

 

 

Thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc ít được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế nước này do không thật sự phản ánh “sức khoẻ” của nền kinh tế.

 

 

 

 

Cỗ xe kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu khựng lại vì những khó khăn nội tại. Trong ảnh: nhân viên giải cứu xe chết máy do nước ngập tại tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) ngày 6-1 - Ảnh: Reuters
Cỗ xe kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu khựng lại vì những khó khăn nội tại. Trong ảnh: nhân viên giải cứu xe chết máy do nước ngập tại tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) ngày 6-1 – Ảnh: Reuters

Mâu thuẫn này đến từ việc TTCK Trung Quốc vẫn bị các doanh nghiệp nhà nước chi phối – chiếm tới 80% giá trị vốn hoá thị trường – và hoạt động đầu tư có sự tham gia của gần 100 triệu nhà đầu tư tư nhân thay vì các quỹ quản lý tài sản.

Khuynh hướng chính của kinh tế Trung Quốc năm năm tới sẽ là cải cách theo cung với ba yêu cầu quan trọng là giảm tồn kho, giảm sản lượng, giảm đòn bẩy tài chính

Sản xuất công nghiệp thêm ảm đạm

Nếu nhìn vào nhóm cổ phiếu mất điểm mạnh nhất sẽ thấy tại sàn giao dịch Thâm Quyến là nhóm cổ phiếu bưu chính viễn thông (mất 10%), tại sàn Thượng Hải là cổ phiếu công nghệ thông tin (mất 8,9%), trong khi đó các cổ phiếu khu vực công nghiệp khác đều chỉ giảm nhẹ.

Vì vậy, nhìn nhận về những cú sốc trên TTCK Trung Quốc nửa cuối năm 2015 và những ngày đầu tháng 1-2016 cần xem xét nhiều khía cạnh kinh tế vĩ mô của Trung Quốc.

Trước hết,khuynh hướng chính của kinh tế Trung Quốc năm năm tới sẽ là cải cách kinh tế theo cung với ba yêu cầu quan trọng là giảm tồn kho, giảm sản lượng, giảm đòn bẩy tài chính. Điều này sẽ khiến sản xuất công nghiệp – trụ cột kinh tế của “công xưởng thế giới” – thêm ảm đạm.

Việc chỉ số PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng: một chỉ số dự báo các điều kiện hoạt động kinh doanh) ở dưới ngưỡng 50 liên tiếp trong năm tháng chỉ là một thể hiện mang tính ngắn hạn trong chuỗi ngày bết bát của sản xuất công nghiệp Trung Quốc.

Thứ hai,việc nguồn cung cổ phiếu sẽ đột ngột tăng mạnh khi lệnh “cấm bán” đối với cổ đông lớn (nắm giữ từ 5% tổng số cổ phiếu) hết hiệu lực vào ngày 8-1 làm gia tăng lo ngại về một đợt bán tháo.

Thứ ba, quan trọng hơn cả, các tín hiệu từ chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) cho thấy sự hiện diện ngày một rõ của “bộ ba bất khả thi” (*), điều này sẽ tác động không nhỏ tới kinh tế Trung Quốc.

Khi luồng vốn chạy khỏi Trung Quốc gia tăng (hai tháng cuối năm qua dự trữ ngoại tệ Trung Quốc giảm 195,2 tỉ USD, khiến dự trữ cả năm giảm còn 3.330 tỉ USD), áp lực mất giá của đồng nhân dân tệ (NDT) ngày càng lớn.

Thị trường cho rằng điều này sẽ dẫn đến việc PBoC phải giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc, nhưng điều đó đã không diễn ra. Hoạt động mua vào bằng công cụ quỹ cho vay tài chính vi mô (MLF) đầu tháng 1-2016 khiến luồng tiền trên thực tế bị thắt chặt. Đối với các thị trường tài sản phái sinh, điều này trở thành điều kiện tốt để “bán”.

Giải pháp không giống ai

Cơ chế tự ngắt là biện pháp kỹ thuật mà nhiều quốc gia áp dụng nhằm ngăn TTCK sụp đổ bởi hoạt động bán kỹ thuật. Nhưng cơ chế tự ngắt được xác định ở mức giảm 5-7% giá trị phiên mà Trung Quốc sử dụng có một số điểm không hợp lý.

Thứ nhất, mức giảm giá này quá thấp nếu so với các TTCK khác (Mỹ 20%, Nhật Bản 10%).

Thứ hai, nếu áp dụng mức ngắt này thì từ tháng 6 đến tháng 9-2015, Trung Quốc có chín phiên ngừng giao dịch, trung bình năm phiên thì có một phiên ngừng. Đây là mức ngừng giao dịch nhiều hơn bất kỳ một TTCK nào từng có kể cả khi có khủng hoảng thật sự.

Thứ ba, khoảng cách giữa bước ngắt thứ nhất 5% với ngưỡng thứ 2 (7%) quá ngắn, thông thường của các nước là 5% hoặc hơn.

Bên cạnh việc áp dụng cơ chế tự ngắt, Trung Quốc còn huy động “đội lái quốc gia” vào cuộc và bơm thêm khoảng 19,9 tỉ USD cho hệ thống ngân hàng thương mại nước này thông qua thị trường mở nhằm tăng thanh khoản.

Những biện pháp này cho thấy Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng cho các biến động mạnh của kinh tế thị trường.

Những khó khăn 
trước mắt

Kinh tế Trung Quốc đang tái cơ cấu nên mức tăng trưởng lạc quan cho năm năm tới có thể chỉ là 5,5%/năm. Những khó khăn mà kinh tế Trung Quốc gặp phải trong năm tới có thể sẽ bao gồm:

Thứ nhất,khu vực sản xuất tiếp tục suy giảm mạnh do tác động của chính sách tái cơ cấu mà chính phủ thực thi.

Sản xuất công nghiệp hiện ở mức thấp nhất sáu năm qua, lợi nhuận công nghiệp thậm chí đã suy giảm gần 2% (so với tăng 15% mỗi năm); tăng trưởng đầu tư tài sản cố định chỉ bằng 2/3 so với trước, trong khi đó tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu đều suy giảm mạnh.

Thứ hai,các chính sách điều tiết vĩ mô đang rơi vào tình thế lưỡng nan. Chính sách tiền tệ đối diện với bộ ba bất khả thi trong khi chính sách tài khóa đã phải chấp nhận mức thâm hụt lớn hơn mục tiêu đầu năm 2015 để ổn định tăng trưởng (qua kênh đầu tư).

Thứ ba,những vấn đề căn bản nhất của nền kinh tế chưa được giải quyết. Thị trường bất động sản đóng băng làm liên luỵ toàn bộ hệ thống sản xuất công nghiệp và ngân hàng, trong khi đó Trung Quốc vẫn chưa có phương án hiệu quả để xử lý nợ xấu của doanh nghiệp và địa phương.

(*) Trong kinh tế học, “bộ ba bất khả thi” là lý thuyết kinh tế cho rằng không thể thực hiện đồng thời ba chính sách gồm chế độ tỉ giá hối đoái cố định, chính sách tiền tệ độc lập để ổn định giá cả và tự do lưu chuyển vốn. Chỉ có thể thực hiện đồng thời hai trong ba chính sách này mà thôi.

Thuật ngữ này còn dùng để chỉ tình thế kinh tế dễ đổ vỡ khi mà một quốc gia cố tình thi hành ba chính sách trên cùng lúc.

————————–

Giới đầu tư sợ chính sách không rõ ràng của Trung Quốc

Thị trường chứng khoán toàn cầu trải qua một tuần lễ vô cùng tồi tệ do khủng hoảng “nhân tạo” từ Trung Quốc. 

Trung Quốc đang thực hiện chiến dịch tái cân bằng mô hình tăng trưởng, tuy nhiên đây là quá trình nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng toàn cầu. Do đó Trung Quốc cần minh bạch hơn về các chính sách kinh tế, đặc biệt là chính sách ngoại hối

CHRISTINE LAGARDE (tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế – IMF)

Theo Reuters, tính cả tuần qua chỉ số chứng khoán Mỹ S&P 500 sụt tới 6%, đánh dấu tuần lễ tồi tệ nhất tại Phố Wall trong vòng bốn năm qua. Chỉ số chứng khoán châu Âu FTSEurofirst 300 cũng hạ 6,7%, chỉ số chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương MSCI tụt hơn 6%… Đây cũng là mức giảm lớn nhất trong bốn năm ở châu Á.

Nhà phân tích Andrew Slimmon thuộc Quỹ Morgan Stanley Investment Management dự báo thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ còn sụt giảm trong những ngày tới do giới đầu tư đặc biệt lo ngại về tình hình kinh tế Trung Quốc.

AFP dẫn lời nhà phân tích Matthew Sherwood của Hãng Perpetual nhận định giới đầu tư rất lo lắng với cách quản lý và can thiệp thị trường quá thô bạo của Chính phủ Trung Quốc.

“Không có sự ổn định trong quản lý chính sách ở Trung Quốc. Chính quyền tuỳ cơ ứng biến, khiến thị trường bất ổn. Các nhà đầu tư rất ghét sự bất ổn và không rõ ràng” – ông Sherwood nhấn mạnh.

Nguồn tin báo Wall Street Journal tiết lộ rằng ông Xiao Gang – chủ tịch Uỷ ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC), “kiến trúc sư” xây dựng cơ chế “cúp cầu dao” trên thị trường chứng khoán Trung Quốc – đã bị các thành viên quốc vụ viện chỉ trích tơi tả và đang chịu sức ép rất lớn.

Việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tuần qua phá giá đồng nhân dân tệ 1,4% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3-2011 cũng khiến giới đầu tư lo lắng về tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế quốc tế đều có chung nhận định là tăng trưởng của Trung Quốc chậm hơn nhiều so với những con số chính thức mà Bắc Kinh công bố.

Báo Wall Street Journal dẫn lời một số nhà kinh tế quốc tế nhận định vấn đề của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay là nợ ngày càng phình to, các doanh nghiệp nhà nước hoạt động thiếu hiệu quả vẫn được ưu đãi đặc biệt. Hiện các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc ngốn tới 80% khoản vay của các ngân hàng. Trong khi đó, tổng nợ nước này đã tăng lên 242% GDP tính đến cuối năm 2014.

Nếu không sớm thay đổi, Trung Quốc sẽ đối mặt với nguy cơ “hạ cánh cứng”. “Thời kỳ tăng trưởng dễ dàng của Trung Quốc đã trôi qua” – giáo sư Victor Shih, thuộc ĐH California – San Diego 
(Mỹ), nhấn mạnh.

Các chuyên gia dự báo Trung Quốc sẽ tiếp tục phương án cũ là đổ thêm tiền cho các doanh nghiệp nhà nước, kích thích tăng trưởng bằng các dự án hạ tầng nặng nề, thiếu hiệu quả, do đó sẽ dẫn tới nguy cơ rơi vào “thập niên mất mát” giống như Nhật.

Nhưng vấn đề là Trung Quốc không thịnh vượng như Nhật. Và một Trung Quốc tăng trưởng yếu ớt sẽ làm suy yếu cả tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

“Trung Quốc chưa muốn chấp nhận cái đau cải cách nhưng càng chờ đợi họ sẽ càng gặp khó khăn” – nhà kinh tế Alicia Garcia Herrero của Ngân hàng đầu tư Natixis SA cảnh báo.

TS PHẠM SỸ THÀNH (giám đốc chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách – VEPR) – SƠN HÀ