24/01/2025

Bà nội trợ biết mua thực phẩm sạch ở đâu?

Có 39 trong số 75 bà nội trợ thường xuyên đi chợ không tin chợ là nơi bán thực phẩm sạch hoàn toàn. Các bà nội trợ đặt câu hỏi tìm mua thực phẩm sạch ở đâu, làm sao để nhận biết?…

 

Bà nội trợ biết mua thực phẩm sạch ở đâu?

 

 

Có 39 trong số 75 bà nội trợ thường xuyên đi chợ không tin chợ là nơi bán thực phẩm sạch hoàn toàn. Các bà nội trợ đặt câu hỏi tìm mua thực phẩm sạch ở đâu, làm sao để nhận biết?…

 

 

 

 

Kết quả khảo sát ý kiến của 100 người

Kết quả khảo sát ý kiến của 100 người
Kết quả khảo sát ý kiến của 100 người

Đó là một trong những kết quả đáng chú ý từ cuộc khảo sát nhanh của báoTuổi Trẻ thực hiện với 100 bà nội trợ tại TP.HCM về xu hướng chọn mua thực phẩm để phục vụ bữa ăn hằng ngày.

Tuỳ địa điểm

Khi được hỏi về địa điểm mua thực phẩm an toàn, các bà nội trợ đưa ra nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó, địa điểm phổ biến nhất vẫn là chợ với 75% lựa chọn. Trong số này có 36 người tin tưởng ở chợ vì họ đã có các mối quen từ trước.

Giải thích lý do chọn chợ, chị Nguyễn Xuân Tiến, ngụ tại Q.1, nói: “Mình đi chợ cứ lựa những chỗ có sạp hàng, kệ bán đàng hoàng, nơi quen biết, thậm chí có nhà ở trong chợ, nếu không bán đồ chất lượng sao họ dám ở đó”.

Tuy nhiên, có đến 39/75 bà nội trợ thường xuyên đi chợ không tin chợ là nơi bán thực phẩm sạch hoàn toàn. “Có lần đi chợ thấy cá ướp muối sả nhìn bắt mắt lắm mà mua về chiên xong có mùi thum thủm rất ghê. Cho nên thấy bên ngoài đẹp mắt vậy mà không phải vậy, tuy nhiên đành chấp nhận thôi vì không biết mua ở đâu nữa” – chị Ngọc Mai, H.Hóc Môn, chia sẻ.

Trong khi đó, khu vực siêu thị có 51 người lựa chọn là nơi mua sắm thường xuyên. Những ý kiến lý giải cho sự tin tưởng ở địa điểm này như có tên tuổi, thực phẩm được đóng gói, có logo nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng… Chị Lương Thị Hường, sống tại Q.Thủ Đức, khẳng định: “Siêu thị không sạch thì ở đâu mới sạch, ở đó có chế độ bảo quản thức ăn tốt hơn ở chợ.

Người ta cũng thông qua của cơ quan chức năng rồi mới được nhập hàng hoá vào nên không thể làm ẩu được”.

Nhưng cũng trong số 51 người thường mua hàng tại siêu thị, có 16 người băn khoăn về an toàn của thực phẩm ở đây do đã có trường hợp mua phải hàng kém chất lượng. Chị Hà Giang, Q.1, dẫn chứng: “Có lần tôi kiểm chứng bằng việc mua cà rốt ở siêu thị về nhưng để hai ngày thấy bị nẫu trong ruột”.

Cô Nguyễn Thị Phương, ở Q.Phú Nhuận, cho biết thêm: “Siêu thị cũng tùy lúc. Ví dụ có lần mua thịt cốt lết ở đó về nấu có mùi hôi rất khó chịu. Nhưng mua thịt ở chợ cũng không mấy an tâm vì chẳng rõ nguồn gốc. Vậy nên tìm được chỗ mua đồ sạch bây giờ khó hơn lên trời”.

Có 26 bà nội trợ cho biết tùy theo loại thực phẩm mà chọn địa điểm phù hợp chứ không phụ thuộc một chỗ mua sắm cụ thể. “Lựa thực phẩm quan trọng nhất vẫn là con mắt mình chứ không kể gì ở siêu thị hay chợ. Tuỳ thuộc vào sản phẩm mà mình mua, ví dụ rau củ quả nên đi siêu thị vào sáng sớm, còn cá thịt mua ở chợ tươi hơn” – chị Thanh Tâm, Q.Phú Nhuận, chia sẻ.

Trong số 100 người được khảo sát thì có đến 45% cảm thấy không tin tưởng vào các địa điểm mua thực phẩm hằng ngày của họ. Tuy nhiên phần đông người nội trợ vẫn quyết định lựa chọn thực phẩm ở đó do “thuận tiện”, do “đã quen mua không thấy ảnh hưởng gì”.

Nên thông tin nhiều hơn

Trước tình hình khó nhận biết về chất lượng thực phẩm như hiện nay, các bà nội trợ chia sẻ nhiều “bí kíp” để có bữa cơm an toàn cho gia đình. Giải pháp phổ biến vẫn là tự trang bị thông tin, kiến thức, kỹ năng lựa chọn thực phẩm (chiếm 77%). Chị Bảo Thư, ngụ tại Q.Tân Bình, cho biết: “Khi mua phải xem kỹ thức ăn bằng kinh nghiệm của mình, nhìn bằng mắt chưa đủ, phải sờ ấn bằng tay, kiểm tra cả chất lượng sau khi nấu”.

Một thực tế là có 17% người dân được khảo sát không nắm rõ thông tin về các địa điểm cửa hàng bán thực phẩm hiện nay. Vì vậy giải pháp cần phải tuyên truyền thông tin hướng dẫn người dân hiểu biết nhiều hơn về những địa điểm bán thực phẩm sạch nhận được 59% đồng tình.

Bên cạnh đó, họ cũng góp ý thêm về việc cơ quan chức năng cần phải thông tin kiến thức rộng rãi đến người dân thế nào là thực phẩm sạch, cách phân biệt thực phẩm kém chất lượng, những thứ nên tránh…

Một số ý kiến bày tỏ căn nguyên của vấn đề thực phẩm bẩn xuất phát tại các đầu mối, nguồn cung thực phẩm. “Gốc vẫn là từ cơ sở sản xuất chứ không phải người bán hay chỗ bán. Phải chấn chỉnh nơi cung ứng thì mới mong có thực phẩm sạch được” – chị Hà Giang bày tỏ.

Tương đồng ý kiến đó, giải pháp cần có sự minh bạch, công khai thông tin về quy trình sản xuất nuôi trồng thực phẩm từ phía doanh nghiệp và cơ sở sản xuất cũng nhận được 54% đồng thuận trong cuộc khảo sát này.

Bên cạnh đó, biện pháp xử phạt nghiêm khắc các nơi bán cũng ít được lưu tâm vì theo nhiều người nội trợ, giải pháp này rất khó thực hiện trước sự “phù phép” thực phẩm một cách tinh vi như hiện nay.

“Tôi chứng kiến cảnh một cơ sở làm rau sạch gần nhà, họ mua rau cũ về nhặt sạch, sau đó nhúng rửa qua một loại nước làm rau tươi ngon như mới. Giờ có kiểm tra bằng mắt để xử phạt cũng khó lắm. Nên mỗi người phải tự thích ứng và có cách cứu mình thôi” – cô Nguyễn Thị Phương kể lại.

Một số giải pháp tình thế được các bà nội trợ đưa ra như tự trồng rau tại nhà, đặt thực phẩm ở quê gửi lên, mua trực tiếp thịt tại lò mổ hoặc rau tại nơi sản xuất, trang bị máy kiểm tra nồng độ hoá chất cho thực phẩm tại các khu vực mua sắm, chọn mua thực phẩm organic… để hạn chế thấp nhất việc mua phải thực phẩm kém chất lượng.

Nhưng phần đông đều chung quan điểm rằng không có gì tốt hơn ý thức của mỗi người về việc tự cập nhật thông tin, kiến thức, làm dày thêm kinh nghiệm lựa chọn thực phẩm sạch cho bữa cơm gia đình. “Thời nay, rất khó nói chỗ nào bán đồ an toàn.

Hạn chế ăn cũng không được vì không đảm bảo dinh dưỡng. Vậy nên an toàn nhất là mua về, có những biện pháp sơ chế làm sạch kỹ càng rồi mới ăn chứ không còn cách nào khác” – bà Phạm Thị Thi, Q.1, chia sẻ.

Ý kiến về xu hướng chọn thực phẩm an toàn:

Chị Phạm Thị Tuyết (32 tuổi, buôn bán, Q.Thủ Đức):

“Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là phải nâng cao ý thức của người bán hàng, nơi sản xuất cung cấp thực phẩm chứ không 
chỉ mỗi ý thức của người 
nội trợ”.

Bà Nguyễn Thị Phương 
(56 tuổi, nội trợ, Q.Phú Nhuận):

“Ở chợ mua nhiêu bán nhiêu, khó có khả năng để đồ lại qua ngày, nên đồ thấy ổn hơn ở siêu thị để ngày này qua ngày khác. Nhiều khi nhìn bằng mắt thường không biết được, chỉ quen biết và tiện mua thôi chứ hiện nay khó tìm chỗ nào an toàn tuyệt đối”.

NHÓM KHẢO SÁT (Khoa báo chí truyền thông, 
ĐH KHXH&NV)