23/01/2025

Chứng khoán toàn cầu rung chuyển vì Trung Quốc

Chứng khoán thế giới đồng loạt lao dốc trong ngày giao dịch đầu năm, sau khi các sàn Trung Quốc buộc phải đóng cửa giữa chừng để tránh tổn thất.

 

Chứng khoán toàn cầu rung chuyển vì Trung Quốc

 

Chứng khoán thế giới đồng loạt lao dốc trong ngày giao dịch đầu năm, sau khi các sàn Trung Quốc buộc phải đóng cửa giữa chừng để tránh tổn thất.



 


Các nhà đầu tư Trung Quốc chơi bài trước một bảng điện tử thể hiện các chỉ số chứng khoán ở Bắc Kinh - Ảnh: Reuters

Các nhà đầu tư Trung Quốc chơi bài trước một bảng điện tử thể hiện các chỉ số chứng khoán ở Bắc Kinh – Ảnh: Reuters


Các thị trường chứng khoán Trung Quốc đã mất 7% giá trị trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2016 vào hôm qua, xuất phát từ số liệu thống kê ảm đạm về mặt sản xuất, sự sụt giá của nhân dân tệ và tình hình căng thẳng ở Trung Đông. Theo Reuters, tình trạng mất giá cổ phiếu vào đầu ngày tại Thượng Hải và Thâm Quyến đã nhanh chóng được khuếch đại vào trưa 4.1, và cuối cùng hoạt động giao dịch đã bị ngưng đột ngột sớm hơn 90 phút so với thời điểm đóng cửa thường nhật.

“Ngắt cầu dao” ngăn chặn bất ổn
Sau khi các chỉ số chính là CSI300 tại cả hai thị trường bị thổi bay 5% giá trị vào phiên giao dịch buổi sáng, hai thị trường đã tạm nghỉ 15 phút với hy vọng khống chế được tình hình. Tuy nhiên, làn sóng bán tống bán tháo cổ phiếu bất ngờ tăng mạnh sau giai đoạn tạm nghỉ, và chế độ tự động đóng cửa sớm đã được kích hoạt khi tỷ lệ sụt giảm của CSI300 chạm ngưỡng 7%. Đây là lần đầu tiên giới hữu trách Trung Quốc áp dụng biện pháp “ngắt cầu dao” đối với 2 thị trường chứng khoán trong nước trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng bất ổn có thể khiến mọi chuyện tuột khỏi tầm kiểm soát. Cụ thể, chỉ số CSI300 giảm 7% xuống còn 3.470,41 điểm, trong khi chỉ số hỗn hợp Thượng Hải mất 6,9% giá trị, còn 3.296,66.
Về tổng thể, thị trường Thượng Hải giảm 6,9% vào lúc đóng cửa, trong khi mức tổn thất ở Thâm Quyến lên đến 8,2%. Diễn biến tại đại lục lập tức ảnh hưởng thị trường Hồng Kông, khiến các chỉ số rớt giá mạnh nhất trong vòng 3 tháng qua. Trong đó, chỉ số Hang Seng giảm 2,7% còn 21.327,12, mức tổn thất tồi tệ nhất tính theo tỷ lệ % kể từ ngày 29.9.2015. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei rớt 3,1%, còn chỉ số Kospi của Hàn Quốc mất giá 2,2% khi đóng cửa thị trường.
“Thủy triều đỏ” từ châu Á đã lan sang lục địa già vào thời điểm các thị trường châu Âu mở màn phiên giao dịch đầu năm 2016. Theo Reuters, chỉ số liên châu Âu FTSEurofirst 300 giảm 2,3% giá trị, mức mất giá tồi tệ nhất trong ngày kể từ 3.12.2015. Chỉ số của khu vực đồng euro STOXX 50 cũng giảm 3,2%, trong khi DAX của Đức bị thổi bay đến 4,2% giá trị. Chỉ số FTSE 100 ở Anh giảm 2,4% xuống còn 6.090 điểm, trong khi CAC 40 ở Pháp tụt 2,7% còn 10.290 điểm. Tại Mỹ, các chỉ số chứng khoán giảm hơn 2% trong phiên giao dịch đầu tuần, với Down Jones giảm 2,33%, S&P 2,22% và Nasdaq 2,74%, theo Reuters.
“Sẽ tiếp tục sụt giảm”
Tình hình thị trường toàn cầu đã tỏ ra bất ổn theo sau căng thẳng gia tăng giữa Iran và Ả Rập Xê Út. Tuy nhiên, các nhà đầu tư tại Trung Quốc bắt đầu bán ngay cổ phiếu sau khi dữ liệu từ các cuộc khảo sát chính thức lẫn tư nhân về tình hình sản xuất trong nước cho thấy hoạt động này tiếp tục trì trệ vào tháng 12.2015. Bên cạnh đó, lệnh cấm cổ đông không bán hơn 5% cổ phần, được áp dụng từ tháng 7 năm ngoái để ngăn chặn tình trạng bán tháo cổ phiếu, sẽ hết hiệu lực vào ngày 8.1, càng khiến nhiều người lo ngại và đẩy cổ phiếu đi sớm hơn, theo AFP. Một yếu tố khác góp phần vào tình hình hỗn loạn đầu năm mới là Bắc Kinh cũng giảm giá nhân dân tệ so với USD, khiến tỷ giá quy đổi lần đầu tiên tăng cao hơn mức 6,5 nhân dân tệ đổi 1 USD trong hơn 4 năm rưỡi qua.
Chuyên gia phân tích Hoàng Sầm Đống thuộc Công ty chứng khoán Sinolink Securities ở Thượng Hải nhận xét thị trường sẽ tiếp tục sụt giảm trong vài tuần tuần tới, trước khi các tập đoàn công bố báo cáo kết quả kinh doanh. “Thị trường sẽ không cải thiện vì sẽ có hoạt động bán tháo trong tương lai gần”, ông Hoàng nói với AP.
Cơ chế “ngắt cầu dao”
Trung Quốc đã lần đầu tiên áp dụng cơ chế “ngắt cầu dao” trong sự cố làm rung chuyển thị trường chứng khoán toàn cầu hôm qua. Theo đó, cơ chế này sẽ tự động được kích hoạt với mức độ đầu tiên là gián đoạn giao dịch trong vòng 15 phút nếu chỉ số CSI300 tăng hoặc giảm 5% trong ngày. Kế đến, nếu chỉ số này tiếp tục giảm hoặc tăng 7%, sàn giao dịch sẽ lập tức đóng cửa. Tuy nhiên, diễn biến trong ngày 4.1 đã làm dấy lên quan ngại trong giới quan sát, những người tỏ ra nghi ngờ về tính hiệu quả của biện pháp mới. Họ cho rằng nếu không có cơ chế trên, thị trường lẽ ra sẽ không tụt nhanh đến như vậy, do các nhà đầu tư càng cố gắng tống đi nhiều cổ phiếu càng tốt trước khi sàn giao dịch tự động đóng cửa.


Chứng khoán VN giảm nhẹ
Trong phiên giao dịch hôm qua 4.1, chỉ số VN-Index của VN đóng cửa cũng bị giảm đi 4,62 điểm và còn 574,41 điểm; chỉ số HNX-Index giảm 0,51 điểm và còn 79,45 điểm.
Tổng giám đốc một công ty chứng khoán tại TP.HCM cho rằng các nhà đầu tư (NĐT) trong nước bị tác động tâm lý ngay khi Trung Quốc ngừng giao dịch. Bởi khi mở cửa thị trường, chỉ số VN-Index vẫn tăng lên ở mức 580 điểm. Tuy nhiên, vào cuối giờ sáng và bước sang phiên buổi chiều, sau khi thông tin từ Trung Quốc đưa ra thì lực bán tăng mạnh lên khiến cả hai chỉ số chứng khoán không thể trụ lại ở sắc xanh và nhiều cổ phiếu bị lao dốc. Ngoài yếu tố tâm lý, nhiều NĐT cũng e ngại đến “kịch bản” phá giá đồng nội tệ của Trung Quốc tương tự giữa năm 2015 khi bắt đầu bằng việc thị trường chứng khoán (TTCK) lao dốc.
Nhưng theo TS Bùi Quang Tín, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, việc TTCK Trung Quốc ngừng giao dịch có ảnh hưởng tâm lý đến NĐT trong nước và thị trường cũng sẽ khó tăng trở lại trong 1 – 2 phiên tới. Tuy nhiên trong năm qua, kinh tế Trung Quốc và TTCK nước này đã giảm xuống và những NĐT lớn, các quỹ đầu tư đã có thể lường trước những tác động nếu có đến kinh tế VN nói chung và TTCK nói riêng. Hơn nữa, các cơ quan quản lý của VN, đặc biệt Ngân hàng Nhà nước đã có sự chuẩn bị như đưa ra cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn. Từ đó tỷ giá ngoại tệ của VN cũng sẽ được điều chỉnh theo biến động cung cầu nhưng vẫn đảm bảo tính ổn định của thị trường ngoại hối VN. “Từ trước đến nay TTCK VN cũng ít bị ảnh hưởng bởi diễn biến của TTCK thế giới nói chung hay từ Trung Quốc nói riêng dù VN đã mở cửa hội nhập. Vì vậy hiện tại tôi nghĩ rằng cũng không đáng lo lắm”, TS Bùi Quang Tín nói.
Mai Phương

Thuỵ Miên