23/01/2025

Quan hệ đầy sóng gió Iran – Ả Rập Xê-Út

Ngày 3.1, Ả Rập Xê-Út cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran sau vụ Tehran phản đối Riyadh xử tử nhà thuyết giáo dòng Shiite nổi tiếng Nimr al-Nimr. Quan hệ giữa 2 nước này lâu nay rất sóng gió.

 

Quan hệ đầy sóng gió Iran – Ả Rập Xê-Út

 

Ngày 3.1, Ả Rập Xê-Út cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran sau vụ Tehran phản đối Riyadh xử tử nhà thuyết giáo dòng Shiite nổi tiếng Nimr al-Nimr. Quan hệ giữa 2 nước này lâu nay rất sóng gió.





Người ủng hộ giáo sĩ Moqtada al-Sadr dòng Shiite ở Kerbala (Iraq) đốt ảnh vua Salman của Ả Rập Xê-Út ngày 4.1.2016 - Ảnh: Reuters

Người ủng hộ giáo sĩ Moqtada al-Sadr dòng Shiite ở Kerbala (Iraq) đốt ảnh vua Salman của Ả Rập Xê-Út ngày 4.1.2016 – Ảnh: Reuters


Theo RIA ngày 4.1, từ lâu mối quan hệ giữa hai cường quốc trong khu vực Trung Đông, Iran và Ả Rập Xê-Út, luôn được coi là phức tạp, xung đột lâu dài về hàng loạt vấn đề, đặc biệt là sự khác biệt về tôn giáo trên nền mâu thuẫn về kinh tế và chính trị.

Ở vương quốc Ả Rập Xê-Út tồn tại chế độ quân chủ Sunni, trong khi Cộng hoà Hồi giáo Iran lại là trung tâm Hồi giáo Shiite của thế giới. Cả hai nước đều là những nhà sản xuất dầu khí thuộc hàng lớn nhất khu vực và không ngừng cạnh tranh thị trường xuất khẩu.

Trong các thập niên 1960-1970, quan hệ Iran – Ả Rập Xê-Út được coi là tốt đẹp, mặc dù giữa hai nước vẫn còn có mâu thuẫn trong một số vấn đề. Ả Rập Xê-Út lo ngại về việc Iran cố gắng bành trướng thế lực để trở thành một cường quốc khu vực.

Sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 tại Iran, quan hệ giữa hai nước đã trở thành một loại hình cạnh tranh căng thẳng trong khu vực.

Thứ nhất là mâu thuẫn về ý thức hệ. Cùng coi đạo Hồi là quốc giáo, nhưng từ đầu thập niên 1980, học thuyết tôn giáo chính thức ở Ả Rập Xê-Út là dòng Sunni, còn ở Iran là dòng Shiite. Lãnh tụ cách mạng Iran, giáo chủ Ruhollah Khomeini, đã dùng cụm từ “Hồi giáo kiểu Mỹ” để nói về mô hình chính trị của Ả Rập Xê-Út.

Thứ hai, mâu thuẫn trong các yếu tố dân tộc và tôn giáo. Cộng đồng Shiite ở Ả Rập Xê-Út, theo các ước tính khác nhau, chỉ chiếm từ 10 – 15% dân số.

Thứ ba, mối quan hệ giữa hai quốc gia chịu ảnh hưởng lớn bởi vị thế địa chính trị tại Trung Đông, đặc biệt là ở vùng Vịnh Ba Tư. Khẩu hiệu “xuất khẩu cách mạng Hồi giáo”, do chính quyền cách mạng Khomeini đưa ra khiến Riyadh lo ngại về một cuộc cách mạng Shiite có thể nổ ra ở Iraq và sau đó Iran sẽ mở rộng ảnh hưởng sang các quốc gia khác trong vùng Vịnh Ba Tư.
Quan hệ đầy sóng gió Iran - Ả Rập Xê-Út - ảnh 1

Lửa khói bốc lên từ bên trong Đại sứ quán Ả Rập Xê Út ở Tehran tối 2.1 – Ảnh: Reuters


Ả Rập Xê-Út ủng hộ Iraq trong cuộc chiến với Iran (1980 – 1988), dành cho Baghdad sự hỗ trợ tài chính và kinh tế đáng kể.

Căng thẳng giữa Iran và Ả Rập Xê-Út trở nên nghiêm trọng hơn sau khi bắt đầu cuộc chiến tàu chở dầu, lúc Iraq và Iran cố gắng làm suy yếu nhau trên mặt trận kinh tế bằng cách tấn công các tàu chở dầu xuất khẩu của đối phương. Cuộc chiến này nhanh chóng lan rộng ra hầu như toàn bộ vùng Vịnh Ba Tư. Ả Rập Xê-Út sử dụng nhiều tàu giúp Iraq chở dầu xuất khẩu và đội tàu này bị không lực Iran tấn công ráo riết. Tình hình căng thẳng đến mức Ả Rập Xê-Út phải huy động máy bay chiến đấu yểm trợ tàu dầu và đã xảy ra nhiều cuộc đối đầu trực tiếp giữa không quân hai nước (Iran và Ả Rập Xê-Út) trên vùng trời vịnh Ba Tư.

Nhưng quan hệ giữa hai nước thực sự xấu đi rõ rệt sau sự kiện xảy ra ngày 31.7.1987 tại thánh địa Mecca. Khách hành hương từ Iran và một số nước khác đã tổ chức một cuộc tuần hành ủng hộ Iran. Trong nỗ lực giải tán cuộc biểu tình, cảnh sát Ả Rập Xê-Út đã đụng độ dữ dội với khách hành hương, nổ súng vào đám đông, giết chết và làm bị thương rất nhiều người. Sau sự kiện này, Iran và Ả Rập Xê-Út kịch liệt tố cáo nhau, dẫn đến việc quan hệ ngoại giao giữa hai nước gần như hoàn toàn bị triệt tiêu.

Cuối năm 1988, chính phủ Ả Rập Xê-Út cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, một trong những hậu quả là người Iran không thể hành hương đến thánh địa Mecca.

Quan hệ giữa hai nước lớn nhất ở Trung Đông bắt đầu thay đổi dần trong năm 1990, sau khi Iraq xâm chiếm Kuwait và Mỹ tiến hành chiến dịch Bão táp sa mạc (được Tehran ngấm ngầm ủng hộ). Trong trường hợp này, cả Tehran lẫn Riyadh đều coi Iraq của Saddam Hussein là một mối đe dọa lớn trong khu vực.

Sau khi Liên Xô tan rã, việc Nga rút chân ra khỏi Trung Đông đã khiến vai trò của các nước thân Liên Xô trước đây và phong trào cánh tả bị suy giảm rõ rệt.

Iran vốn bị suy yếu nặng nề do hậu quả của nhiều năm chiến tranh với Iraq, rất mong muốn hoà bình, ổn định và khẩn thiết kêu gọi các nguồn đầu tư trong và ngoài nước để phục hồi, tăng trưởng nền kinh tế. Tại thời điểm đó, mối quan hệ giữa Tehran và Riyadh có phần ấm lên. Trong hai thập niên 1990 và 2000, hai nước đã ký kết nhiều hiệp định song phương về chính trị, kinh tế và an ninh, hai tổng thống Iran, Akbar Hashemi Rafsanjani và Mohammad Khatami, đã có những chuyến thăm chính thức Ả Rập Xê-Út.

Từ giữa thập niên 1990, Thái tử Abdullah (về sau là quốc vương của Ả Rập Xê-Út) đã đóng vai trò quan trọng trong việc nối lại quan hệ thân thiện với Iran, đặc biệt là với cá nhân Tổng thống Akbar Hashemi Rafsanjani (1989-1997) mà sau đó là Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Iran, cũng như với các thành viên gia đình ông.

Quan hệ giữa hai nước đã lạnh nhạt dần trong giai đoạn 2003 -2006, từ khi Mỹ tấn công rồi chiếm đóng Iraq, lật đổ chế độ Saddam Hussein, và sau đó là thực trạng Iran bắt đầu tăng ảnh hưởng tại Iraq, tạo ra viễn cảnh tái định dạng bản đồ chính trị trong khu vực.

Riyadh vô cùng quan ngại việc ký kết thỏa thuận Iran-Iraq về hợp tác quân sự vào ngày 7.7.2005. Một “chiến tuyến” xung đột lợi ích địa chính trị giữa Iran và Ả Rập Xê-Út hình thành trong giai đoạn 2005-2006 khi hai bên đều cố gắng gây ảnh hưởng lên nội tình Lebanon.

Mặc dù vậy, trong giai đoạn 2006-2008, hai bên đã nỗ lực để giảm bớt căng thẳng trong quan hệ song phương. Trong tháng 3.2007, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã có chuyến thăm chính thức Ả Rập Xê-Út theo lời mời của quốc vương Abdullah.

Mối quan hệ giữa hai cường quốc Trung Đông đã xấu đi rõ rệt bởi cuộc cách mạng xã hội – chính trị quy mô lớn trong khu vực vào năm 2011, với tên gọi Mùa xuân Ả Rập. Đồng thời, Syria cũng trở thành “mặt trận mới” trong cuộc đấu tranh chính trị giữa Ả Rập Xê-Út và Iran.

Về cuộc xung đột ở Syria, quan điểm của Riyadh và Tehran hoàn toàn trái ngược. Iran hỗ trợ Assad, còn Ả Rập Xê-Út là nhà tài trợ chính cho phe đối lập.
Quan hệ đầy sóng gió Iran - Ả Rập Xê-Út - ảnh 2

Lính Ả Rập Xê-Út nã pháo sang vị trí quân Houthi (được Iran hậu thuẫn) ở Yemen ngày 13.4.2015 – Ảnh: Reuters


Một yếu tố nữa làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa hai nước, đó là tình hình ở Yemen, nơi phe nổi dậy Houthi (dòng Shiite) nắm quyền lực sau khi lật đổ chính phủ thân Ả Rập Xê-Út. Riyadh cho rằng Iran hậu thuẫn quân nổi dậy Houthi ở Yemen.

Sau vụ người Iran biểu tình đốt đại sứ quán Ả Rập Xê-Út ở Tehran phản đối Riyadh xử tử 47 người, trong đó có nhà thuyết giáo dòng Shiite nổi tiếng Nimr al-Nimr, ngày 3.1.2016, Ngoại trưởng Ả Rập Xê-Út, Adel al-Jubeir tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao với Iran. Cùng với Ả Rập Xê-Út, một số nước như Sudan, Bahrain, UAE cũng cắt đứt hoặc giảm mức độ ngoại giao với Iran.

Quan hệ kinh tế giữa Iran và Ả Rập Xê-Út đã thực sự suy giảm trong suốt nhiệm kỳ của tổng thống Mahmoud Ahmadinejad (2005-2013). Hiện nay, các mặt hàng xuất khẩu của Iran sang Ả Rập Xê-Út rất hạn chế, chỉ còn thảm và thực phẩm, bao gồm trái cây tươi hoặc khô, gia vị và mật ong.

Phạm Bá Thuỷ