Đằng sau chiêu khuyến mãi, giảm giá dữ dội
Đằng sau những con số giảm giá đó còn là “ý đồ khác” của nhà bán lẻ, nhà sản xuất mà người tiêu dùng không dễ nhận biết. “Bắt giò” khuyến mãi cuối năm ra sao?
Đằng sau chiêu khuyến mãi, giảm giá dữ dội
Đằng sau những con số giảm giá đó còn là “ý đồ khác” của nhà bán lẻ, nhà sản xuất mà người tiêu dùng không dễ nhận biết. “Bắt giò” khuyến mãi cuối năm ra sao?
Mặt hàng quần áo giảm giá mạnh trong dịp cuối năm. Trong ảnh: người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Co.op Mart chiều 9-1 – Ảnh: Duyên Phan |
Càng đến gần mùa kinh doanh Tết âm lịch, cuộc chạy đua tìm mọi cách để đạt được doanh số diễn ra ở khắp nơi, không chỉ tại các siêu thị mà cả những cửa hàng bán lẻ, với chi chít những khuyến mãi, giảm giá sâu để lôi kéo khách hàng.
Cứ hôm nay nhãn hàng này giảm thì ngày sau một thương hiệu khác cùng mặt hàng cũng tung ra chương trình khuyến mãi, có mức hấp dẫn hơn hẳn. Thế nhưng, đằng sau những con số giảm giá đó còn là “ý đồ khác” của nhà bán lẻ, nhà sản xuất mà người tiêu dùng không dễ nhận biết.
Chạy đua “kết” doanh số
Đang phân vân trước kệ dầu ăn gắn chi chít giá khuyến mãi tại một siêu thị, chị Mai Anh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) được nhân viên tiếp thị ở đây nhanh nhảu tư vấn: “Chị mua dầu D loại 5 lít đi, giảm còn 119.000 đồng/chai, mua hai chai được tặng thêm chai 1 lít, hãng dầu C lại giảm mạnh dòng 2 lít và tặng bột nêm… Sắp tới một số hãng cũng đồng loạt khuyến mãi loại chai 1 lít đó chị…”.
Theo chị Mai Anh, đi siêu thị trong những ngày này rất mệt vì khuyến mãi quá nhiều, các mặt hàng luân phiên giảm giá làm bà nội trợ như chị phải tính toán, so đo để mua sao có lợi nhất.
Từ đầu tháng 12 đến nay, giữa các nhà sản xuất, đặc biệt ngành hàng tiêu dùng nhanh, đang có một cuộc chạy đua chương trình hòng đẩy hàng ra đến mức tối đa.
Tỉ lệ khuyến mãi tại một số hệ thống bán lẻ đã vượt mức 20% ở rất nhiều nhóm hàng, bỏ xa tỉ lệ khuyến mãi của các nhà sản xuất chi ra cho hoạt động khuyến mãi năm ngoái. Với mục tiêu kích thích tiêu dùng, cả siêu thị và nhà sản xuất đều ra sức chi để chạy doanh số, đạt chỉ tiêu.
Thậm chí, ngoài việc giảm giá trực tiếp để kịp tiến độ “đẩy hàng”, nhiều nhóm hàng còn tặng thêm quà hoặc sản phẩm hay phiếu tham gia chương trình giá đặc biệt của nhà bán lẻ. Trong chương trình giá đặc biệt, có lúc chai dầu ăn chỉ còn 9.000 đồng/lít, sữa đặc chỉ còn 4.000 đồng/hộp… rất hấp dẫn bà nội trợ.
Khảo sát nhóm hàng hóa mỹ phẩm tại hàng loạt hệ thống bán lẻ có thể thấy mức giảm giá bình quân từ 15-30%, chưa kể còn tặng kèm thêm các loại sản phẩm khác.
Cụ thể, mặt hàng dầu gội P loại 670gr tại Lotte Mart (Q.7) giảm từ 108.000 đồng xuống còn 87.000 đồng/chai, nhưng tại Emart (Q.Gò Vấp) giảm chỉ còn 82.000 đồng/chai. Nhóm nước tẩy rửa, bột giặt ở các siêu thị cũng lao vào cuộc đua khuyến mãi. Tại Co.op Mart và Big C, bột giặt T loại 5,5kg giảm từ gần 200.000 đồng xuống còn 170.000 đồng/chai.
Tương tự, mặt hàng nước rửa chén S có giá bình quân tại các siêu thị khoảng 100.000 đồng/chai 3,8kg, đã giảm giá xuống ở mức 85.000-88.000 đồng/chai tuỳ từng siêu thị.
“Nhà mình vẫn còn bột giặt nhưng giảm tới 36.000 đồng nên cũng mua về, có lợi hơn chứ” – chị Kim Anh (đường Bắc Hải, Q.Tân Bình), chọn mua loại bột giặt 3,8kg, cho biết. Nhiều người tiêu dùng cho rằng mức giảm giá cao, tặng kèm thêm các loại sản phẩm sẽ khiến họ có xu hướng mua tích trữ nhiều hơn, nhất là nhóm hàng hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa…
Các loại thực phẩm tươi sống cũng liên tục ở trong cảnh khuyến mãi “bốn mùa”, thịt heo tại phần lớn các siêu thị thường xuyên đặt mức giảm 8-10% cho tuỳ từng mặt hàng.
Nhóm thực phẩm khô, mì gói, dầu ăn, đường là những mặt hàng xuất hiện dày đặc trên các đảo khuyến mãi tại siêu thị với mức giảm bình quân 16-20% tuỳ vào từng nhóm hàng khác nhau. Đối với nhóm hàng may mặc, tỉ lệ giảm giá còn dữ dội hơn nữa.
Khảo sát cho thấy tỉ lệ giảm giá thường xuyên ở mức 20-40%. Ghi nhận tại thời điểm này, quần áo trẻ em, đồ lót nam tại một số siêu thị có mức giảm giá 30.000-60.000 đồng/sản phẩm, thậm chí có mặt hàng giảm giá gần 50% so với giá ban đầu.
Che lấp các đợt tăng giá?
Đại diện hệ thống siêu thị Lotte Mart VN cho biết so với các chương trình khuyến mãi trong năm, số lượng hàng khuyến mãi cuối năm có tăng lên.
Chẳng hạn tại hệ thống này hiện có khoảng 400 sản phẩm ưu đãi giảm giá nhưng tuần tới sẽ tăng lên 800 sản phẩm và còn có thêm 300 sản phẩm gia nhập “nhóm hàng khuyến mãi” vào các ngày cuối tuần hoặc cận tết.
“Trong bối cảnh hiện nay, chất lượng hàng khuyến mãi được nhà bán lẻ cam kết rõ ràng, như hàng rau củ quả, thịt tươi sống phải là hàng qua kiểm dịch, hàng đóng gói còn hạn sử dụng và hàng thời trang phải phù hợp với chủ đề tết” – vị này nói thêm.
Ông Võ Hoàng Anh, giám đốc marketing Saigon Co.op, cho biết bên cạnh những chương trình khuyến mãi giảm giá liên tục mạnh thì cơ cấu, chất lượng, mẫu mã đều có sự đầu tư lớn giúp hàng hoá hết sức phong phú.
“Các chương trình khuyến mãi cuối năm đều được nghiên cứu hành vi của người tiêu dùng, những mặt hàng nào sẽ nằm danh mục ưu tiên mua sắm trước, mặt hàng nào gần tết mới cần, theo nhu cầu chi tiêu của khách hàng” – ông Hoàng Anh nói.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia nghiên cứu thị trường, không phải đến cuối năm các doanh nghiệp mới đẩy mạnh khuyến mãi, mà từ khoảng tháng 5 và tháng 6 các doanh nghiệp đã bắt đầu chi mạnh cho khuyến mãi vì nhận ra tình hình kinh doanh kém cỏi, dù hầu hết chỉ tiêu doanh số đều thấp hơn năm 2014. Số lượng khuyến mãi so với giữa năm 2014 và 2015 không có sự chênh lệch nhưng tỉ lệ khuyến mãi lại tăng rất mạnh.
Cụ thể, nhóm hàng hoá mỹ phẩm, tỉ lệ giảm giá bình quân năm trước dao động 10-15%, năm nay đã tăng lên 19-22%. Ở nhóm hàng chất tẩy rửa, đồ vệ sinh, con số này tăng từ 14% của năm ngoái lên 25% trong năm nay.
Ngoài chuyện khuyến mãi bằng mọi giá để đạt được doanh số, với mức giảm giá cao cũng hấp dẫn người tiêu dùng hơn trong bối cảnh chi tiêu hạn hẹp.
Giám đốc bán hàng của một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng thừa nhận ngoài việc chạy doanh số, các chương trình khuyến mãi cuối năm còn nhằm “che đậy” những đợt điều chỉnh giá. Nhiều mặt hàng bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm chế biến… thường tăng giá dịp này với đủ lý do như thay mẫu mã, giá đầu vào tăng.
“Nhà bán lẻ tận dụng nguồn hàng nhập theo giá cũ trước đó để làm chương trình giảm giá. Các khuyến mãi nhóm hàng này sẽ được thực hiện theo cách niêm yết giá mới, khuyến mãi bán giá cũ, mức chênh lệch giữa giá cũ và giá mới chính là mức khuyến mãi được áp dụng” - ông này phân tích.
Điện máy cũng tranh thủ xả hàng Các nhà bán lẻ điện máy cũng tăng tốc kích cầu sức mua trong những ngày cuối năm: từ giảm giá trực tiếp, tặng quà cho người mua hàng sớm nhất đến linh động trong thanh toán… Theo các nhà bán lẻ, với nhóm hàng gia dụng, cuối năm thường là thời điểm nhà sản xuất đẩy hàng cũ đi nên có rất nhiều mặt hàng giảm sâu, trong khi nhóm sản phẩm công nghệ, thiết bị cá nhân, đây lại là thời điểm các hãng tung ra hàng loạt mẫu điện thoại mới phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao của người tiêu dùng. Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường GfK, thị trường hàng công nghệ điện tử tiêu dùng VN trong quý 3-2015 đã tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Mức độ chi tiêu của người tiêu dùng VN dành cho các nhóm sản phẩm điện tử, điện máy, gia dụng, viễn thông, tin học đều tăng trưởng tích cực, giúp tổng thị trường tăng 20%, với doanh thu lên đến 35.000 tỉ đồng. Trong quý 4-2015, mặc dù chưa có số liệu chính xác nhưng thị trường hàng công nghệ điện tử VN đã tăng trưởng mạnh, nhờ hàng loạt chương trình khuyến mãi lớn từ nhà sản xuất cũng như các đơn vị bán lẻ. |