24/12/2024

Chứng khoán hỗn loạn trước nguy cơ khủng hoảng tài chính

Thị trường châu Á và thế giới chịu sức ép tâm lý nặng nề sau các cú rơi chóng mặt của chứng khoán Trung Quốc.

 
Chứng khoán hỗn loạn trước nguy cơ khủng hoảng tài chính
 
 


Thị trường châu Á và thế giới chịu sức ép tâm lý nặng nề sau các cú rơi chóng mặt của chứng khoán Trung Quốc.



 



Nhà đầu tư tại một công ty chứng khoán ở Bắc Kinh - Ảnh: AFP

Nhà đầu tư tại một công ty chứng khoán ở Bắc Kinh – Ảnh: AFP


Việc chứng khoán Trung Quốc tiếp tục lao dốc thẳng đứng kết hợp với quyết định giảm tỷ giá tham chiếu nhân dân tệ và những lo ngại về sức khoẻ nền kinh tế số 2 thế giới khiến các thị trường toàn cầu trở nên hỗn loạn, và VN cũng không ngoại lệ.

Nỗi lo phá giá tiền tệ
Lần thứ hai trong vòng một tuần, thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc bị ngưng giao dịch giữa chừng sau khi chỉ số chứng khoán CSI 300 giảm 7,2% vào sáng 7.1, theo Reuters. Cơ chế “ngắt mạch” của chứng khoán Trung Quốc được kích hoạt sau chưa đầy 30 phút kể từ lúc mở cửa, đánh dấu ngày giao dịch ngắn ngủi nhất trong lịch sử 25 năm hoạt động của TTCK Trung Quốc. Trước đó, cơ chế này từng được kích hoạt một lần vào ngày 4.1.
Cú lao dốc của chứng khoán Trung Quốc xảy ra sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc bất ngờ giảm tỷ giá tham chiếu của nhân dân tệ xuống 0,51% so với USD, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3.2011. Đây cũng là đợt điều chỉnh lớn nhất kể từ khi nhân dân tệ bị phá giá 5% trong vòng một tuần vào tháng 8.2015, kéo theo nhiều tuần lễ hỗn loạn của thị trường thế giới. Theo BBC, đợt giảm giá nhân dân tệ mới nhất tiếp tục làm dấy lên những lo ngại rằng nền kinh tế số 2 thế giới đang giảm tốc nhanh hơn dự kiến và có nguy cơ kích hoạt một làn sóng phá giá tiền tệ ở khu vực.
Biến động tại Trung Quốc ngay lập tức tạo ra dư chấn ở khắp châu Á và châu Âu. Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng bốc hơi 3,1%, rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7.2013. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,3% lúc đóng cửa, còn chỉ số Kospi của Hàn Quốc mất giá 1,1%. Tại châu Âu, chỉ số FTSEurofirst 300 giảm 2,3% vào phiên giao dịch buổi sáng, còn chỉ số của khu vực đồng euro Euro Stoxx 50 giảm 2,9%. DAX của Đức bị thổi bay 3,2% và FTSE 100 ở Anh giảm 2,5%.
Chứng khoán VN giảm hơn 9 điểm
Hôm qua 7.1, TTCK VN có phiên giảm mạnh nhất trong năm 2016. Đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm 9,21 điểm (tương ứng giảm 1,6%) và chỉ còn 565,36 điểm. Tương tự chỉ số HNX-Index giảm đi 1,53 điểm (tương ứng giảm 1,95%) và còn 77,15 điểm. 
Đà lao dốc của hàng loạt cổ phiếu (CP) càng mạnh trong phiên chiều. Thậm chí một số CP lớn thuộc nhóm dầu khí như PVD và PXS bị kéo giảm xuống mức giá sàn. Bên cạnh đó, một số CP khác như GAS, PVC, PVS… đều bị giảm từ 5 – 9%. Tuy nhiên trong phiên chiều, lực cầu bắt đáy cũng gia tăng khiến giao dịch trên thị trường diễn ra sôi động hơn các phiên trước. Tổng giá trị giao dịch trên cả hai sàn đạt khoảng 2.800 tỉ đồng.
Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng VN, các nhà đầu tư (NĐT) đang lo ngại khi TTCK Trung Quốc lại giảm mạnh. Bên cạnh đó, việc nhân dân tệ giảm thấp nhất trong vòng 5 năm càng khiến cho các NĐT nước ngoài e ngại sẽ tác động đến giá ngoại tệ tại VN. Tác động tâm lý này cần phải được giải tỏa nếu muốn thị trường ổn định trở lại. 
Còn TS Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn đầu tư tài chính (ĐH Kinh tế TP.HCM), phân tích: Trung Quốc được xem là công xưởng sản xuất của thế giới nhưng chỉ số sản xuất công bố liên tục nằm dưới mức 50 điểm cho thấy nền kinh tế này đang suy giảm, năng lực sản xuất đang dư thừa… Bên cạnh đó, nhân dân tệ giảm giá và trong mối tương quan với các đồng tiền khác thì môi trường đầu tư ở Trung Quốc trở nên kém hấp dẫn. Xu hướng rút vốn ở thị trường Trung Quốc chuyển sang các thị trường phát triển đã và đang xảy ra là tất yếu.
“Khi nhân dân tệ giảm giá thì sẽ có tác động đến thị trường tài chính toàn cầu. Tương tự như nền kinh tế Trung Quốc suy giảm sẽ ảnh hưởng đến kinh tế thế giới chứ không riêng kinh tế VN. Đặc biệt các NĐT nước ngoài sẽ xem xét lại triển vọng đầu tư ở các thị trường kinh tế mới nổi khác, nhất là khu vực ASEAN. Hiện nay chúng ta không xem xét nó sẽ tác động đến thị trường VN như thế nào mà vấn đề chính là tác động tâm lý đang lan toả ngày càng lớn. Điều đó sẽ khiến niềm tin vào sự tăng trưởng của kinh tế VN ở các NĐT ngoại bị giảm sút”, TS Lê Đạt Chí nói.
Cảnh báo khủng hoảng tài chính
NĐT tài chính nổi tiếng người Mỹ George Soros hôm qua cảnh báo các thị trường thế giới đang thể hiện dấu hiệu một cuộc khủng hoảng tài chính tương tự năm 2008, theo AFP. 
Phát biểu tại một diễn đàn ở Sri Lanka, ông Soros nói rắc rối kinh tế của Trung Quốc và hành động phá giá nhân dân tệ kéo theo sau đó đang hủy hoại sự ổn định tài chính toàn cầu. “Không may là Trung Quốc có vấn đề lớn cần phải điều chỉnh và nước này có nhiều chọn lựa, họ thực sự có thể chuyển rắc rối của họ ra cho toàn thế giới bằng cách phá giá nội tệ, và đó là những gì Trung Quốc đang làm”, tỉ phú người Mỹ gốc Hungary nhận xét.

Mai Phương – Công Chính