23/01/2025

Học ngành này làm nghề khác

Để không lâm vào tình trạng bị động, loay hoay không tìm được việc làm, một số người đã chủ động chọn cho mình những ngã rẽ.

 

Học ngành này làm nghề khác

 

 

Để không lâm vào tình trạng bị động, loay hoay không tìm được việc làm, một số người đã chủ động chọn cho mình những ngã rẽ.



 


Sinh viên tham gia phỏng vấn thử - Ảnh: Lê Thanh

Sinh viên tham gia phỏng vấn thử – Ảnh: Lê Thanh

Tìm hiểu kỹ trước khi quyết định

Lê Thanh Tùng, sáng lập studio Spotlight ở TP.HCM, khuyên những bạn trẻ chọn nghề trái với ngành học của mình rằng phải tìm hiểu kỹ trước khi quyết định. Tùng đã học ngành kiến trúc nhưng ra trường làm du lịch, khách sạn trước khi tìm đến và ở lại với nhiếp ảnh. Tùng cho rằng nhiều bạn trẻ chọn ngành học theo ý kiến bố mẹ hoặc trào lưu chứ không phải vì sở trường hay ý thích. “Có thời điểm ai cũng đổ xô đi học hàng hải vì muốn đi xuất ngoại buôn hàng kiếm tiền, thời mở cửa thì thích học quản trị kinh doanh, học kinh tế. Còn tôi thì sau 2 năm ở kiến trúc theo kiểu vừa bơi vừa học vì chỉ giỏi các môn vẽ, còn lại các môn khác thì rất chật vật, thế là nghỉ ngang để đi làm”, Tùng kể.
Sau một thời gian làm du lịch, Tùng quay sang làm khách sạn nhưng vẫn không cảm thấy hài lòng thật sự. “Để chuyển ngành khác thì lúc đầu cũng rất mất phương hướng. Sau một thời gian tìm hiểu, nói chuyện với bạn bè, tôi quyết định theo lĩnh vực nhiếp ảnh quảng cáo”, Tùng chia sẻ. Sau hơn 5 năm, Tùng đã trở thành một cái tên khá quen thuộc trong lĩnh vực nhiếp ảnh.
Từng tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP.HCM và học thạc sĩ kinh tế ở Canada nhưng Thanh lại quyết định đi theo nghiệp… đóng giày, bởi một cơ duyên rất tình cờ. Theo kinh nghiệm của Thanh, ngoài chuyện tìm hiểu kỹ lĩnh vực mình sẽ chuyển, đầu tư và tìm ra hướng đi mới, sáng tạo hơn cho nghề là một điều nên làm. Thành công ở Canada, Thanh quay về VN với một cửa hàng thứ hai. Thanh cho rằng, khó khăn không chừa một ai dù là người làm đúng ngành, vì vậy, chuyện học ngành này, làm ngành khác không có gì phải ngại.
Cần đam mê và học hỏi
Cũng là dân kiến trúc, nhưng Đào Hoàng Long (ngụ ở Q.3, TP.HCM) lại rẽ sang con đường làm stylist (tư vấn phong cách), sau phát triển lên thành đạo diễn hình ảnh – sự kiện. “Tôi chọn stylist và tự học thêm những khoá đồ hoạ, photoshop, đọc sách để bổ sung kiến thức. Càng tìm hiểu càng thấy thích nên tốt nghiệp xong thì theo đuổi luôn nghề này”, Long bộc bạch.
Với Long, bạn trẻ không nên quyết định chuyển ngành một cách vội vàng mà hãy dành thời gian nghiên cứu, bồi dưỡng những kỹ năng còn thiếu cho ngành nghề mình hướng tới. “Quan trọng nhất là xác định được đam mê của mình và khả năng phát triển của nghề mới”, Long nhấn mạnh. “Nếu bạn nhắm chừng nghề mới tạo được cơ hội phát triển, bứt phá khoảng 50/50 thì nên đánh cược, còn ít hơn thì đừng dại vì nó không hơn ngành mình đang học”, Long lý giải.
Còn Lê Thanh Tùng thì cho rằng, chính vì việc mới bắt buộc phải làm lại từ con số 0, nên đam mê và học hỏi sẽ chính là số “vốn” đầu tiên. “Tự bản thân mỗi người sẽ thích ứng để tiếp tục theo đuổi việc chuyển ngành của mình. Còn việc trau dồi kiến thức thì ngành nào cũng vậy, bạn càng dành nhiều thời gian, nhiều tâm huyết cho nó thì dứt khoát bạn sẽ thành công”, Lê Thanh Tùng đúc kết.
Trong khi đó, Quốc Khánh, chuyên viên nhân sự Công ty tư vấn tuyển dụng TalentNet, cho biết việc chuyển ngành cũng là xu hướng khá phổ biến trong giới trẻ hiện tại. “Xét về tuyển dụng thì trừ những vị trí có yêu cầu chuyên môn đặc biệt như kế toán, luật, kỹ sư, những nghề còn lại thì không quan trọng học ngành gì. Nếu ứng viên có thể xác định được đường hướng công việc, đam mê, cầu thị và chứng minh được sự phù hợp với vị trí thì nhà tuyển dụng có thể hẹn phỏng vấn. Nhưng đối với những bạn trẻ mới tốt nghiệp, việc xét ngành học cũng khá quan trọng. Còn người đã đi làm thì việc đánh giá chủ yếu dựa trên kinh nghiệm và năng lực”, Khánh cho biết.

Kim Nga