Mở toang cửa thị trường
2016 là năm bắt đầu một giai đoạn mới của kinh tế VN khi thực thi hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, gia nhập vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và chuẩn bị cho Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Mở toang cửa thị trường
2016 là năm bắt đầu một giai đoạn mới của kinh tế VN khi thực thi hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, gia nhập vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và chuẩn bị cho Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Để bắt nhịp với sức ép cạnh tranh, theo các chuyên gia, nền kinh tế VN buộc phải đẩy mạnh cải cách.
Thị trường “không còn của riêng”
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, nhấn mạnh hội nhập từ năm 2016 trở đi khác xa với thời kỳ sau WTO. VN có cơ hội vươn ra thị trường thế giới sau khi tham gia WTO. Thế nhưng lần này khác, vì VN mở toang cánh cửa thị trường nội địa và doanh nghiệp (DN) nước ngoài sẽ đưa hàng tràn vào. Đó là khác biệt cơ bản nhất. “Bất kỳ sự chậm trễ nào cũng sẽ trả giá một cách nghiêm khắc”, ông Doanh nhấn mạnh.
Trước hết, AEC có hiệu lực, thị trường VN không còn của riêng DN trong nước nên các DN nội phải cạnh tranh với các DN ASEAN ngay trên sân nhà. Đó là thách thức hết sức quan trọng. Thứ hai, nhân sự chất lượng cao của VN có thể tìm kiếm công việc ở các nước trong khu vực và lao động VN ở một số lĩnh vực muốn kiếm việc làm trong nước cũng không hề đơn giản. “Tôi đã gặp các giám đốc DN VN và một số DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) họ đều phàn nàn chất lượng lao động VN kém. Họ không hài lòng và cho rằng, khi AEC có hiệu lực sẽ sẵn sàng nhận ngay lao động nước ngoài”, ông Doanh nói thêm.
|
Trong khi đó, cạnh tranh bên ngoài thị trường của DN Việt vẫn còn nhiều điều để nói. “Thực tế, năm 2015 DN FDI chiếm tới 72% kim ngạch xuất khẩu của cả VN. Phần DN nội địa làm được trong xuất khẩu không nhiều. Đấy là những vấn đề lớn nhất của nền kinh tế VN hiện nay. DN Việt đứng được trên thị trường nội địa cũng là chuyện không hề đơn giản, huống gì khi đi ra biển lớn”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích.
Từng giữ vị trí Phó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), bà Lan đánh giá 2016 là một năm có nhiều cơ hội nhưng cũng bao phủ các thách thức đối với kinh tế VN. “TPP còn hai năm để chuẩn bị nhưng cạnh tranh AEC là đã bắt đầu và sức ép rất mạnh. Hàng hóa từ Trung Quốc tràn sang cũng khủng khiếp. Lại thêm luồng hàng từ Nhật Bản, Hàn Quốc… Tôi lo cho DN Việt quy mô nhỏ và vừa, hoặc nông dân khi phải cạnh tranh trực tiếp với hàng nông sản ASEAN vốn cùng chủng loại. Nông nghiệp thì cạnh tranh với hàng hóa từ Úc, New Zealand đã có hiệp định thương mại với VN, chưa kể TPP. Hàng hóa các nước ASEAN, Trung Quốc tấn công vào VN đã nhiều, bây giờ còn được miễn, giảm thuế mạnh. Trong đó, hàng hóa Thái Lan có tác động mạnh nhất tới sản xuất VN khi họ đã chuẩn bị hệ thống phân phối ở VN và đang chiếm lĩnh dần thị trường”, bà Lan lo ngại.
Cũng theo vị chuyên gia này, hàng hóa của Thái có nhiều mặt hàng tương tự như VN nhưng chất lượng cao hơn, giá cạnh tranh hơn, độ tin cậy cũng cao. Bà cho rằng các nước trong khu vực đang “đánh” vào VN “đủ các mặt trận”. Ở phân khúc hàng cao cấp, DN Việt phải cạnh tranh với hàng Nhật, Hàn Quốc, Mỹ. Và chắc chắn sẽ đối mặt với khó khăn toàn diện ngay ở thị trường nội địa.
Đầu tư mạnh cho khu vực tư nhân, nông dân
Ông Lê Đăng Doanh cho rằng, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, cải cách thể chế kinh tế là điều tiên quyết. “Trong đó cần định vị lại mối quan hệ nhà nước – thị trường – DN. Cụ thể nhà nước là nơi kiến tạo sự phát triển, chứ không tự tham gia vào kinh doanh. Phải nỗ lực nhiều hơn trong quá trình tạo ra môi trường kinh doanh, cải thiện chất lượng lao động, kết cấu hạ tầng và điều kiện kinh tế vĩ mô. Đối với DN, cần có chiến lược kinh doanh dài hạn, đầu tư vào khoa học công nghệ, thay vì thói quen cạnh tranh dựa vào quan hệ để khai thác đất đai, rừng, khai mỏ. Tất cả cần phải thay đổi”, ông Doanh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bà Phạm Chi Lan nhận xét cải cách thể chế kinh tế quan trọng nhất vẫn là cải thiện môi trường kinh doanh, minh bạch và sòng phẳng giữa các DN với nhau. Đến bây giờ, cải cách DNNN còn chậm, cơ bản vẫn hoạt động với nhiều ưu đãi. Các nhà đầu tư nước ngoài được ưu đãi quá nhiều so với DN tư nhân trong nước. Vậy nên, DNNN cộng với DN FDI lấy hết nguồn lực đất nước, khiến DN tư nhân khó tiếp cận nguồn lực hơn. “Trung tâm của câu chuyện cải cách thể chế kinh tế là ở chỗ này, phải tạo môi trường kinh doanh bình đẳng thật sự. Về dài hạn, khu vực tư nhân cần được xem xét là động lực phát triển của nền kinh tế. Nếu đất nước phát triển mà cứ dựa vào đầu tư nước ngoài là không được”, bà Lan nói.
Theo bà Lan, rất may, nền kinh tế VN vẫn còn nhiều gương mặt DN tư nhân nổi bật khi đặt vào sức ép cạnh tranh đã phát triển vượt trội, như Vingroup, Masan, Vinamilk… “Họ có chuẩn bị khá tốt trong thời gian vừa qua và cạnh tranh được với nước ngoài. Tôi tin ở họ. Ngoài ra, xu hướng tham gia nhiều trong nông nghiệp của DN Việt cũng là tín hiệu tốt của nền kinh tế VN. Sau AEC và các FTA khác, VN phải chú trọng tới nội lực; phải thấy trong điều kiện mở cửa hội nhập, chúng ta nắm được cơ hội đến đâu, vượt thách thức đến đâu là ở nội lực, chứ không phải FDI. Nội lực này chính là DN tư nhân, trong đó có nông dân. Muốn làm được phải điều chỉnh chính sách rất mạnh, từ chỗ ưu tiên cho FDI, DNNN phải chuyển sang tập trung cho DN tư nhân, cho nông dân”, bà Lan phân tích thêm.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, hội nhập sẽ thúc đẩy cải cách trong nước. Tất cả các bộ ngành địa phương phải xúm lại rà soát các luật lệ, điều chỉnh chính sách theo cam kết hội nhập, hỗ trợ DN để cải thiện năng lực cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật và khả năng tự vệ.
Ý kiến:
Rau quả Việt có thêm thị trường Nếu nhìn lại một chút năm 2015 chúng ta sẽ thấy, ở thời điểm giữa năm thị trường Trung Quốc gặp khó, nhiều người cho rằng ngành rau quả sẽ không tăng trưởng như kỳ vọng. Tuy nhiên các DN trong ngành đã nỗ lực tìm kiếm, khai thác thị trường mới và cuối cùng đạt được thành tích tăng trưởng. Trong năm mới, thị trường xuất khẩu sẽ càng được mở rộng khi VN tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do. Đó là lợi thế không nhỏ cho các DN Việt trong năm mới. Dù gặp thuận lợi về thị trường nhưng chúng ta cũng đối mặt với hàng loạt khó khăn. Thứ nhất là các hàng rào kỹ thuật từ các nước nhập khẩu sẽ được dựng lên. Để vượt qua hàng rào này chúng ta chỉ có cách là nâng chất lượng sản phẩm, bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn thế giới từ khâu sản xuất đến thu hoạch, chế biến. Với trường hợp của mình, chúng tôi sẽ không ồ ạt mở rộng diện tích hợp đồng với nông dân như các năm trước mà tập trung hợp tác với nông dân đầu tư nâng cao chất lượng, áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn. Ông Huỳnh Quang Đấu “Lửa thử vàng, mở cửa… thử sức”
Tôi nhìn năm 2016 khá tươi sáng trong bối cảnh các hiệp định thương mại mới đã ký kết và có hiệu lực. Để hưởng ngay những lợi ích thì chưa đâu, nhưng năm 2016 là cơ hội cho các DN ngành nông sản đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm hàng hóa vào các thị trường. Thuế suất của sản phẩm nông sản trong khối ASEAN đã rất thấp, nên cắt giảm thuế không có nhiều ý nghĩa. Thách thức nằm ở chỗ, các DN lâu nay chủ yếu xuất thô, sản phẩm tinh chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Vì vậy, năm 2016 là cơ hội cho DN cọ xát thực tế, nâng cao giá trị hàng hóa, đảm bảo khả năng cạnh tranh, cũng là một năm để lửa thử vàng, mở cửa… thử sức. Bởi DN sẽ phải tập trung chiều sâu hơn trước: đầu tư trang thiết bị, quy trình, xây dựng thương mại, vì không có thương hiệu là không xuất khẩu được. Thuế xuống nhưng hàng rào kỹ thuật ở nhiều nước sẽ được dựng lên nên hàng vào sẽ không hết khó khăn. Đỗ Hà Nam Tài chính ngân hàng sôi động
Cách đây hơn 20 năm, các ngân hàng (NH) nước ngoài đã vào VN như HSBC, Citi Bank… nên các NH nội địa đã cọ xát, cạnh tranh với NH ngoại từ đó. Trong vòng 5 năm trở lại đây, các NH nội địa đã thay đổi rất nhiều, đã chọn phân khúc khách hàng riêng biệt, đặc thù. Chẳng hạn, các NH nội chiếm thế mạnh trong triển khai dịch vụ kiều hối, chiếm lĩnh toàn bộ thị trường. Riêng đối với dịch vụ Internet Banking, chúng tôi vượt trội NH nước ngoài trong việc triển khai thanh toán hóa đơn điện, nước. Năm 2016, sự xuất hiện của các NH nước ngoài sẽ làm cho ngành tài chính ngân hàng sôi động nhưng sẽ không bị “sốc”. Chúng tôi đã sẵn sàng hội nhập. Ông Đinh Đức Quang Mong vĩ mô tiếp tục ổn định
Năm 2015 kinh tế vĩ mô ổn định và đó là điều các DN rất mừng. Vì vậy hy vọng trong năm mới, VN sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định để DN an tâm với mục tiêu phát triển. Câu chuyện tỷ giá giữa đồng nội tệ và USD khá căng thẳng khi các nước trong khu vực đều phá giá đồng nội tệ, đặc biệt là Trung Quốc. Nếu VN không thay đổi tỷ giá nhiều thì giá thành sản xuất của DN sẽ cao và sức cạnh tranh của DN VN sẽ bị giảm so với nhiều DN đối thủ ở các nước khác. Chẳng hạn thị trường châu Âu áp thuế nhập khẩu cho hàng dệt may bình quân 9,5%. Riêng VN còn được hưởng ưu đãi thuế quan nên mức thuế nhập khẩu chỉ còn khoảng 2-3%. Tuy nhiên khi Trung Quốc phá giá đồng nội tệ ở mức 5% thì nếu VN không thay đổi, lợi thế về thuế nhập khẩu vào thị trường châu Âu sẽ không còn nữa… Tất nhiên, bản thân DN sẽ phải cố gắng, tập trung xây dựng nội lực và chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn hội nhập sâu hơn của VN trong thời gian tới. Ông Lê Quang Hùng Đẩy mạnh phát triển nguyên phụ liệu
Để đáp ứng được yêu cầu về quy định xuất xứ trong Hiệp định TPP thì yêu cầu tỷ lệ nguyên phụ liệu trong nước phải gia tăng. Dù thời gian qua Chính phủ có chương trình hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ nhưng vẫn chưa có những chính sách cụ thể. Vì vậy tôi mong rằng trong năm mới, Chính phủ cần có những quyết sách mạnh hơn để thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ. Ngoài ra, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu ở nhiều nơi được dự báo còn khó khăn nhưng DN phải đối diện với nhiều loại chi phí gia tăng. Vì vậy cần Chính phủ nghiên cứu, xem xét để giảm bớt các loại chi phí có liên quan đến hoạt động DN bên cạnh việc ổn định vĩ mô. Từ đó góp phần tạo điều kiện cho DN tìm kiếm lối đi mới, thoát dần việc gia công để tiến dần đến việc tự chủ trong sản xuất, gia tăng hiệu quả. Ông Phạm Xuân Hồng Mở ra vận hội mới cho nền kinh tế
Hàng loạt hiệp định thương mại được ký kết mở ra vận hội mới cho nền kinh tế. Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi và sự khác biệt về các sản phẩm chăn nuôi với chất lượng tốt, giá rẻ hơn, dịch vụ tốt hơn. Ngành chăn nuôi trong nước có nhược điểm là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, năng suất thấp, giá thành sản xuất cao… nên khó cạnh tranh. Nhưng nước đã đến chân và thuyền phải giương buồm ra khơi. DN phải liên kết để tạo nên một chuỗi thống nhất và thông suốt từ sản xuất đến tiêu thụ. Trong đó, phải chủ động con giống, thức ăn, thuốc thú y… Như vậy, cuộc chơi mới có thể thúc đẩy, làm thay đổi và phát triển ngành chăn nuôi trong nước. Ông Phạm Đức Bình Thanh Niên (ghi) |
N.Trần Tâm