24/01/2025

Trung Quốc thách thức quy định hàng không thế giới

Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam, đe dọa an toàn hàng không khi cho máy bay bay vào vùng thông báo bay Hồ Chí Minh để đáp xuống đá Chữ Thập của Việt Nam.

 

Trung Quốc thách thức quy định hàng không thế giới

 

 

Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam, đe dọa an toàn hàng không khi cho máy bay bay vào vùng thông báo bay Hồ Chí Minh để đáp xuống đá Chữ Thập của Việt Nam.

 

 

 

 

Đảo Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) là nơi máy bay dân dụng của Trung Quốc hạ cánh sau khi bay vào vùng thông báo bay Hồ Chí Minh nhưng không thông báo với cơ quan chức năng Việt Nam - Ảnh: Reuters
Đảo Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) là nơi máy bay dân dụng của Trung Quốc hạ cánh sau khi bay vào vùng thông báo bay Hồ Chí Minh nhưng không thông báo với cơ quan chức năng Việt Nam – Ảnh: Reuters

 

 

Hành động của Trung Quốc cho máy bay hạ cánh xuống đảo Chữ Thập (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) không chỉ xâm phạm chủ quyền của Việt Nam mà còn thách thức quy định hàng không 
thế giới, đe doạ an toàn 
hàng không.

Theo các chuyên gia, việc máy bay Trung Quốc hạ cánh xuống đảo Chữ Thập đồng nghĩa với việc phải bay vào vùng thông báo bay (Flight Information Region – FIR) Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, FIR Hồ Chí Minh không hề được phía Trung Quốc thông báo về các chuyến bay đến đảo Chữ Thập.

Không tuân thủ 
quy định hàng không 
thế giới

Trong văn bản gửi Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ông Lại Xuân Thanh – cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam – khẳng định có một số máy bay hoạt động trong FIR Hồ Chí Minh nhưng không liên lạc với cơ quan không lưu phụ trách theo quy định quốc tế về an toàn bay.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, các cơ trưởng của những hãng hàng không tại Việt Nam cho biết việc các chuyến bay vào FIR Hồ Chí Minh mà không liên lạc với cơ quan không lưu phụ trách theo quy định quốc tế về an toàn bay là uy hiếp an toàn đến các hoạt động bay trong khu vực.

Về nguyên tắc, trước mỗi chuyến bay, các hãng hàng không phải thông báo kế hoạch cho nhà chức trách nơi được giao quản lý FIR mà máy bay sẽ bay qua.

Trước giờ khởi hành chuyến bay, đại diện hãng phải gửi kế hoạch bay cho phòng thủ tục bay ở sân bay khởi hành để nơi này gửi kế hoạch bay cho các vùng FIR mà máy bay sẽ bay qua, kể cả FIR liên quan.

“Không có kế hoạch bay, kiểm soát không lưu sân bay xuất phát không thể cấp huấn lệnh để máy bay khởi hành” – trưởng đoàn bay một hãng hàng không khẳng định.

Các hãng hàng không Trung Quốc có máy bay hạ cánh xuống đảo Chữ Thập của Việt Nam không tuân thủ các quy định chung của hàng không dân dụng thế giới do ICAO quy định.

Người điều hành sân bay cho phép các máy bay này cất cánh cũng coi thường tất cả quy định của ICAO.

Khi các máy bay có thông báo kế hoạch bay và bật hệ thống nhận diện bay qua vùng FIR, trên màn hình rađa sẽ phát hiện đồng thời biết được máy bay này đến từ đâu, bay đến đâu, của hãng nào, đang bay ở độ cao nào…

Căn cứ vào tình hình lưu thông trong FIR, kiểm soát viên không lưu sẽ điều tiết mực bay (cao hay thấp) để đảm bảo an toàn nhất cho máy bay đó cũng như các máy bay khác.

Theo các phi công, máy bay Trung Quốc khi vào FIR Hồ Chí Minh đã tắt các hệ thống thông báo và liên tục thay đổi mực bay nên FIR Hồ Chí Minh không thể can thiệp.

Hành động này có thể dẫn đến khả năng không đảm bảo an toàn về giãn cách, độ cao giữa các máy bay đang trong vùng FIR Hồ Chí Minh.

Máy bay dân dụng của Trung Quốc đáp xuống đường băng xây trái phép trên đảo Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Tân Hoa xã
Máy bay dân dụng của Trung Quốc đáp xuống đường băng xây trái phép trên đảo Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam – Ảnh: Tân Hoa xã

FIR Hồ Chí Minh 
rộng 800.000km2

FIR bao gồm vùng trời thuộc chủ quyền lãnh thổ của mỗi quốc gia, vùng trời được uỷ nhiệm quản lý hoặc vùng trời trên công hải được ICAO xác lập.

ICAO căn cứ vào thực tế đầu tư trang thiết bị quản lý bay, năng lực quản lý không lưu của các quốc gia để quản lý FIR. Các quốc gia thành viên của ICAO quản lý FIR sẽ cung cấp các dịch vụ không lưu và hoạt động hàng không dân dụng.

Theo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, có hai FIR là FIR Hà Nội và FIR Hồ Chí Minh với diện tích rộng 1,2 triệu km2 (trong đó FIR Hồ Chí Minh rộng khoảng 800.000km2).

Đây là hai vùng FIR có các đường bay với mật độ bay khá dày, chiếm vị trí quan trọng đối với hoạt động bay trên khu vực Biển Đông và châu Á – Thái Bình Dương.

FIR Hồ Chí Minh gồm cả vùng trời miền Nam Việt Nam và vùng trời thuộc Biển Đông, kéo dài từ vĩ tuyến 17 xuống tới 07 vĩ độ bắc, chiều rộng từ biên giới Việt – Lào, Việt – Campuchia ra tới 114 độ kinh tuyến đông.

Trung tâm Quản lý bay đường dài TP.HCM thuộc Công ty Quản lý bay miền Nam (Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam – VATM) chịu trách nhiệm quản lý, hướng dẫn không lưu nằm trong FIR Hồ Chí Minh.

Thống kê của VATM cho thấy trung bình mỗi ngày có vài trăm chuyến bay quốc tế và quốc nội bay qua FIR Hồ Chí Minh. Số liệu tổng hợp tình hình hoạt động bay ngày 29-12-2015 cho thấy chỉ tính riêng các chuyến bay quá cảnh qua FIR Hồ Chí Minh là hơn 630 chuyến.

Theo một cơ trưởng kỳ cựu hiện là giáo viên giảng dạy có thâm niên rất nhiều năm, các máy bay Trung Quốc bay trong vùng FIR Sanya (của Trung Quốc, sát FIR Hồ Chí Minh) sau đó “nhảy” vào FIR Hồ Chí Minh rồi thay đổi mực bay liên tục: từ FL135 tương đương 4.050m, FL250 tương đương 7.500m đến FL460 tương đương 13.800m.