24/01/2025

Trung Quốc xoa dịu giới đầu tư, bỏ lệnh 
“cúp cầu dao”

Giới đầu tư cảnh báo những sự cố trong thị trường tài chính Trung Quốc có thể gây ra một cơn khủng hoảng mới cho thế giới, dù các lãnh đạo Bắc Kinh tìm cách giảm nhẹ vấn đề.

 

Trung Quốc xoa dịu giới đầu tư, bỏ lệnh 
“cúp cầu dao”

 

 

Giới đầu tư cảnh báo những sự cố trong thị trường tài chính Trung Quốc có thể gây ra một cơn khủng hoảng mới cho thế giới, dù các lãnh đạo Bắc Kinh tìm cách giảm nhẹ vấn đề.

 

 

 

 

Các nhà đầu tư thế giới hoang mang trước kiểu điều chỉnh không giống ai của Trung Quốc. Ảnh trên sàn chứng khoán New York (Mỹ) ngày 7-1 - Ảnh: Reuters
Các nhà đầu tư thế giới hoang mang trước kiểu điều chỉnh không giống ai của Trung Quốc. Ảnh trên sàn chứng khoán New York (Mỹ) ngày 7-1 – Ảnh: Reuters

 

 

Hãng tin Reuters cho biết gần 2.500 tỉ USD đã bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán trong tuần đầu năm. Châu Á là khu vực bị tổn thất nhiều nhất khi thị trường chứng khoán Trung Quốc hai lần ngưng giao dịch chỉ trong vòng bốn ngày.

Quốc tế chỉ trích

Việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ đã vấp phải những chỉ trích của quốc tế. Bộ trưởng Tài chính Mexico Luis Videgaray cảnh báo động thái này có thể gây ra một cuộc chiến tranh tiền tệ khi các nước trong khu vực rơi vào vòng tròn cạnh tranh “phá giá tiền tệ”.

Các ứng cử viên tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hoà cáo buộc Bắc Kinh đang cố giành lợi thế thương mại bằng việc tạo điều kiện cho ngành xuất khẩu của họ rẻ hơn các nước trên thế giới.

Chuyên gia Mo Ji – kinh tế trưởng người Nhật của Công ty quản lý tài sản Amundi – nhận định đồng nhân dân tệ là nguyên nhân chính gây chao đảo thị trường tài chính. Các thị trường sẽ càng thêm căng thẳng khi Chính phủ Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ.

Tại diễn đàn kinh tế ở Sri Lanka, tỉ phú người Mỹ gốc Hungary George Soros cảnh báo các thị trường toàn cầu đang đối mặt với một cơn khủng hoảng và giới đầu tư cần hết sức thận trọng. Ông nhấn mạnh môi trường tiền tệ hiện nay đang có những điểm giống như năm 2008.

Báo Financial Times dẫn lời ông Soros nhận định các thị trường tiền tệ, chứng khoán và hàng hóa đang chịu sức ép trong tuần đầu tiên của năm 2016. Đồng nhân dân tệ rớt giá đang gia tăng mối quan ngại về “sức căng” của nền kinh tế Trung Quốc khi nước này thay đổi từ đầu tư và sản xuất sang hướng tiêu dùng và dịch vụ.

“Trung Quốc đang có điều chỉnh lớn. Tôi muốn nói đến một cuộc khủng hoảng. Khi tôi xem xét các thị trường tài chính thì thấy rằng đây là một thách thức lớn, khiến tôi nhớ đến cuộc khủng hoảng tài chính mà chúng ta từng đối mặt hồi năm 2008” – tỉ phí Soros nhấn mạnh.

Hãng tin Bloomberg cho biết hiện tài sản ròng của tỉ phú Soros đã lên đến 27,3 tỉ USD. Người ta cũng thường nhớ đến ông như một người biết cách trục lợi từ các cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Trung Quốc bỏ lệnh 
“cúp cầu dao”

Báo Chứng Khoán Trung Quốc hôm qua cho biết giới chức nước này tuyên bố sẽ cho dừng áp dụng cơ chế ngắt giao dịch tự động trên thị trường chứng khoán. Lệnh này có hiệu lực ngay lập tức.

Người phát ngôn Uỷ ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) Đặng Khả thừa nhận đã thất bại trong việc ứng dụng “kiểu cúp cầu dao” này trong việc ổn định các thị trường chứng khoán thời gian cao điểm bán ra của giới đầu tư.

“Những ảnh hưởng tiêu cực đã vượt quá phần tích cực. Để đảm bảo sự ổn định của thị trường chứng khoán, CSRC quyết định ngừng cơ chế này” – ông Đặng nhấn mạnh.

Cơ chế ngắt giao dịch tự động trên thị trường chứng khoán Trung Quốc lần đầu tiên được kích hoạt ngày 4 và 7-1 khiến thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến phải đóng cửa ngay sau khi mở cửa chỉ được vài mươi phút.

Giới chuyên gia cho rằng chính cơ chế này đã gây phản ứng ngược khi nhà đầu tư bị tâm lý phải nhanh chân bán cổ phiếu ra trước khi “cầu dao lại 
bị cúp”.

Bên cạnh đó, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) lần đầu tiên đã tăng trở lại tỉ giá đồng nhân dân tệ so với USD nhằm xoa dịu thị trường. PBoC đã điều chỉnh tăng giá đồng nhân dân tệ ở mức 6,5636 nhân dân tệ đổi lấy 1 USD trước khi thị trường mở cửa.

Tuy nhiên, động thái này càng khiến giới đầu tư bối rối vì họ không đoán được mục đích cuối cùng của PBoC là gì. Hiện đang dấy lên nghi ngờ PBoC đang đứng sau các ngân hàng nhà nước nhằm can thiệp để bảo vệ đồng nhân dân tệ trong giao dịch ở nước ngoài.

“Trong khi thị trường đang không biết chắc đồng nhân dân tệ sẽ rớt giá bao nhiêu nữa thì PBoC đưa ra động thái này như muốn nói rằng họ không có ý tiếp tục để đồng tiền này rớt giá” – nhà chiến lược thị trường của Ngân hàng JPMorgan Yoshinori Shigemi nhận định.

Ngân hàng DBS nhận định sự bất ổn của thị trường Trung Quốc trong tuần này cho thấy không ai biết được chính sách của nước này là gì. Thông điệp thị trường rất rõ ràng rằng cần Chính phủ Trung Quốc minh bạch hơn trong chính sách tiền tệ và không gây chao đảo thị trường thời gian tới.

Nhưng vẫn còn đó những lo lắng trong giới đầu tư về những mục tiêu tiền tệ của Trung Quốc. Báo South China Morning Post dẫn các nguồn tin giấu tên trong lĩnh vực ngân hàng nhà nước Trung Quốc cho biết PBoC đang chịu áp lực lớn từ giới cố vấn chính sách kinh tế của Chính phủ Trung Quốc về việc phải để đồng nhân dân tệ giảm giá thật nhanh 10-15%.

Tín hiệu xanh

Các chỉ số chứng khoán lớn của Trung Quốc hôm qua (8-1) đã tăng khoảng 2% ngay sau tuyên bố bỏ “cúp cầu dao”. Chỉ số chứng khoán Trung Quốc CSI300 tăng 1,75% sau khi mất tổng cộng 12% trong bốn ngày giao dịch đầu năm 2016, trong khi chỉ số Shanghai Composite Index tăng 1,6%.

“Thị trường đã trở lại bình thường. Giới đầu tư có thể mua và bán chứng khoán như họ muốn. Theo cơ chế ngắt giao dịch tự động, thị trường đã bị chết ngộp” – nhà phân tích Thiên Vĩ Đông ở Công ty chứng khoán Khải Nguyên giải thích.

Thị trường chứng khoán châu Á đã có phần bình tĩnh hơn sau điều chỉnh của Trung Quốc. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng 0,4% và Hang Seng của Hong Kong lên được 0,9%.

MỸ LOAN ([email protected])