02/01/2025

Những sản phẩm sáng tạo hữu ích

Nhiều sản phẩm sáng tạo hữu ích của sinh viên đã giành được huy chương vàng về sản phẩm thiết kế chế tạo ứng dụng do Thành đoàn TP.HCM trao tặng.

 Những sản phẩm sáng tạo hữu ích

Nhiều sản phẩm sáng tạo hữu ích của sinh viên đã giành được huy chương vàng về sản phẩm thiết kế chế tạo ứng dụng do Thành đoàn TP.HCM trao tặng.

Phim hoạt hình dạy môn tự nhiên và xã hội
Hai sinh viên (SV) Lâm Thị Thu Thảo và Nguyễn Ngọc Phương Thuỷ đến từ Trường ĐH Sư phạm TP.HCM là tác giả bộ phim hoạt hình dạy môn tự nhiên và xã hội ở bậc tiểu học. Đây là một bộ phim hoạt hình nhiều tập nói về cuộc sống thường nhật của một cậu bé học sinh (HS) với những rắc rối hay thắc mắc mà bất kỳ HS nào cũng gặp phải.
Phim hoạt hình dạy môn tự nhiên và xã hội ở bậc tiểu học - Ảnh: cắt từ clip

Phim hoạt hình dạy môn tự nhiên và xã hội ở bậc tiểu học – Ảnh: cắt từ clip

Lồng ghép trong các tập phim là những bài học hữu ích về thế giới tự nhiên, về sức khoẻ và xã hội.
Theo Thảo, do hiện nay chưa có một dữ liệu điện tử nào thực sự dành riêng cho việc dạy môn học trên ở tiểu học, bên cạnh đó, các clip mà giáo viên sử dụng thường là các clip được lấy từ các lĩnh vực khoa học chuyên sâu nên hình ảnh sẽ mang tính khoa học cao, ít gây hứng thú cho HS. Chính vì thế mà 2 SV này đã bắt tay thực hiện bộ phim hoạt hình này.
Với những hình ảnh sinh động, phim rất gần gũi với người xem. HS sẽ tìm thấy chính mình trong những tập phim. Qua bộ phim, HS còn học được những kỹ năng thiết thực như: phòng tránh xâm hại, phòng tránh sốt xuất huyết và sốt rét, kiến thức về máu, về thực vật…
Điều đặc biệt là, bộ phim truyền tải những kiến thức về giáo dục giới tính cho HS tiểu học. Vì thực tế lượng kiến thức này trong giảng dạy hiện nay còn khái quát, giáo viên cũng còn khó khăn trong việc truyền tải nên hiệu quả giảng dạy chưa cao.
Máy in chữ nổi Braille cho người khiếm thị
“Trong một lần tình cờ xem phóng sự về người khiếm thị trên truyền hình và qua tìm hiểu thực tế, mình nhận thấy sự khó khăn của người khiếm thị khi viết chữ nổi Braille. Sách báo chữ nổi Braille lại rất hạn chế, giá thành cao…”, Hồ Hoàng Huy – một trong 3 thành viên của nhóm tác giả sáng chế máy in chữ nổi Braille cho người khiếm thị, giãi bày về lý do sáng chế sản phẩm.
Từ đó, nhóm của Huy đi tìm hiểu thực tế về chữ nổi Braille, các phương pháp viết và in văn bản chữ nổi, rồi tiến hành mô phỏng nhiều phương án để sáng chế nên sản phẩm. Thời gian hoàn thành sản phẩm khoảng 3 tháng.
Với chiếc máy in này, các ký tự chữ bình thường được phần mềm chuyển đổi sang ký tự Braille tương ứng nhưng ở dạng mã hóa 0,1. Văn bản sau khi mã hóa được nạp vào bộ nhớ của hệ thống điều khiển. Hệ thống điều khiển sẽ sử dụng các thông tin văn bản được mã hóa điều khiển cơ cấu chấp hành in văn bản ký tự Braille.
Nhóm tác giả và sản phẩm máy in chữ nổi Braille cho người khiếm thị - Ảnh: N.V

Nhóm tác giả và sản phẩm máy in chữ nổi Braille cho người khiếm thị – Ảnh: N.V

Máy sử dụng phần mềm chuyển đổi ký tự riêng do nhóm chế tạo nên. Máy có khả năng in tất cả các ký tự chữ alphabet, chữ có dấu Việt ngữ, các dấu toán học và các ký tự đặc biệt.
Để chế tạo được chiếc máy in này, theo Huy, nhóm gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí, thiếu thốn thiết bị ở trong nước cũng như quá trình xây dựng phần mềm chuyển đổi ký tự.
Sắp tới 3 anh chàng tài năng của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM sẽ chuyển giao chiếc máy in chữ nổi Braille này cho mái ấm khiếm thị Nhật Hồng ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM đúng theo tâm nguyện của nhóm.

 

Nữ Vương