Sự phổ biến của hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga trên phạm vi toàn cầu có thể là mối đe doạ không nhỏ cho Mỹ và các nước đồng minh.
Cơn ác mộng của Mỹ về S-400
Sự phổ biến của hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga trên phạm vi toàn cầu có thể là mối đe doạ không nhỏ cho Mỹ và các nước đồng minh.
Theo chuyên san quân sự và quốc phòng Mỹ TheNationalInterest, Ấn Độ sắp mua 5 hệ thống tên lửa phòng không Almaz-Altey S-400 của Nga, qua đó trở thành quốc gia thứ hai sau Trung Quốc sở hữu loại vũ khí này. Báo Nga Kommersant đưa tin hiện hai bên đang trong giai đoạn thương lượng nhằm “chốt” lại giá cả của thương vụ mà nhiều nguồn tin cho biết New Delhi có thể phải chi đến 6 tỉ USD.
Hồi tháng 7 năm nay, Sputnik News dẫn lại thông tin của trang blog quân sự SecretDifa3 tại Algeria cho biết quốc gia Bắc Phi này đã mua 3 – 4 tiểu đoàn S-400 nhưng nguồn tin chưa được xác nhận chính thức.
Thách thức nghiêm trọng
Theo nhà sản xuất Almaz-Antley, hệ thống S-400 có thể nhằm vào các mục tiêu cách đó khoảng 250 km ở độ cao hơn 27 km. Đáng lưu ý, S-400 có thể hỗ trợ ít nhất 3 loại tên lửa có những khả năng khác nhau. Các nguồn tin phương tây nói rằng một số phiên bản có thể tập kích các mục tiêu cách đó hơn 400 km. S-400 có thể theo dõi 300 mục tiêu cùng lúc và có thể đồng thời tấn công 36 mục tiêu trong số này.
Ông Dipankar Banerjee, chuyên gia phân tích quốc phòng thuộc tổ chức nghiên cứu Diễn đàn Các sáng kiến quốc phòng có trụ sở tại New Delhi, nhận định các hệ thống S-400 “rất được mong mỏi” ở Ấn Độ, do nước này “dễ bị Trung Quốc và Pakistan tấn công bằng tên lửa và không kích”. Chính vì vậy, theo ông, giá cao sẽ không phải là trở ngại với New Delhi.
“Sự phổ biến của các hệ thống như S-400 và S-300 đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với sức mạnh trên không của Mỹ và các đồng minh. Cả hai hệ thống này có sự cơ động cao, được liên kết thành mạng lưới và có khả năng bảo vệ những khu vực lãnh thổ rộng lớn”, cây bút quốc phòng kỳ cựu của tờ TheNationalInterestDave Majumdar nhận định. Chuyên gia này cho rằng vấn đề mà Mỹ phải đối mặt “sẽ chỉ tồi tệ hơn” qua thời gian, bởi các nước khác, chẳng hạn Iran – quốc gia được cho là có năng lực phát triển vũ khí hạt nhân, đã sở hữu S-300, vì thế không loại trừ khả năng họ tiếp tục trang bị S-400 trong tương lai.
“Thuốc đặc trị”
Cũng theo TheNationalInterest, hải quân Mỹ đã quyết định nâng cấp phi đội máy bay tác chiến điện tử Boeing EA-18G Growler của nước này bằng cách trang bị thêm Công nghệ mạng dò mục tiêu chiến thuật (TTNT) tốc độ cao cùng một số phần cứng khác nhằm cải thiện khả năng ngắm mục tiêu. Theo Boeing, toàn bộ máy bay Growler đang sản xuất sẽ được lắp phần cứng mới trong khi các máy bay đời cũ hơn sẽ được nâng cấp.
Theo chuẩn Đô đốc Mike Manazir, phụ trách không chiến của hải quân Mỹ, TTNT sẽ cần tối thiểu 2 máy bay EA-18G kết nối tốc độ cao với nhau và với một máy bay cảnh báo sớm trên không Northrop Grumman E-2D Hawkeye để tiến hành phân tích nhằm định vị chính xác nguồn phát sinh đe dọa. Với 3 điểm phối hợp, hải quân Mỹ kỳ vọng có thể thu hẹp vị trí của các nguồn đe doạ di động khác nhau để theo dõi vũ khí đối phương trong thời gian thực.
Công nghệ mới được cho là có vai trò thiết yếu đối với những kế hoạch chống lại mối đe doạ từ hệ thống phòng không tích hợp, bao gồm radar VHF có khả năng phát hiện máy bay tàng hình tốt hơn cũng như các hệ thống phòng không cơ động như S-400 của Nga. Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Mỹ Tyler Rogovey tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả của công nghệ mới.
Theo trang tin TodayNews24h, trong bài viết trên blog cá nhân Alpha Foxtrot sau khi xuất hiện thông tin về “liều thuốc đặc trị S-400” của Mỹ, Rogovey cho rằng để tiêu diệt hệ thống này, cần sử dụng một loạt các công cụ chiến tranh điện tử khác nhau. Chẳng hạn như phối hợp triển khai máy bay tàng hình với vũ khí tấn công tầm xa cùng các chiến đấu cơ từ căn cứ bí mật và nhiều vũ khí khác nữa. “F-16 có thể tiếp cận ở khoảng cách nằm trong bán kính phóng tên lửa hành trình có độ chính xác cao AGM-158 JASSM, còn F-35 xâm nhập ở cự ly thả bom mà khó phát hiện”, ông viết.
Nếu triển khai thêm biện pháp gây nhiễu thì quãng đường tiếp cận sẽ được rút ngắn lại và sự thành công phụ thuộc vào chiến thuật cũng như kỹ thuật sử dụng. Vấn đề ở chỗ khi gặp đối thủ đáng gờm như S-400 thì cần phải tính đến phương án đối phương có nhiều vị trí triển khai bệ phóng tên lửa, nhiều trạm radar cùng một loạt chiến đấu cơ.
Trong khi đó, cơn “ác mộng” cho Mỹ vẫn chưa chấm dứt, vì theo chuyên gia Majumdar của tờ TheNationalInterest, Nga sẽ sớm triển khai hệ thống phòng không S-500 trên cơ sở nâng cấp từ hệ thống S-400 hiện tại.
Mức độ lợi hại của S-400 lâu nay đã được giới chức và chuyên gia quân sự nói đến nhiều, nhưng hệ thống phòng không cự phách của Nga giành được sự chú ý đặc biệt kể từ lúc nó được triển khai tại khu vực biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi Ankara bắn hạ một chiến đấu cơ Su-24 của Moscow hồi tháng trước. Trang Washington Free Beacon mới đây dẫn dữ liệu của Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) tại Washington (Mỹ) cho biết với tầm bắn trên, S-400 thừa khả năng theo dõi và tấn công các cơ sở quân sự trong khu vực, bao gồm 2 căn cứ không quân trọng yếu của Mỹ là Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ và Al-Shaheed Muwaffaq Salti tại Jordan.