23/01/2025

Sợ quên chống khủng bố

Những căng thẳng ngoại giao giữa Iran và Saudi Arabia có vẻ xảy ra nhanh chóng và dứt khoát với sự chủ động từ phía Saudi Arabia.

 KHỦNG HOẢNG IRAN – SAUDI ARABIA:

Sợ quên chống khủng bố

 

 

Những căng thẳng ngoại giao giữa Iran và Saudi Arabia có vẻ xảy ra nhanh chóng và dứt khoát với sự chủ động từ phía Saudi Arabia.

 

 

 

 

Biểu tình tại New Delhi, Ấn Độ ngày 4-1 phản đối việc xử tử giáo sĩ Nimr al-Nimr - Ảnh: Reuters
Biểu tình tại New Delhi, Ấn Độ ngày 4-1 phản đối việc xử tử giáo sĩ Nimr al-Nimr – Ảnh: Reuters

Những gì chúng ta chứng kiến trong 24 giờ qua là chưa từng có tiền lệ… Nó cho thấy Saudi Arabia đã hết chịu nổi Iran và muốn gửi đi một thông điệp, đó là: Không có giới hạn nào trong việc chúng tôi sẽ tiến xa đến đâu trong vấn đề này

Giáo sư Abdulkhaleq Abdullah (khoa học chính trị tại Đại học Emirates)

Sau khi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, chính quyền Riyadh liền ra tuyên bố ngừng các chuyến bay và quan hệ thương mại với Tehran.

“Chúng tôi cũng sẽ phải cắt đứt mọi quan hệ đi lại đường không từ Iran. Chúng tôi cũng sẽ hủy bỏ các quan hệ thương mại với Iran và ban hành lệnh cấm tất cả mọi người tới Iran” – Ngoại trưởng Adel al-Jubeir của Saudi Arabia nói.

Saudi Arabia khẳng định chỉ khôi phục quan hệ khi Iran ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác và chịu trách nhiệm đã gây căng thẳng vì chuyện Riyadh đã xử tử “kẻ khủng bố” như 
al-Nimr. Bên cạnh đó, những đồng minh của Saudi Arabia cũng gây sức ép.

Kuwait rút đại sứ tại Iran về nước, Sudan và Bahrain cũng tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, trong khi Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) thông báo nước này sẽ giảm cấp độ quan hệ ngoại giao với Tehran.

Nhưng nhiều chuyên gia lo ngại sự thù địch giữa Iran và Saudi Arabia càng tăng thì bên có lợi nhiều nhất chính là… lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), vốn thường lớn mạnh hơn nhờ sự bất hoà giữa các nước trong khu vực, theo báo Wall Street Journal của Mỹ.

Vì lẽ đó, hôm qua Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nhắc nhở Iran và Saudi Arabia cần tập trung vào cuộc chiến chống IS. Trên tờ Bild, ông Steinmeier nói:

“Tôi hi vọng cơn bão sẽ sớm chấm dứt, Riyadh và Tehran sẽ tập trung vào điều thật sự quan trọng: xoá bỏ các xung đột, củng cố các giải pháp chính trị tại Syria, Yemen và tiêu diệt IS. Cộng đồng thế giới đã làm việc cật lực trong nhiều năm để mang lại hoà bình cho khu vực”.

Các nước cũng lên lên tiếng kêu gọi bình tĩnh.

“Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi chấm dứt các đe doạ và hai bên hãy cẩn trọng, quay trở lại ngôn ngữ ngoại giao” – Bộ ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố.

Nga và Trung Quốc đồng loạt ra tuyên bố ủng hộ việc đối thoại để giải quyết xung đột.

Liên Hiệp Quốc cũng nhanh chóng hành động để ngăn căng thẳng ảnh hưởng đến các tiến trình hoà bình tại Syria, Yemen.

Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Syria là Staffan de Mistura đã có mặt tại Riyadh và dự kiến cuối tuần này sẽ tới Tehran để đảm bảo việc khởi động cuộc đàm phán hoà bình giữa chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad với phe đối lập dự kiến diễn ra suôn sẻ tại Geneva (Thuỵ Sĩ) ngày 25-1.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nói chuyện với người đồng cấp Iran và sẽ sớm có cuộc gặp với người đồng cấp Saudi Arabia. Tuy nhiên giới phân tích nhận định Mỹ đang rơi vào tình thế khó xử trước cuộc xung đột, trong đó tổng thống Barack Obama đã tránh đề cập trực tiếp đến vấn đề này.

Theo New York Times, Mỹ không thể công khai lên án vụ tử hình giáo sĩ dòng Shiite chống đối hoàng tộc Saudi Arabia bởi Washington rất cần Riyadh trong cuộc chiến chống IS và chấm dứt xung đột ở Syria.

Mỹ trước nay luôn lựa lời trước các báo cáo về nhân quyền của hoàng gia Saudi Arabia và đổi lại nước này trở thành trạm tiếp nhiên liệu của Mỹ tại khu vực, cung cấp nguồn tin tình báo và là một đối trọng với Iran

TRẦN PHƯƠNG ([email protected])