06/01/2025

“Đừng sợ hội nhập như người sợ ma”

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch đã nói như vậy tại Hội nghị khoa học kinh tế trẻ, trong ngày thứ hai của Liên hoan “Tuổi trẻ sáng tạo TP.HCM” lần 6-2015.

 

“Đừng sợ hội nhập như người sợ ma”

 

 

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch đã nói như vậy tại Hội nghị khoa học kinh tế trẻ, trong ngày thứ hai của Liên hoan “Tuổi trẻ sáng tạo TP.HCM” lần 6-2015.

 

 

 

 

 
 
 
 
 
 

 

Sinh viên trải nghiệm một sản phẩm sáng tạo trong ngày hội - Ảnh: Chế Trung
Sinh viên trải nghiệm một sản phẩm sáng tạo trong ngày hội – Ảnh: Chế Trung

Chương trình do Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM) tổ chức hôm 27-12.

Cũng tại liên hoan đã diễn ra chương trình sinh viên sáng tạo do Hội Sinh viên TP.HCM “chủ xị” với hơn 3.000 sinh viên tham gia.

Đừng bao giờ sợ hội nhập như người sợ ma. Chúng ta hội nhập có lộ trình chứ không phải nói hội nhập là mở toang cửa, hội nhập tất cả. Vì vậy các bạn trẻ hãy chọn nghiên cứu từng vấn đề cụ thể, theo lộ trình cụ thể, cần phải có thái độ khoa học, phân tích những hiện tượng của tự nhiên, xã hội để đúc kết lại thành quy luật. Muốn làm khoa học, thứ nhất phải nhìn từ thực tế, không tránh né thực tế, tránh né nó thì không làm khoa học được. Thứ hai là phải có khát vọng, trăn trở mới làm được. Thứ ba là phải có niềm tin

Ông TRẦN DU LỊCH - đại biểu Quốc hội

Không gian sáng tạo 
đa dạng

Nhiều hoạt động diễn ra cùng lúc như liên hoan câu lạc bộ học thuật – sáng tạo, sinh viên với công nghệ mới, sáng tạo với thường thức đời sống, trao đổi sách, sân chơi khoa học vui – bé làm khoa học, talkshow định hướng chuyên ngành IT cho sinh viên ở thị trường Nhật…

Trên sân khấu chính luôn “bốc cháy” với các tiết mục văn nghệ thì ngay cạnh đó, nhóm sinh viên ĐH Khoa học xã hội nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) đang tỉ mỉ hướng dẫn các bạn sinh viên cách xếp lá dừa thành những bông hoa, con cào cào rất dễ thương. Ở một góc khác, sinh viên thích thú với nghệ thuật tạo hình nến ở lọ thủy tinh hay xếp mô hình giấy…

Ngày hội còn là nơi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhóm tác giả nghiên cứu khoa học, sáng tạo robot với các bạn sinh viên ở khu không gian triển lãm, biểu diễn các sản phẩm, mô hình, robot sáng tạo do sinh viên các trường thực hiện trong năm 2015. Đặc biệt, nhiều cuộc thi với chủ đề hội nhập ASEAN được tổ chức thu hút khá đông sinh viên tham gia như cuộc thi thiết kế nhanh thời trang “Sắc màu ASEAN”, thiết kế poster tuyên truyền về ngày hội ASEAN, hỏi đáp kiến thức hội nhập…

Bạn Nguyễn Thị Minh Ngọc (SV năm 2 ĐH Ngoại ngữ – tin học TP.HCM) chia sẻ: “Mình rất thích và được học thêm một số kỹ năng ở không gian sáng tạo nghệ thuật như xếp lá dừa, tạo hình nến nghệ thuật. Đặc biệt là được xem, tận tay thử nghiệm các sản phẩm robot tự động của các bạn sáng tạo. Các bạn đều là sinh viên nhưng đã làm được những sản phẩm tuyệt vời”.

Người trẻ bàn chuyện hội nhập

Hội nghị khoa học kinh tế trẻ lần 2-2015 với chủ đề “Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 triển vọng và thách thức” có 22 bài tham luận, công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên, giảng viên các trường ĐH. Nhiều vấn đề được bàn luận như tài chính ngân hàng, thuế, giới trẻ làm gì để hội nhập, khởi nghiệp như thế nào…

Nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Hằng và Nguyễn Chí Nguyên (Trường ĐH Tài chính marketing) chỉ ra những điểm yếu của nhân lực Việt Nam khi hội nhập là trình độ ngoại ngữ yếu, các kỹ năng mềm chưa được cập nhật hoặc có cập nhật nhưng chưa đầy đủ, chưa có được hệ thống thông tin hoàn chỉnh về thị trường lao động. Trước thực tế trên, nhóm đề xuất người lao động cần có ý thức chủ động nâng cao tay nghề và hoàn thiện các kỹ năng mềm cần thiết khi tham gia thị trường lao động.

Bên cạnh đó, việc trau dồi khả năng ngoại ngữ là một yêu cầu cấp thiết. Nhóm nghiên cứu này phân tích Việt Nam xếp thứ 29/70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới về mức độ thành thạo tiếng Anh. Tuy nhiên, kỹ năng tiếng Anh của người Việt chỉ mới ở mức độ trung bình. Do vậy, việc học tập để nâng cao trình độ tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung là yêu cầu cấp thiết, phải sử dụng thành thạo tiếng Anh và ngoại ngữ trong mọi lĩnh vực.

Thạc sĩ Phạm Ngọc Tường Loan (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) cảnh báo rằng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ và tự động hoá, nhu cầu về lao động của con người giảm theo thời gian, cùng việc cạnh tranh trong thị trường lao động khu vực thời gian sắp tới sẽ dẫn đến tình trạng thiếu việc làm cho lao động Việt Nam ngay trên sân nhà.

Vì vậy, theo thạc sĩ Loan, các doanh nghiệp mới được thành lập, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, được xem là một chìa khóa quan trọng góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo, đóng góp vào ngân sách nhà nước bằng việc đóng thuế thu nhập…

Để giúp người trẻ khởi nghiệp, chị Nguyễn Thị Thanh Vy (Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2, TP.HCM) cho rằng cần đẩy mạnh công tác giáo dục khởi nghiệp từ trong môi trường giáo dục. Theo chị Vy, giáo dục khởi nghiệp kinh doanh ở bậc đại học dường như còn bỏ ngỏ, chỉ gói gọn trong một số môn học riêng rẽ mang tính tự chọn tại một số ít trường.

“Việc này nhằm cung cấp các kiến thức, kỹ năng và thái độ cho người khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy khả năng kinh doanh của các công dân, tăng khả năng thích ứng, gia tăng sự tồn tại và phát triển bền vững của các doanh nghiệp mới thành lập” – chị Vy nói.

Tại ngày hội Sinh viên sáng tạo, hội đồng Quỹ bảo trợ tài năng trẻ TP.HCM đã trao bảo trợ cho 10 tài năng trẻ đạt nhiều thành tích xuất sắc ở các lĩnh vực trong năm 2015 với tổng số tiền 100 triệu đồng. Đây là nguồn kinh phí hỗ trợ các tài năng trẻ mua sắm vật dụng tập luyện, nghiên cứu và các chi phí thi đấu ở nước ngoài.

Năm nay, hội đồng Quỹ bảo trợ tài năng trẻ nhận được sự tài trợ kinh phí trao bảo trợ từ Công ty cổ phần Công viên nước Đầm Sen. 10 bạn được nhận bảo trợ trong đợt này là: Nguyễn Đình Luận, Lê Yên Thanh (ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia TP.HCM), Nguyễn Ngọc Xuân Mai (Trường tiểu học Lý Cảnh Hớn, Q.5), Trương Nhã Thy (THCS Đồng Khởi, Q.Tân Phú), Nguyễn Lan Anh (Nhạc viện TP.HCM), Lâm Quang Nhật (TT Thể thao dưới nước Yết Kiêu), Nguyễn Thị Mộng Quỳnh (THPT Nguyễn Huệ, Q.9), Trần Đình Vương (TT Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao TP.HCM), Phạm Tường Lan Thy (THPT chuyên Lê Hồng Phong, Q.5), Nguyễn Dương Kim Hảo (THCS Nguyễn Gia Thiều, Q.Tân Bình).

QUANG PHƯƠNG – PHƯỚC TUẦN