Triều Tiên thử bom hydro gây động đất 5,1 độ richter
Ngày 6-1, một trận động đất 5,1 độ richter làm rung chuyển miền đông bắc Triều Tiên. Chính quyền Triều Tiên xác nhận đây là một vụ thử bom hydro.
Triều Tiên thử bom hydro gây động đất 5,1 độ richter
Ngày 6-1, một trận động đất 5,1 độ richter làm rung chuyển miền đông bắc Triều Tiên. Chính quyền Triều Tiên xác nhận đây là một vụ thử bom hydro.
Hình ảnh vệ tinh chụp khu thử hạt nhân Punggye-ri của CHDCND Triều Tiên – Ảnh: 38north.org |
Theo AFP, Cơ quan Nghiên cứu địa chất Mỹ (USGS), tâm chấn của trận động đất nằm cách thành phố Kilju khoảng 50 km, ngay sát khu thử hạt nhân Punggye-ri của chính quyền Triều Tiên.
Họp khẩn về tình hình Triều Tiên
Trang web của Trung tâm Mạng lưới động đất Trung Quốc tình nghi đây là một vụ nổ chứ không phải động đất.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc lập tức tuyên bố điều tra vụ việc, trong khi Ngoại trưởng Yun Byng-Se mở cuộc họp khẩn.
“Cần phải điều tra thêm để xác định đây là động đất hay thử hạt nhân” – một người phát ngôn Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc tuyên bố.
Theo AFP, Trung tâm Mạng lưới động đất Trung Quốc (CENC) nhận định hầu như chắc chắn trận động đất là hậu quả một vụ nổ.
Bởi theo các đo đạc, tâm chấn của động đất có độ sâu là 0km. Năm 2013, sau khi động đất xảy ra ở CHDCND Triều Tiên vì Bình Nhưỡng thử hạt nhân, CENC cũng công bố số liệu tương tự.
Từ Tokyo, chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga cũng cho rằng nhiều khả năng đây là một vụ thử hạt nhân. “Những vụ việc trong quá khứ cho thấy đây là một vụ thử vũ khí hạt nhân của chính quyền Bình Nhưỡng“ – ông Suga nhấn mạnh.
Ông cho biết Tokyo đang theo dõi sát sao tình hình. Chính quyền Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng đã mở cuộc họp khẩn của nhóm công tác về tình hình Triều Tiên.
Ra “tuyên bố đặc biệt”
Ngay sau thông tin xảy ra động đất ở Triều Tiên, chính quyền Bình Nhưỡng thông báo sẽ ra một “tuyên bố đặc biệt”.
Và ngay sau đó, chính quyền Triều Tiên đã ra tuyên bố thử thành công quả bom hydro đầu tiên, đánh dấu bước phát triển mới của chương trình hạt nhân nước này.
Theo AFP, kênh truyền hình nhà nước Triều Tiên thông báo: “Cuộc thử bom hydro đầu tiên của đất nước đã diễn ra thành công vào lúc 10g sáng 6-1 nhờ vào quyết tâm chiến lược của Đảng Lao động Triều Tiên”.
Như vậy, đây là vụ thử bom hạt nhân thứ tư của Triều Tiên dù bị Mỹ và Liên Hiệp Quốc cấm vận vì chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi.
Nếu quả thật Triều Tiên sản xuất thành công bom hydro, hay còn gọi là bom nhiệt hạch, thì đây sẽ là một bước phát triển đáng lo ngại trên bán đảo Triều Tiên.
Trước đây Bình Nhưỡng thử bom nguyên tử, là loại bom lấy năng lượng từ quá trình phân rã hạt nhân.
Trong khi đó, bom hydro lấy năng lượng nhiều hơn từ quá trình tổng hợp hạt nhân, có thể giải phóng năng lượng lớn hơn rất nhiều so với bom nguyên tử.
Triều Tiên đã thử hạt nhân ba lần vào năm 2006, 2009 và 2013 ở khu Punggye-ri.
Tháng trước, các nhà nghiên cứu Viện Johns Hopkins (Mỹ) từng cảnh báo các hình ảnh vệ tinh cho thấy công nhân Triều Tiên đào một đường hầm mới ở khu Punggye-ri.
Không báo trước
Thị trường tài chính châu Á bắt đầu chấn động trước thông tin động đất tại Triều Tiên có thể do một vụ thử hạt nhân của chính quyền Bình Nhưỡng gây ra.
Theo AFP, trong phiên giao dịch sáng nay 6-1, thị trường chứng khoán Nhật sụt giảm 1,21%. Chỉ số Topix cũng giảm 1,2%. Giới quan sát cho biết khả năng Triều Tiên thử hạt nhân đã gây sức ép lên giá cổ phiếu, bên cạnh các nguyên nhân khác là căng thẳng ở Trung Đông và tín hiệu xấu về nền kinh tế Trung Quốc.
Hãng Yonhap dẫn nguồn tin cơ quan tình báo Hàn Quốc tiết lộ Triều Tiên không hề thông báo trước cho Mỹ hay đồng minh thân cận Trung Quốc về vụ thử hạt nhân này.
Sau Hàn Quốc và Nhật, đến lượt Bộ Quốc phòng Mỹ cũng tuyên bố điều tra về các diễn biến mới tại Triều Tiên.
Ở Seoul, văn phòng Tổng thống Hàn Quốc mở cuộc họp khẩn với Hội đồng An ninh quốc gia. Giới quan sát nhận định một vụ thử hạt nhân mới của Triều Tiên chắc chắn sẽ bị cộng đồng quốc tế lên án. Nhiều khả năng Liên Hiệp Quốc cũng sẽ thắt chặt cấm vận Bình Nhưỡng.
Một vụ thử hạt nhân cũng là cú đòn giáng vào uy tín của Trung Quốc, đồng minh duy nhất của Triều Tiên, và dập tắt mọi hi vọng về việc nối lại đàm phán sáu bên với mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Trước đó Bắc Kinh đã có nhiều động thái thúc đẩy nối lại đàm phán.
Sau vụ thử hạt nhân năm 2013, Bình Nhưỡng tái khởi động lò phản ứng plutonium ở khu phức hợp hạt nhân Yongbyon. Lò phản ứng này có khả năng sản xuất 6 kg plutonium mỗi năm, đủ để tiếp năng lượng cho một quả bom hạt nhân.
Giới chuyên gia ước tính hiện Triều Tiên đã sản xuất đủ plutonium để sản xuất sáu quả bom hạt nhân.