24/12/2024

Campuchia trong dòng chảy tài chính Trung Quốc

Nguồn tài chính cuồn cuộn đổ vào cơ sở hạ tầng Campuchia đang là một phần của chiến dịch khuếch trương ảnh hưởng trong khu vực của Trung Quốc.

 

Campuchia trong dòng chảy tài chính Trung Quốc

 

Nguồn tài chính cuồn cuộn đổ vào cơ sở hạ tầng Campuchia đang là một phần của chiến dịch khuếch trương ảnh hưởng trong khu vực của Trung Quốc.





Đập Hạ Sesan 2 đang nhanh chóng tượng hình - Ảnh: Mekong Commons

Đập Hạ Sesan 2 đang nhanh chóng tượng hình – Ảnh: Mekong Commons


Ở vùng đông bắc Campuchia, thủy điện Hạ Sesan 2 với chi phí đầu tư 800 triệu USD đang dần mọc lên một cách hoành tráng. 

Theo tờ South China Morning Post, nó trở thành biểu tượng cho các kế hoạch tham vọng của Bắc Kinh nhằm khuếch trương ảnh hưởng xuyên suốt châu Á thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết cho những nước trong khu vực.
Cho vay không điều kiện
Nếu Tổng thống Mỹ Barack Obama thúc đẩy chính sách đối ngoại theo hướng “tái cân bằng” tại châu Á – Thái Bình Dương, thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại đáp trả bằng cách bơm hàng trăm tỉ USD dưới dạng đầu tư mới vào các quốc gia láng giềng, nhằm khôi phục điều mà nhà lãnh đạo này gọi là vị trí trung tâm của châu Á. 
Không nơi nào điều này được thể hiện rõ ràng hơn như tại Campuchia, nước đang đi vào quỹ đạo của Bắc Kinh và rời xa tầm ảnh hưởng của phương Tây với lời hứa hẹn trị giá nhiều tỉ USD, mà không cần bất cứ ràng buộc nào kèm theo. Thông thường, loại tiền “dễ kiếm” này xuất hiện dưới dạng đường sá, cầu cống và đập thủy điện.
“Không có cơ sở hạ tầng, nước bạn không thể nào hồi sinh. Ai nấy đều chỉ trích chúng tôi nghiêng về phía Bắc Kinh, nhưng đó là vì chúng tôi cần gấp cơ sở hạ tầng… Trung Quốc không kèm theo điều kiện gì cả”, tờ The Washington Post dẫn lời phân trần của Bộ trưởng Thương mại Campuchia Sun Chanthol. 
Campuchia cũng là thành viên sáng lập của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), tổ chức do Trung Quốc đứng đầu, nhằm cấp tiền cho dự án “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa” chạy xuyên sa mạc và đồi núi Trung Á, và “Con đường tơ lụa trên biển” qua các vùng biển ở Nam Á. Có thể nói, Trung Quốc đã nhìn thấy cơ hội ở châu Á, cũng như Mỹ từng phát hiện và đã nắm bắt tại khu vực Mỹ Latin.
Dù Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia và là nhà nhập khẩu quan trọng trong lĩnh vực may mặc, nhưng Trung Quốc đang trỗi dậy với vị thế là quốc gia cung cấp tiền mạnh tay nhất và bơm nguồn đầu tư trực tiếp lớn nhất vào đất nước nằm trên bán đảo Đông Dương trong thập niên qua. 
Bất chấp những quan ngại về môi trường lẫn ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống của hàng trăm ngàn dân, các công trình như đập Hạ Sesan 2 vẫn được xúc tiến. Theo chuyên gia Ian Baird của Đại học Wisconsin (Mỹ), con đập này sẽ làm tăng tình trạng thiếu ăn và nghèo đói trên diện rộng tại Campuchia. “Con đập không nằm ở vị trí lý tưởng nhất, mà lại khá đắt đỏ, và nó sẽ gây ra tác động dữ dội về môi trường lẫn xã hội”, theo chuyên gia Mỹ.
Quan hệ đặc biệt
Mey Kalyan, cố vấn cấp cao của Hội đồng Kinh tế quốc gia tối cao Campuchia, nhận định rằng Trung Quốc đang tận hưởng “một mối quan hệ đặc biệt với Campuchia”, và điều này không chỉ dừng lại ở khía cạnh kinh tế. 
Hồi tháng 11.2015, hai nước đã bắt tay tăng cường quan hệ quân sự, theo sau cuộc gặp giữa các bộ trưởng quốc phòng tại Phnom Penh. Theo Bộ trưởng Campuchia Tea Banh, Bắc Kinh đã đồng ý hỗ trợ về mặt quân sự nhằm tăng cường năng lực của quân đội Campuchia, đồng thời tiếp tục cung cấp huấn luyện và giảng dạy tại các học viện quân đội, đẩy mạnh trao đổi quân sự và tập trận chung. 
Ông Tea Banh cũng xác nhận chính quyền Hun Sen đã tiếp nhận hệ thống tên lửa phòng không vác vai từ Trung Quốc, nhưng Phnom Penh vẫn chưa thoả mãn. Quan chức này úp mở rằng Phnom Penh cần thêm những loại vũ khí tầm xa hơn nữa.
Dù vậy, thỏa thuận trên đã củng cố vị thế của Trung Quốc là nước viện trợ quân sự lớn nhất của Campuchia. Theo tờ The Diplomat,quan hệ quốc phòng giữa hai nước đang trên đà phát triển trong vài năm qua. 
Vào năm 2013, Campuchia mua 12 trực thăng Harbin Z-9 bằng khoản vay 195 triệu USD từ Trung Quốc. Đến tháng 2.2014, quốc gia Đông Nam Á này tiếp nhận 26 xe tải quân sự và 30.000 bộ quân phục từ Bắc Kinh. 
Viện Bộ binh ở tỉnh Kampong Speu được xây dựng bằng tiền hỗ trợ từ Trung Quốc cũng đánh dấu nỗ lực đầu tiên của chính quyền Bắc Kinh nhằm xây dựng một cơ sở huấn luyện quy mô lớn tại Đông Nam Á. Nhìn xa hơn nữa, nó còn là một minh chứng rõ ràng cho thấy tầm ảnh hưởng bao trùm của Bắc Kinh đối với Campuchia.
Tuy nhiên ông Kung Phoak, Chủ tịch Viện Nghiên cứu chiến lược Campuchia, cho hay Trung Quốc đang đối mặt với “sự thiếu hụt nghiêm trọng về mặt niềm tin”, không chỉ tại Campuchia mà còn xuyên suốt khu vực. Châu Á trong quá khứ đã hứng chịu quá đủ khi trở thành những con cờ trên bàn cờ giữa các siêu cường, và ông Kung Phoak nhấn mạnh rằng Campuchia không hề muốn bắt buộc phải lựa chọn giữa Mỹ hoặc Trung Quốc.
Thuỷ điện Hạ Sesan 2 không phải dự án duy nhất của Trung Quốc vấp phải phản ứng dữ dội từ dư luận Campuchia. 
Theo tờ The Washington Post, các tổ chức dân sự trong nước đang tập trung chỉ trích công trình nhượng quyền sử dụng 364 km2 đất đai cho Tập đoàn phát triển liên hợp Trung Quốc (UDG) để xây dựng trung tâm du lịch sinh thái và thương mại quốc tế trên bờ biển tây nam nước này. 
Một dự án thuỷ điện khác, nằm trong thung lũng nguyên sinh rừng rậm Areng, cũng thuộc miền tây nam, đã bị hoãn lại hồi tháng 2.2015 sau khi dân địa phương liên tục biểu tình phản đối.

Thuỵ Miên